Khi nào công ty cổ phần phải có Thành viên hội đồng quản trị độc lập?

Khi nào công ty cổ phần phải có Thành viên hội đồng quản trị độc lập?

Các trường hợp phải có thành viên Hội đồng quản trị độc lập

Theo Điều 134.1 Luật doanh nghiệp 2014 (“LDN 2014”), Công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:

• Mô hình thứ nhất: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc/Tổng giám đốc. Trường hợp có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;

• Mô hình thứ hai: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc/Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị.

Theo quy định này, có thể thấy, nếu công ty cổ phần lựa chọn tổ chức hoạt động theo mô hình thứ hai thì Công ty bắt buộc phải có thành viên Hội đồng quản trị độc lập, trừ trường hợp Công ty có dưới 11 cổ đông và cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần công ty ở mô hình thứ nhất.

Đối với Công ty đại chúng, Nghị định 71/2017/NĐ-CP Hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng quy định cơ cấu Hội đồng quản trị của công ty đại chúng thì:

• Trong trường hợp công ty đại chúng chưa niêm yết hoạt động theo mô hình thứ hai, cơ cấu thành viên Hội đồng quản trị của công ty phải đảm bảo ít nhất 1/5 tổng số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập. Trường hợp số thành viên Hội đồng quản trị của công ty đại chúng có ít hơn 05 người, công ty phải đảm bảo có 01 thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập;

• Trong trường hợp Công ty đại chúng đã niêm yết thì cơ cấu thành viên Hội đồng quản trị phải đảm bảo tối thiểu 1/3 tổng số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập.

Điều kiện để trở thành thành viên Hội đồng quản trị độc lập

Để trở thành thành viên Hội đồng quản trị độc lập, cá nhân trước hết phải đáp ứng các tiêu chí đối với thành viên Hội đồng quản trị được quy định tại Điều 151.1 LDN 2014. Hơn nữa, cá nhân cũng cần đáp ứng các tiêu chí như:

• Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó.

• Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên Hội đồng quản trị được hưởng theo quy định;

• Không phải là người có vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty;

• Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty. Bênh cạnh đó, luật các tổ chức tín dụng còn quy định, đối với tổ chức tín dụng, thành viên Hội đồng quản trị độc lập không được cùng người có liên quan sở hữu từ 5% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của tổ chức tín dụng.

• Không phải là người đã từng làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó.

Vai trò của thành viên Hội đồng quản trị độc lập trong công ty cổ phần

Trong mô hình tổ chức của công ty cổ phần, cổ đông là các cá nhân, tổ chức trực tiếp góp vốn nhưng không phải lúc nào họ cũng tham gia vào việc điều hành công ty.

Trong khi đó, Ban điều hành với Giám đốc/Tổng Giám đốc có thể là các cá nhân nắm giữ vốn không đáng kể, nhưng họ, với năng lực chuyên môn cao và khả năng, kinh nghiệm quản lý tốt lại tham gia điều hành các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp. Điều này đễ dẫn đến khả năng Ban điều hành lạm quyền, đưa ra quyết định vì lợi ích nhóm thay vì lợi ích công ty.

Do đó, sự xuất hiện của thành viên Hội đồng quản trị độc lập với các tiêu chí mà pháp luật đề ra phản ánh được tính độc lập về mặt ý chí và độc lập về mặt lợi ích trong quyết định của họ, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của các cổ đông.

Mọi vướng mắt pháp lý liên quan đến chủ đề này xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi:

☎️ Công ty Luật TNHH LTT & Các Cộng Sự
– E-mail: info@lttlawyers.com
– Phone: (+84) 906 122 830
– Website: www.lttlawyers.com
– Trụ sở chính: Tầng 19, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiều, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

——————————

[LTT & LAWYERS:] Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.