Chọn Ai – Luật Sư Nội Bộ hay Luật Sư Hãng Luật
Luật Sư Nội Bộ hay Luật Sư Hãng Luật sẽ phù hợp với doanh nghiệp của Bạn? Hãy cùng LTT&Lawyers giải đáp câu hỏi đó theo bài phân tích dưới đây.
Luật Luật sư năm 2006, được sửa đổi bổ sung năm 2012 cho phép luật sư được lựa chọn hai hình thức hành nghề:
- Thứ nhất, luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư (văn phòng luật sư, công ty luật thường gọi chung là “hãng luật”) và
- Thứ hai là hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức không phải là tổ chức hành nghề luật sư (thường là doanh nghiệp). Như vậy trong quãng đời nghề nghiệp, một luật sư có thể lựa chọn một trong hai môi trường làm việc là hãng luật hoặc là doanh nghiệp để hành nghề. Tuy nhiên, việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với mong muốn của mỗi luật sư trẻ là rất khó khăn. Bài viết này nhằm chia sẻ và thảo luận nhằm giúp các luật sự lựa chọn cho mình môi trường làm việc phù hợp phát huy được hết các sở trường của mình để có thể trở thành luật sư giỏi dù ở môi trường hãng luật hay doanh nghiệp.
Chọn Luật Sư Theo Phong cách làm việc
Công việc của luật sư hãng luật là cung cấp dịch vụ luật sư cho khách hàng. Sản phẩm mà luật sư hãng luật tạo ra thường là các bản ý kiến tư vấn pháp lý, hợp đồng, tài liệu, hồ sơ pháp lý hoặc Luật sư hãng luật tham gia vào quá trình tố tụng bảo chữa hoặc bảo vệ lợi ích cho khách hàng. Luật sư hãng luật được cộng đồng nhìn nhận như những người hành nghề luật sư chuyên nghiệp. Do vậy, các sản phẩm viết lách khi được gửi tới khách hàng phải đảm bảo các yêu cầu về sự chính xác, rõ ràng và hình thức thể hiện phải dễ hiểu. Trong khi đó luật sư nội bộ với phạm vi hoạt động giới hạn ở một doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đặc thù với khối lượng công việc nhiều và sự gấp gáp về thời gian được yêu cầu nên các luật sư nội bộ thường cung cấp ý kiến pháp lý của mình bằng lời nói nhiều hơn bằng văn bản. Các văn bản của doanh nghiệp như hợp đồng, tài liệu pháp lý thường được luật sư nội bộ rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều hơn là soạn thảo mới. Có thể tạm kết luận là công việc hàng ngày của luật sư nội bộ tập trung nhiều ở khối lượng và mang tính chất thực tiễn áp dụng còn luật sư của các hãng luật tập trung ở mức độ pháp lý chuyên sâu, tỉ mỉ, chính xác hơn. Do vậy, để làm tốt công việc của mình cả luật sư hãng luật và luật sư nội bộ đều phải xây dựng cho mình một phương pháp làm việc khoa học và hiệu quả phù hợp với môi trường làm việc.
Luật sư hãng luật thường được chia theo hai nhóm công việc đặc thù đó là luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng. Luật sư hãng luật cũng được biết đến nhiều trong lĩnh vực pháp luật hình sự. Trong khi đó luật sư nội bộ với nhiệm vụ chính và chủ yếu là tư vấn luật cho doanh nghiệp nơi mình làm việc và không thường tham gia nhiều trong các công việc giải quyết tranh chấp đa dạng tại tòa án và rất hiếm khi tham gia bào chữa trong các vụ án hình sự. Ngoài ra, luật sư nội bộ thường kiêm nhiệm thêm một số nhiệm vụ khác như làm kiểm soát tuân thủ, kiểm soát nội bộ, thư ký hội đồng quản trị…vv. Thậm chí một số luật sư nội bộ còn thực hiện thêm các công việc hành chính, nhân sự của doanh nghiệp.
Thu nhập – Ổn định hay không giới hạn
Thực tế rằng nếu luật sư nội bộ thường có thu nhập ổn định trên cơ sở được xác định bởi mức lương hàng tháng mà doanh nghiệp trả theo hợp đồng lao động. Trong khi đó luật sư hãng luật cũng có thu nhập ổn định nếu họ là những người làm việc theo hợp đồng lao động cho hãng luật. Nhưng nếu luật sư hãng luật là người sáng lập hoặc đồng sở hữu hãng luật thì thu nhập của luật sư hãng luật sẽ không bị giới hạn bởi mức lương cố định mà thu nhập được đo bằng lợi nhuận mà hãng luật có được hoặc không có thu nhập nếu hãng luật đó không có lợi nhuận.
Dù làm việc như luật sư cho hãng luật hay luật sư nội bộ cho doanh nghiệp thì thu nhập của luật sư thường được xác định trên cơ sở tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề. Mức thu nhập cụ thể sẽ phụ thuộc vào việc luật sư lựa chọn nơi mà mình hành nghề.
Đỉnh cao nghề nghiệp
Luật sư nội bộ được xem là thành công nhất và có vị trí cao nhất trong một doanh nghiệp với chức danh là trưởng phòng pháp lý hoặc giám đốc pháp lý của các doanh nghiệp hoặc tập đoàn lớn. Trong khi đó đỉnh cao nhất của luật sư hãng luật là luật sư sáng lập hoặc luật sư thành viên trong một hãng luật nổi tiếng.
