NGHĨA VỤ THUẾ ĐỐI VỚI TIỀN THƯỞNG BÓNG ĐÁ 

NGHĨA VỤ THUẾ ĐỐI VỚI TIỀN THƯỞNG BÓNG ĐÁ 

ĐƯỢC TẶNG THƯỞNG “NÓNG” TRONG ĐÊM CHUNG KẾT, CẦU THỦ ĐỘI TUYỂN VIỆT NAM CÓ PHẢI CHỊU NGHĨA VỤ THUẾ?

  Sau 10 năm chờ đợi, cuối cùng đội tuyển bóng đá Việt Nam đã đáp lại tấm chân tình người hâm mộ các thế hệ khi mang về danh hiệu Vô địch AFF CUP 2018.

Trong trận so tài kịch tính vào tối 15/12/2018 lịch sử, bên cạnh pha ghi bàn đẹp mắt của Anh Đức và những giây phút tranh bóng quyết liệt, chắc hẳn chúng ta không thể không ấn tượng bởi những giá trị “tặng thưởng” mà các cầu thủ nhận được.

Bên cạnh số tiền thưởng 300.000 USD dành cho danh hiệu Vô địch AFF CUP 2018, Đội tuyển Việt Nam và các cầu thủ còn được:

“Ngân hàng X tặng cho đội tuyển Việt Nam x tỷ đồng”

“Ông Y tặng cho đội tuyển Việt Nam 1 căn hộ trị giá y đồng”

“Cầu thủ Z nhận được số tiền z từ tổ chức Z”

Lúc này, một vấn đề pháp lý thú vị được đặt ra: Khi nhận được số tiền thưởng kèm theo danh hiệu Vô địch và số tiền “tặng thưởng nóng”, Đội tuyển hay cá nhân các cầu thủ có phải chịu nghĩa vụ thuế khi nhận hay không?

Căn cứ vào điểm e, khoản 2, điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC (“Thông tư 111”) thì:

Các khoản “tiền thưởng” (dù bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức) sẽ được tính là thu nhập chịu thuế của cá nhân, trừ trường hợp: Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận”. (điểm e.2 khoản 2, điều 2 Thông tư 111).

Theo đó, do đội tuyển Việt Nam đã đạt danh hiệu Vô địch AFF CUP 2018, một giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận, nên khoản tiền thưởng 300.000 USD gắn liền với danh hiệu này sẽ được xếp vào loại tiền thưởng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Mặt khác, đối với các khoản “tiền thưởng” khác thì các cầu thủ đội tuyển vẫn phải làm thủ tục kê khai, đóng thuế thu nhập cá nhân, trừ khi các khoản “tiền thưởng” đó rơi vào một trong các trường hợp ngoại lệ được nêu tại Thông tư 111, cụ thể như sau:

e.1) Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, cụ thể:

e.1.1) Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua như Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chiến sĩ thi đua cơ sở, Lao động tiên tiến, Chiến sỹ tiên tiến.

e.1.2) Tiền thưởng kèm theo các hình thức khen thưởng.

e.1.3) Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu do Nhà nước phong tặng.

e.1.4) Tiền thưởng kèm theo các giải thưởng do các Hội, tổ chức thuộc các Tổ chức chính trị, Tổ chức chính trị – xã hội, Tổ chức xã hội, Tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Trung ương và địa phương trao tặng phù hợp với điều lệ của tổ chức đó và phù hợp với quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.

e.1.5) Tiền thưởng kèm theo giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước.

e.1.6) Tiền thưởng kèm theo Kỷ niệm chương, Huy hiệu.

e.1.7) Tiền thưởng kèm theo Bằng khen, Giấy khen.

e.2) Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận.

Thực tế, để xác định nghĩa vụ Thuế cụ thể, Cơ quan thuế cần phải xác định các vấn đề:

Các khoản “tặng thưởng” là dành cho cả đội tuyển hay cho cá nhân? Nếu dành cho cả đội tuyển thì mỗi cá nhân được “tặng thưởng” bao nhiêu sau khi chia?

Mặc dù đã công khai trên sóng truyền hình, nhưng cũng cần phải xác định rằng các tổ chức, cá nhân đã hoàn tất thủ tục “tặng thưởng” hay chưa để xác định số tiền “tặng thưởng” thực tế?

Từ đó, Cơ quan thuế sẽ thẩm định từng trường hợp trong đội tuyển theo nguyên tắc: căn cứ vào mức thu nhập tăng thêm (“tiền thưởng”) của mỗi cá nhân khi được “tặng thưởng” để làm căn cứ tính thuế TNCN tương ứng, chứ không tính thuế từ tổng giá trị giải thưởng nhận được./.