tham-tra-phap-ly

Làm thế nào để thẩm tra pháp lý về đối tác thương mại

Thẩm tra pháp lý về đối tác thương mại  (địa vị pháp lý, năng lực tài chính, công nghệ, uy tín, kinh nghiệm…) là một yêu cầu tất yếu, thường xuyên được thực hiện trước khi đi đến hợp tác, đặc biệt đối với các hợp đồng lớn nhằm tránh lãng phí thời gian, lừa đảo, kém hiệu quả,… Đồng thời, đây cũng là biện pháp nhằm củng cố lòng tin giữa các đối tác thật sự mong muốn hợp tác lâu dài, cùng có lợi.

Thông thường, công việc xác minh do các cơ quan như Phòng Thương mại và Công nghiệp, Ngân hàng, một số cơ quan chức năng nhà nước, công ty tư vấn thực hiện theo yêu cầu của khách hàng bằng những kỹ năng nghiệp vụ thông qua dữ liệu có và các kênh thông tin của họ.

  Công tác xác minh, thẩm định đối tác chỉ nên bắt đầu tiến hành khi có các nội dung:

– Tên, địa chỉ doanh nghiệp cần xác minh;

– Một số thông tin đã biết về doanh nghiệp;

– Quy mô dự kiến của chương trình hợp tác;

……

Nội dung cần xác minh rất đa dạng, có thể:

            1. Về tư cách pháp nhân:

            – Địa vị pháp lý của công ty (giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề…)

            – Ban Giám đốc, Hội đồng quản trị

            – Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế

            – Các vụ kiện tụng, tranh chấp kinh tế và nguyên nhân (nếu có)

           2. Về loại hình doanh nghiệp:

            – Công ty xuyên quốc gia (có chi nhánh ở bao nhiêu nước, cụ thể những nước nào).

            – Công ty cổ phần

            – Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hay Công ty gia đình…

            – Công ty hợp doanh (đối với các dịch vụ chuyên môn như tư vấn pháp lý, luật, bác sĩ, bảo hiểm…)

            3. Về năng lực tài chính:

            – Tình hình tài chính trong một vài năm: vốn (gồm vốn pháp định, vốn thực tế), doanh thu, lợi nhuận, giá trị cổ phiếu, sự biến động của giá cổ phiếu, sự tăng giảm nghĩa vụ đóng thuế…

            – Biến động cổ phần chi phối.

            – Hiện nằm trong diện có khó khăn về tài chinh hoặc chuẩn bị phá sản.

            – Đánh giá của giới chuyên môn về năng lực hoạt động và triển vọng phát triển của công ty (qua một số doanh nghiệp cùng kinh doanh loại mặt hàng, báo chí, giới phân tích chứng khoán…)

tham-tra-phap-ly

            4. Về trình độ chuyên môn, công nghệ:

            – Trình độ công nghệ so với sở tại

            – Trình độ công nghệ so với khu vực

            – Trình độ công nghệ trong lĩnh vực đó so với thế giới

            – Đội ngũ cán bộ, nhân viên có tay nghề.

            – Mạng lưới hoạt động của doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới

            5. Về kinh nghiệm quản lý, kinh doanh:

            – Thời gian hoạt động, lĩnh vực hoạt động (ghi trên giấy phép thành lập doanh nghiệp (nếu có), lĩnh vực hiện đang hoạt động…)

            – Một số các dự án đã triển khai: quy mô, kết quả.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có thể tự xác minh về đối tác qua những kênh thông tin sau

            – Thông tin công  khai từ các nguồn sau đây:

            + Website của công ty

            + Danh bạ doanh nghiệp (business directory)

            + Phòng thương mại và công nghiệp

            + Hiệp hội ngành hàng

            + Sở giao dịch chứng khoán và các sàn giao dịch

            + Các báo cáo tài chính công khai

            – Bán công khai:

            + Từ các cơ quan chức năng của Chính phủ liên quan: Bộ Ngoại giao, Bộ chủ quản đầu tư, cơ quan phụ trách về phá sản, cơ quan thuế, địa phương liên quan…

            + Thẩm tra trực tiếp (thực địa): Gặp gỡ tại văn phòng công ty, thăm nơi sản xuất kinh doanh, tìm hiểu hoạt động kinh doanh và khả năng hợp tác.

            + Mua thông tin qua các công ty kinh doanh về lĩnh vực này: Đối với các nước phát triển, nên sử dụng hình thức mua thông tin qua các công ty tư vấn vì đây là cách làm nhanh nhất, đầy đủ nhất và chi phí cũng ít tốn kém nhất (Tại Singapore, việc mua các thông tin này rất rẻ,  rất nhanh và đáng tin cậy).

            + Thu thập thông tin qua giới đầu tư chứng khoán (môi giới, tư vấn chứng khoán)

            – Các phương thức xác minh không chính thức:

            + Gặp gỡ các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực (đối thủ cạnh tranh) hoặc đối tác đã làm ăn với công ty (nhất là trong các dự án lớn)…

            + Thông qua mạng lưới quan hệ trong giới doanh nghiệp, ngân hàng…

            + Nếu có thể, tìm hiểu thông qua quan hệ trong đoàn ngoại giao (với các nước đã có quan hệ hợp tác với công ty, doanh nghiệp cần tìm hiểu)…