Các loại giấy tờ nào do cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cấp mà không buộc phải hợp pháp hóa lãnh sự?

Theo quy định tại Điều 2.2 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP, Hợp pháp hóa lãnh sự là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam.

Theo đó, để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam, các giấy tờ, tài liệu của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ một số trường hợp giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự, bao gồm:

  • Được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên, hoặc theo nguyên tắc có đi có lại;
  • Được chuyển giao trực tiếp hoặc qua đường ngoại giao giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài;
  • Được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Giấy tờ, tài liệu mà cơ quan tiếp nhận của Việt Nam hoặc của nước ngoài không yêu cầu phải hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự phù hợp với quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam hoặc của nước ngoài.

(Điều 9 Nghị định 111/2011/NĐ-CP)

Bên cạnh các trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự như được liệt kê ở trên, có một số tài liệu, hồ sơ thuộc trường hợp không phải hợp pháp hóa lãnh sự khi chứng thực bản sao từ bản chính.

Cụ thể, giấy tờ tùy thân sau đây do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp cho cá nhân không phải hợp pháp hóa lãnh sự khi chứng thực bản sao từ bản chính, bao gồm:

Hộ chiếu;

Thẻ căn cước;

Thẻ thường trú;

Thẻ cư trú;

Giấy phép lái xe;

Bằng tốt nghiệp; chứng chỉ và bảng điểm kèm theo bằng tốt nghiệp, chứng chỉ.

Trong trường hợp yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch trên bản dịch các giấy tờ này thì cũng không phải hợp pháp hóa lãnh sự.