Mức độ thành công của luật sư nội bộ thường được đánh giá thông qua quy mô của doanh nghiệp và số lượng nhân viên mà luật sư nội bộ quản lý. Có những tập đoàn lớn, giám đốc pháp chế là người quản lý số lượng nhân viên pháp lý lên đến vài chục người. Tuy nhiên cũng có giám đốc pháp lý chỉ quản lý một nhân viên hay thậm chí làm một mình. Cũng tương tự ở các hãng luật, luật sư sáng lập/luật sư thành viên có một đội ngũ luật sư và trợ lý luật sư cấp dưới lên đến mấy chục người và cũng có luật sư thành viên chỉ quản lý ba đến năm cộng sự.
Có thể tạm chấp nhận thước đo một luật sư dù làm việc cho doanh nghiệp hay hãng luật có thể được xem là đạt đến đỉnh cao và được thừa nhận là luật sư giỏi khi và chỉ khi họ đang lái con tàu có bao nhiêu toa phía sau.
Tự do, trách nhiệm và rủi ro
Nếu như luật sư hãng luật được quyền tự do để lựa chọn khách hàng, lựa chọn lĩnh vực pháp luật để phát triển kỹ năng và tích lũy kinh nhiệm thì luật sư nội bộ thường bị giới hạn quyền tự do lựa chọn lĩnh vực hoạt động do bản chất ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác luật sư nội bộ thường được doanh nghiệp quản lý như những người lao động khác bằng mệnh lệnh cấp trên và cấp dưới. Trong khi đó nếu luật sư hãng luật là những ông chủ sử dụng lao động thì quyền tự do thường mở rộng hơn rất nhiều.
Luật sư nội bộ chịu trách nhiệm về các công việc của mình với tư cách là người lao động của doanh nghiệp và rủi ro trong nghề nghiệp có thể tạm dừng ở chất lượng làm việc, không đạt được chỉ tiêu công việc mà doanh nghiệp đặt ra (job decriptions và KPI). Trong khi đó luật sư hãng luật thường phải chịu trách nhiệm rủi ro về nghề nghiệp cao hơn và đứng trước nguy cơ phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp tư vấn pháp lý cho khách hàng sai luật.
Trở thành luật sư chuyên khoa
Luật pháp là một lĩnh vực rộng bao trùm lên nhiều ngành nghề kinh doanh. Do vậy, không có luật sư nào có thể được xem là luật sư giỏi của tất cả các ngành. Thực tế là chỉ có luật sư giỏi trong một hoặc một vài lĩnh vực mà mình theo đuổi. Vì tính chất đa dạng của luật pháp, chúng ta thường khó tìm thấy luật sư nội bộ nào được đánh giá là luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ hoặc luật sư chuyên về cung cấp dịch vụ thu hồi nợ. Những lĩnh vực này thường là sân chơi của các luật sư hãng luật.
Tuy nhiên, chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm các luật sư nội bộ thành danh ở các lĩnh vực tại các doanh nghiệp lớn như: luật sư ngân hàng, luật sư tài chính, luật sư bảo hiểm, luật sư viễn thông, luật sư bất động sản, luật sư ngành dược…vv
Tư vấn và tranh tụng khi có yếu tố nước ngoài
Luật sư nội bộ có thể lựa chọn các tập đoàn/doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để làm việc. Trong trường hợp này, Luật sư nội bộ hoàn toàn có quyền được tư vấn luật và tham gia tranh tụng với tư cách là luật sư nội bộ của doanh nghiệp.
Luật sư hãng luật có thể lựa chọn các công ty luật Việt Nam hoặc các công ty luật nước ngoài tại Việt Nam để làm việc. Nếu chọn hãng luật nước ngoài để làm việc thì luật sư hãng luật mặc dù là luật sư Việt Nam nhưng không được quyền cung cấp dịch vụ tranh tụng. Chúng ta có thể tạm gọi những luật sư hãng luật hành nghề cho các công ty luật nước ngoài là các Luật sư tư vấn Việt Nam. Luật Luật sư chỉ cho luật sư làm việc cho các hãng luật Việt Nam được quyền cung cấp dịch vụ pháp lý liên quan đến tranh tụng trong khi đó luật sư làm việc cho các hãng luật nước ngoài thì không được quyền này.
Thay cho lời kết
Như vậy, không thể nói luật sư hành nghề trong môi trường hãng luật hay nội bộ doanh nghiệp ai giỏi hơn ai hoặc ai thành công hơn ai vì mỗi bên có thế mạnh khác nhau và các thước đo trên đây cũng không phải là một chuẩn mực bất biến và đúng trong mọi trường hợp. Việc lựa chọn hãng luật hay nội bộ doanh nghiệp để phát triển nghề nghiệp sẽ tùy thuộc và sở thích, đam mê, định hướng nghề nghiệp, độ tuổi của từng luật sư. Nhưng một đáp số chung có thể tạm kết luận rằng luật sư hãng luật hay luật sư nội bộ đều có thể trở thành luật sư giỏi.
Trường hợp doanh nghiệp hay cá nhân bạn cần tìm Luật Sư Giỏi để tư vấn hoặc tham gia tranh tụng để giải quyết tranh chấp mà mình đang gặp phải, đừng ngần ngại hãy liên hệ ngay với các luật sư của LTT & Lawyers. Chúng tôi sẽ liên hệ lại với Bạn ngay khi tiếp nhận thông tin