Có cần thêm giấy chứng nhận sở hữu ô tô?

CÓ CẦN THÊM GIẤY CHỨNG NHẬN SỞ HỮU Ô TÔ?

(TBKTSG) – Việc chủ ô tô bị cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt vì không có bản chính giấy chứng nhận đăng ký ô tô (giấy đăng ký xe) do giấy này đang bị thế chấp tại ngân hàng đang hâm nóng dư luận. Người mua xe trả góp, người đang thế chấp xe lo lắng, ngân hàng thì đau đầu vì nghiệp vụ cho vay mua xe có thể bị phá sản. Nhiều ý kiến và đề xuất được đưa ra, trong đó có đề xuất cần thêm một giấy chứng nhận sở hữu ô tô, ngoài giấy đăng ký xe như hiện nay (Xem TBKTSG số 29 ra ngày 20-7-2017). Đề xuất này thoạt nghe có vẻ hợp lý, tuy nhiên, cần nhìn nhận nó ở nhiều góc độ, nhất là pháp lý, hơn là chạy theo việc xử lý tình huống.

Có cần thêm chứng nhận sở hữu ô tô?

Trước khi trả lời câu hỏi “Có cần thêm chứng nhận sở hữu ô tô?”, thiết nghĩ cần phải tìm hiểu bản chất của giấy đăng ký xe hiện nay. Theo điều 106 Bộ luật Dân sự 2015, ô tô là động sản mà quyền sở hữu đối với ô tô phải đăng ký. Giấy đăng ký xe chính là chứng nhận cho việc đăng ký quyền sở hữu của người chủ đối với ô tô. Như vậy, dù mang tên là giấy đăng ký nhưng về bản chất pháp lý, đây chính là giấy tờ xác nhận quyền sở hữu ô tô. Do vậy đề xuất tách giấy đăng ký xe hiện tại thành giấy đăng ký và chứng nhận sở hữu ô tô là thừa và hiểu sai bản chất pháp lý của giấy đăng ký xe hiện nay.

Về mặt kinh tế, việc tách giấy đăng ký xe hiện tại thành hai giấy, nếu có, chỉ để phục vụ cho nhu cầu của một số lượng nhỏ chủ sở hữu ô tô có giao dịch thế chấp, trong khi số lượng lớn những chủ sở hữu khác không có nhu cầu này.

Mặt khác, đối với những ô tô đã được cấp giấy đăng ký, có thể việc phải đổi thành hai giấy theo chính sách mới sẽ gây ra rối loạn trong việc xác lập quyền sở hữu mà Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định.

Ý tưởng tách giấy chứng nhận sở hữu xe cũng không khác gì đề xuất về “sổ xanh”, “sổ đỏ”, “sổ hồng” như đối với đất đai, hay quy định đổi bằng lái xe sang chất liệu PET trước đây. May mà những đề xuất đó đã sớm bị phản đối và bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”.

Cần tôn trọng quyền tài sản của người dân theo Bộ luật Dân sự

Việc thế chấp xe để vay tiền ngân hàng, bản chất là việc thực thi quyền sở hữu của người dân – với tư cách là chủ sở hữu đối với tài sản của mình. Theo Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu được quyền thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản trừ khi điều đó trái với luật hoặc gây thiệt hại quốc gia, dân tộc, công chúng hoặc cho người khác. Việc người dân và ngân hàng thỏa thuận trao cho ngân hàng giữ bản chính giấy đăng ký xe là hoàn toàn phù hợp với Bộ luật Dân sự và không gây hại cho bất cứ ai, do vậy không có lý do gì để nói rằng thỏa thuận đó vi phạm luật(1). Việc ngân hàng giữ bản gốc đăng ký xe nhằm hạn chế bên thế chấp định đoạt tài sản, trước hết là thỏa thuận của hai bên và là hợp lý để ngân hàng kiểm soát tài sản thế chấp còn người dân (người vay) có trách nhiệm với khoản vay của mình. Đây không chỉ là thực tiễn bấy lâu nay mà còn tránh rủi ro về nợ xấu cho ngân hàng. Viện lý do quản lý hành chính mà tước đi quyền được khai thác tài sản của chủ sở hữu là xâm phạm đến quyền sở hữu của người dân và đẩy các giao dịch vay vốn – thế chấp của ngân hàng vào rủi ro.

Bên cạnh đó, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ(2) cũng chỉ quy định rằng người điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô không mang theo giấy đăng ký xe thì bị phạt tiền mà không yêu cầu là bản chính hay bản sao chứng thực giấy đăng ký xe. Do đó, người dân được quyền lựa chọn giải pháp tình thế sử dụng bản sao chứng thực cho mình, như vậy hoàn toàn không trái pháp luật.

Từ các phân tích trên cho thấy các quy định pháp luật hiện hành đã đủ chi tiết và có khả năng để áp dụng giải quyết tình huống thực tiễn đặt ra. Vậy tách giấy là không cần thiết. Cũng không cần phải sửa các luật liên quan hoặc ban hành thêm luật để giải quyết vấn đề này. Các bên liên quan cần phải áp dụng các quy định trong Bộ luật Dân sự – luật gốc về dân sự – và tôn trọng quyền sở hữu của người dân và tự do thỏa thuận giữa người dân và ngân hàng để điều chỉnh cách tiếp cận. Theo đó, CSGT cần chấp nhận bản sao của giấy đăng ký xe hoặc có thêm xác nhận của ngân hàng nếu cần thiết.

(1) Khoản 1 điều 320 BLDS 2015

(2) Điểm b khoản 3 điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016