quy-trinh-dau-tu

Quy trình đầu tư và các hình thức đầu tư phổ biến ra nước ngoài

Quy trình đầu tư:

Bước 1: Nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu;

Bước 2: Nhà đầu tư nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Bước 3: Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định hồ sơ cấp phép:

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan.
  • Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý.
  • Đối với dự án cần Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định và lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ.
  • Đối với dự án cần Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư: Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước (trong 05 ngày). Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thẩm định và lập báo cáo thẩm định ( trong vòng 90 ngày) và Chính phủ gửi Hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội (trước khai mạc kỳ họp Quốc hội 60 ngày).
quy-trinh-dau-tu

Bước 4: Cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài hoặc từ chối (cần có văn bản và nêu rõ lý do).

Bước 5: Đăng ký giao dịch ngoại hối để thực hiện chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài:

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư muốn chuyển vốn, ngoại tệ ra nước ngoài cần thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối với Ngân hàng nhà nước.

Đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài thì Luật đầu tư quy định về hình thức đầu tư đa dạng hơn so với nhà đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, nhà đầu tư Việt Nam có thể lựa chọn một trong các hình thức sau:

–  Thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) ở nước ngoài. Hợp đồng BCC này là một trong những loại hợp đồng được ký kết giữa các nhà đầu tư nhằm mục đích hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế (theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật đầu tư năm 2014).

– Mua lại, nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài (doanh nghiệp nước ngoài) và tham gia quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.

– Nhà đầu tư thực hiện việc thành lập tổ chức kinh tế (thành lập công ty, doanh nghiệp) tại nước mà họ đến tham gia đầu tư (nước tiếp nhận đầu tư) theo quy định của pháp luật nước này.

– Nhà đầu tư thực hiện việc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài hoặc mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá đối với các sàn chứng khoán ở nước ngoài.

– Các hình thức đầu tư khác mà pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư (nơi mà chủ đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư) cho phép thực hiện.