Chính sách nhân sự đối phó dịch bệnh Corona

Tính đến ngày 6/3/2020, dịch COVID-19 đã xuất hiện ở 89 quốc gia và vùng lãnh thổ khiến 98.588 người nhiễm và 3.388 người tử vong (1).

Tình hình dịch bệnh đang tăng lên hàng ngày về số ca nhiễm và số quốc gia bị ảnh hưởng.

Dịch bệnh làm cho nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề, hầu hết chính phủ các nước đều phải công bố các gói hỗ trợ nền kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, lãi suất và các hỗ trợ kỹ thuật khác.

Tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp sản xuất bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào trầm trọng làm ảnh hưởng đến sản xuất.

Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như vận tải, du lịch và ăn uống tỷ lệ sụt giảm doanh thu khá cao so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn tài chính, doanh thu không có nhưng vẫn phải chi trả tiền thuê nhà xưởng, mặt bằng kinh doanh, tiền lãi vay ngân hàng và chi phí nhân sự.

phong-chong-corona

Trước tình hình dịch bệnh chưa thể tiên đoán khi nào mới kết thúc, nhiều doanh nghiệp đã và đang lên các phương án cắt giảm chi phí, trong đó yếu tố chi phí nhân sự đang làm doanh nghiệp đau đầu nhất.

Bởi lẽ nếu cho người lao động thôi việc thì sợ gặp rủi ro về pháp lý và thiếu hụt nguồn nhân lực sau cơn bão dịch bệnh, cũng như ảnh hưởng đến uy tín nhà tuyển dụng trên thị trường lao động.

Tại thời điểm này, chủ doanh nghiệp cần phải tìm ra giải pháp vẹn toàn để vừa tồn tại được trong lúc khó khăn và giữ được nguồn lực phát triển sau cơn bão dịch bệnh. 

Thỏa thuận để chia sẻ khó khăn về Chính sách nhân sự

Ngồi xuống cùng bàn bạc một cách thẳng thắn là giải pháp giải quyết các tình huống khó khăn mà xã hội hiện đại ưu chuộng thực hiện hơn hành vi đơn phương từ một phía.

Trong hoàn cảnh dịch bệnh, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người lao động cũng hiểu tình thế khó khăn của chủ doanh nghiệp.

Các phương án dưới đây được sắp xếp theo thứ tự tăng dần mức độ ảnh hưởng đến người lao động để chủ doanh nghiệp lựa chọn.

Phương án thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động:

Trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận, công ty có thể thỏa thuận với người lao động một khoản hỗ trợ tài chính trong khả năng của mình để người lao động đồng thuận kết thúc quan hệ lao động và tìm kiếm cơ hội mới.

Phương án này phù hợp trong trường hợp chủ doanh nghiệp có tính đến chuyện tạm ngừng kinh doanh, giải thể hoặc phá sản do không thể vực dậy được doanh nghiệp hoặc cần cắt giảm một phần nguồn nhân lực.

Điều 36.3 BLLĐ 2012 cho phép các bên tự do thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động có kèm theo khoản tài chính hoặc không.

Phương án tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong một thời hạn:

Công ty thương lượng với người lao động để chi trả một khoản tiền hoặc không phải thanh toán tiền nếu người lao động đồng ý.

Phương án này sẽ giúp doanh nghiệp vẫn duy trì quan hệ lao động với người lao động nhưng có thể giải phóng được nghĩa vụ chi trả tiền lương, phúc lợi, bảo hiểm và thuế thu nhập cá nhân.

Phương án này giúp doanh nghiệp không phải thực hiện tuyển dụng lại người lao động, đồng thời cũng giúp người lao động có một cơ hội việc làm trong tương lai tại thời điểm bắt đầu thực hiện tiếp hợp đồng lao động. Căn cứ pháp lý của phương án này là Điều 32 BLLĐ 2012.

Phương án thỏa thuận về trả tiền lương ngừng việc:

Theo Điều 98.3 BLLĐ 2012, công ty được quyền thỏa thuận với người lao động để trả tiền lương ngừng việc. Theo đó tiền lương ngừng việc có thể thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2020 theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP (Vùng I: mức 4.420.000 đồng/tháng; Vùng II: mức 3.920.000 đồng/tháng; Vùng III: mức 3.430.000 đồng/tháng; Vùng IV: mức 3.070.000 đồng/tháng).

