HÀNH VI “PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ’ TRONG TUYỂN DỤNG LAO ĐỘNG BỊ XỬ LÝ THẾ NÀO?
HÀNH VI “PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ’ TRONG TUYỂN DỤNG LAO ĐỘNG BỊ XỬ LÝ THẾ NÀO?
1/ Thực trạng
Hiện nay rất nhiều “người sử dụng lao động” (NSDLĐ) đã và đang cố ý hoặc vô tình thực hiện hành vi phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động mà không hề hay biết. Điển hình như việc đăng các “Thông tin duyển dụng lao động” với các nhóm thông tin sau đây:
Thứ nhất, nhóm “Ưu tiên” / “Chỉ”
Thể hiện qua việc NSDLĐ chỉ nhắm đến việc tuyển dụng một nhóm người lao động với các đặc điểm về sinh lý, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, thành phần xã hội… như: “Chỉ tuyển nữ”, “Chỉ tuyển nhân viên độc thân”, Chỉ tuyển người có theo tôn giáo X”, “Ưu tiên tuyển con em của cán bộ, nhân viên…”, “Ưu tiên tuyển nhân viên có mang họ X” …
Thứ hai, nhóm “Không”
Không mang lại đặc quyền tuyển dụng cho các đối tượng người lao động như nhóm trên, nhóm này tập trung vào việc tước đi cơ hội việc làm của nhóm người lao động còn lại trong xã hội, có thể dễ dàng nhận thấy qua các thông tin: “Không tuyển người mang họ Z”, “Không tuyển người có quê ở tỉnh A, B, C”, “Không tuyển nữ” …
2/ Quy định của pháp luật
Có thể NSDLĐ có những lý do riêng nên mới có những tiêu chí thể hiện sự “bất bình đẳng” trong tuyển dụng lao động như vậy. Nhưng xét theo các quy định pháp luật hiện hành, đây chính là một hành vi vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm pháp luật Lao động nói riêng.
Cụ thể, theo điều 35 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc…Nghiêm cấm phân biệt đối xử…”
Bên cạnh đó, theo khoản 1 điều 5 Bộ luật Lao động năm 2012 thì một trong các quyền của người lao động được pháp luật bảo vệ, đó chính là “Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử”.
Và khoản 1 điều 9 Luật Việc Làm năm 2013 cũng chỉ ra việc “Phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp” cũng chính là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.
Chính vì thế, để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2015/NĐ-CP (Nghị định 88) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động (Nghị định 95). Theo đó, nếu NSDLĐ có hành vi “phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động” thì sẽ bị “phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng” đối với NSDLĐ là cá nhân và từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với NSDLĐ là tổ chức. (Theo khoản 1 điều 3, khoản 2 điều 25 Nghị định 95 và khoản 3 điều 4a Nghị định 88).
Để xác định được hành vi vi phạm nêu trên, Thanh tra lao động sẽ tiến hành kiểm tra quy chế và thông báo tuyển dụng.
Vậy, trước khi ban hành bất kỳ thông báo hay quy chế tuyển dụng lao động nào, NSDLĐ nên rà soát kỹ các nội dung để đảm bảo không có bất kỳ thông tin nào thể hiện sự bất bình đẳng trong tuyển dụng lao động để tránh bị xử phạt vi phạm hành chính nêu trên.
——————————
[LTT & LAWYERS:] Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.
Mọi vướng mắt pháp lý liên quan đến tuyển dụng lao động xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi:
☎️ Công ty Luật TNHH LTT Và Các Cộng Sự
– E-mail: info@lttlawyers.com
– Phone: (+84) 906 122 830
– Website: www.lttlawyers.com
– Trụ sở chính: Tầng 19, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiều, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.