Trọng tài thương mại là gì? Quyền hạn của của TTTM ra sao so với Tòa Án
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật trọng tài thương mại (LTTTM) quy định:
“Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này”. Theo đó, Trọng tài thương mại được xem xét dưới hai góc độ là phương thức giải quyết tranh chấp và là cơ quan giải quyết tranh chấp.
Thứ nhất, trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp
Trọng tài có những đặc trưng cơ bản như: Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba – các trọng tài viên hoặc trọng tài viên duy nhất. Trọng tài là bên trung gian, hoàn toàn độc lập với các bên, đứng giữa để giải quyết tranh chấp và đưa ra phán quyết có tính chất bắt buộc để bảo vệ quyền lợi của các bên.Qua đó, trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua thủ tục tố tụng chặt chẽ hơn so với thương lượng và hòa giải. Kết quả của việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài là phán quyết do trọng tài tuyên đối với các đương sự của vụ tranh chấp.
Thứ hai, trọng tài là cơ quan giải quyết các tranh chấp
Trọng tài được hiểu là một cơ quan tài phán độc lập, tồn tại song song với Tòa án. Pháp luật tôn trọng quyền tự do lựa chọn của các bên, khi có tranh chấp trong thương mại phát sinh, các chủ thể có thể lựa chọn hoặc Tòa án hoặc Trọng tài để giải quyết tranh chấp cho mình. Trọng tài là tổ chức xã hội – nghề nghiệp do các trọng tài viên tự thành lập nên để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực kinh doanh thương mại. Quyền lực trọng tài không tự nhiên mà có mà xuất phát từ sự thỏa thuận giữa các chủ thể tranh chấp đối với trọng tài.Phán quyết của trọng tài vừa là sự kết hợp giữa ý chí, sự thỏa thuận của các bên, vừa mang tính tài phán của cơ quan có thẩm quyền xét xử.
Thẩm quyền của Trọng tài thương mai so với Tòa án
Trọng tài thương mại | Tòa án | |
Thẩm quyền | Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài: – Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại. – Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại. – Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài. | Tòa án có thẩm quyền giải quyết hầu hết các tranh chấp nói chung tuy nhiên pháp luật quy định khi các bên có thỏa thuận trọng tài thì tòa án không có thẩm quyền giải quyết, phải từ chối thụ lý vụ việc để trọng tài giải quyết theo thỏa thuận của các bên. |
Hiệu lực của phán quyết | Phán quyết trọng tài là chung thẩm, tức là phán quyết cuối cùng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp phán quyết trọng tài bị Tòa án tuyên hủy theo quy định của pháp luật. | Phán quyết của Tòa án thường có thể qua thủ tục kháng nghị, kháng cáo nên có thể thay đổi |
Bảo đảm thi hành phán quyết (tính ràng buộc của phán quyết) | Phán quyết trọng tài khác với phán quyết tòa án, nó không có một thể chế bảo đảm thực hiện. Việc thực hiện quyết định của trọng tài là sự lựa chọn của các bên. Tuy nhiên, bên cạnh các thiết chế cứng, phán quyết trọng tài cũng có các ràng buộc “mềm”, nghĩa là việc trốn tránh thực hiện phán quyết trọng tài có thể làm ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh của các bên tranh chấp. Bên cạnh đó, phán quyết trọng tài cũng có thể được yêu cầu tòa án công nhận và thực thi. | Phát quyết của Tòa án, một cơ quan quyền lực nhà nước được bảo đảm thi hành bởi các cơ quan thi hành án. |
Thời gian và địa điểm | – Thời gian nhanh chóng – Địa điểm do các bên lựa chọn, nếu không có thỏa thuận thì do Trọng tài viên lựa chọn, sao cho thuận lợi cho cả hai bên. | – Tố tụng tòa án phải trải qua nhiều bước nên thường mất thời gian hơn. – Địa điểm: tại tòa án, xét xử công khai |
So với các phương thức khác như tòa án, hòa giải, thương lượng thì trọng tài có những ưu điểm như: Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp mềm dẻo, nhanh chóng, thuận lợi cho các bên. So với Tòa án, trọng tài thương mại đảm bảo tối đa quyền tự do thỏa thuận của các bên, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên, nâng cao được hiệu quả kinh doanh; đảm bảo được bí mật trong quá trình giải quyết tranh chấp; mang tính thân thiện tạo khả năng tiếp tục duy trì mối quan hệ của các bên; là cơ chế giải quyết tranh chấp trung lập cho các bên; các phán quyết của trọng tài có thể được công nhận và cho thi hành ở nước ngoài; mang tính chuyên môn cao; không đại diện cho quyền lực Nhà nước nên thích hợp để giải quyết các tranh chấp giữa các bên có quốc tịch khác nhau.
Bên cạnh những ưu điểm và lợi ích vượt trội so với Tòa án và một số phương thức giải quyết tranh chấp khác thì trọng tài cũng có những hạn chế nhất định như: phán quyết của trọng tài mang tính chung thẩm là một ưu thế lớn nhưng nó cũng là hạn chế không cho các bên kháng cáo, kháng nghị; chi phí trong việc giải quyết trọng tài thường được ấn định trước và thường cao hơn rất nhiều so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác…Mặc dù có những hạn chế trên nhưng, nhưng xét về mặt tổng thể, những ưu điểm của thỏa thuận trọng tài vẫn vượt trội, đây là lý do mà phương thức giải quyết tranh chấp này được lựa chọn nhiều hơn trong quan hệ thương mại quốc tế.