Phương án thỏa thuận giảm thời giờ làm việc và giảm tiền lương:

Phương án này cân bằng được lợi ích của người lao động và công ty theo tình hình diễn biến của dịch bệnh và năng lực sản xuất kinh doanh của công ty.

Để thực hiện phương án này, công ty có thể căn cứ vào Điều 35 BLLĐ 2012 để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động hoặc ký kết phụ lục hợp đồng để thay đổi thời giờ làm việc và tiền lương trong một khoảng thời gian phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh và kế hoạch kinh doanh của công ty.

Quyền được cắt giảm nhân sự để tồn tại

Theo Điều 38.1.(c) BLLĐ 2012 người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động “do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc”.

Quy định này được hướng dẫn Điều 12.2 Nghị định 05/2015/NĐ-CP; theo đó cụm từ “lý do bất khả kháng khác” thuộc một trong các trường hợp: (i) do địch họa, dịch bệnh;  (ii) di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Với việc Bộ Y tế ban hành Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/1/2020 bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (có tên gọi là COVID-19) vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A (các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh) và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 01/02/2020 về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra; thì công ty có căn cứ pháp lý xác định trường hợp dịch bệnh COVID-19 là trường hợp bất khả kháng theo quy định của BLLĐ hiện hành (điều kiện cần).

nhan-su-thoi-dich-benh

Theo quy định trên, công ty cũng cần chứng minh rằng mình đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.

Đây là yếu tố mang tính chủ quan, nội tại của doanh nghiệp, do vậy doanh nghiệp cũng cần phải giải trình với cơ quan nhà nước hoặc tòa án trong trường hợp người lao động không đồng ý với quyết định đơn phương của công ty.

Điều kiện đủ này sẽ có thể thuyết phục cơ quan ra phán quyết nếu có các chứng cứ như sự suy giảm về doanh thu, nguồn tiền mặt của công ty không đủ trả lương nếu tiếp tục sử dụng người lao động. Các yếu tố bên ngoài như việc công ty không mua được nguyên liệu đầu vào, thị trường đầu ra bị thu hẹp, phải thực hiện các biện pháp tự hạn chế vùng phát triển kinh doanh theo quyết định hành chính của nhà nước như không đi vào vùng có dịch…vv.

Khi đáp ứng điều kiện cần và điều kiện đủ nêu trên, doanh nghiệp hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện quyền cắt giảm nhân sự để giảm chi phí nguồn nhân lực trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Tinh thần doanh nhân và đạo đức kinh doanh

Không thể phủ nhận thời điểm dịch bệnh là thời điểm hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang lo lắng về doanh thu sụt giảm, nhiều gánh nặng về tài chính đang bủa vây doanh nhân.

Nếu chủ doanh nghiệp có thể tìm ra phương án khắc phục khó khăn tại thời điểm này để giữ nguyên lực lượng lao động thì người người, nhà nhà đều bảo đảm được thu nhập, gián tiếp ổn định lực lượng sản xuất.

Nếu doanh nghiệp tìm được giải pháp tốt để không phải cắt giảm nguồn nhân lực sẽ giúp xây dựng được hình ảnh nhà tuyển dụng trong thị trường lao động.

Đồng thời, việc giữ nguồn nhân lực tại thời điểm này sẽ giúp xây dựng được mối quan hệ lao động trở nên tốt đẹp hơn và không mất chi phí tuyển dụng mới, đào tạo người mới khi dịch bệnh qua đi.

Một trong những cách tạo ra giá trị trong thời điểm nhiều bộ phận, phòng ban và người lao động nhàn rỗi là thực hiện công tác đào tạo chuyên môn, kỹ năng mềm, cải tiến quy trình làm việc, tập trung nghiên cứu sản phẩm mới, công nghệ mới, thử nghiệm phương án làm việc online, làm việc tại nhà…vv. Trong thời buổi nền kinh tế số, sức mạnh và tài sản đáng giá nhất của doanh nghiệp là nhân tài, nguồn nhân lực đã thuần thục về làm việc nhóm.

Thời điểm này là thời điểm tinh thần doanh nhân và đạo đức kinh doanh cần được phát huy và thử thách mãnh liệt nhất và cũng là thời điểm đào thải các doanh nghiệp và doanh nhân chưa đủ năng lực bám trụ cuộc chơi trên thương trường.

(1) Theo thông tin cập nhật từ Bộ Y tế vào lúc 15:50 ngày 06/03/2020 https://ncov.moh.gov.vn/

* Luật sư Lê Trọng Thêm, Công ty Luật LTT & Lawyers