dieu-kien-lap-di-chuc

Điều kiện lập di chúc như thế nào là hợp pháp?

Bản án số 06/2019/DS-PT ngày 25/04/2019 về việc yêu cầu tuyên bố Văn bản công chứng và Bản di chúc vô hiệu của Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai là một trong nhiều vụ việc điển hình về việc người dân còn chưa nhận thức rõ về các điều kiện lập di chúc sao cho hợp pháp, không trái với đạo đức xã hội và hạn chế tối đa xung đột, tranh chấp phát sinh giữa những người thừa kế. Cụ thể, cụ H1 (chết năm 2013) và cụ X (chết năm 2018) có các con là bà T, ông H, bà Ư, bà Y. Ngày 12/05/2014, cụ X và các con lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế với nội dung:

  1. Xác nhận tài sản chung của cụ H1 và cụ X.
  2. Bà T, ông H, ông Ư và bà Y từ chối nhận di sản và nhường kỷ phần thừa kế cho cụ X.
  3. Riêng phần chia tài sản trên đất không thỏa thuận.

Sau khi cụ H1 chết, vợ chồng ông H về ở cùng cụ X và có xây một vài công trình. Đến 19/05/2018, cụ X chết. Sau khi cụ X mất 49 ngày, Văn phòng công chứng H đến công bố bản di chúc của cụ X lập ngày 04/05/2018 với nội dung để lại toàn bộ tài sản cho bà Y và chị T (con gái của bà Y). Ông H đã khởi kiện yêu cầu tuyên Văn bản công chứng di chúc số 1148 của Văn phòng công chứng H và Bản di chúc của cụ X lập ngày 04/05/2018 vô hiệu.

Để lập di chúc hợp pháp, tránh xảy ra trường hợp một bản di chúc được lập nhưng bất hợp pháp, bị Tòa án tuyên vô hiệu như vụ án trên, một bản di chúc cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về hình thức, nội dung và hiệu lực theo quy định của pháp luật.

a) Về hình thức

Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Căn cứ Điều 628 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc bằng văn bản bao gồm:

  1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
  2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.
  3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.
  4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Di chúc miệng chỉ được lập chỉ trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Tuy nhiên, sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

b) Về nội dung

Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội và phải có đầy đủ các nội dung như sau:

  1. Ngày, tháng, năm lập di chúc.
  2. Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc.
  3. Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản.
  4. Di sản để lại và nơi có di sản.

c) Về hiệu lực

Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, một bản di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:

  1. Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
  2. Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.

3. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.

5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

d) Một số lưu ý

Bên cạnh đó, khi lập di chúc, cần lưu ý một số điều kiện để một bản di chúc được công nhận hợp pháp:

  1. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
  2. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
  3. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ 02 điều kiện: (i) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép; và (ii) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
  4. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
  5. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
  6. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

Trở lại Bản án số 06/2019/DS-PT, đối chiếu với các điều kiện theo luật định đã nêu, ngày 25/04/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai đã tuyên bố Văn bản công chứng di chúc số 1148 và Bản di chúc của cụ X lập ngày 04/05/2018 (do Văn phòng Công chứng H soạn thảo) vô hiệu phần di chúc về tài sản gắn liền với đất, cụ thể:

1. Về hình thức

Di chúc của cụ X đề ngày 04/05/2018 dưới hình thức di chúc bằng văn bản có công chứng tại Văn phòng Công chứng tỉnh Lào Cai, có chữ ký điểm chỉ của cụ X và chữ ký của công chứng viên, không có chữ ký của người làm chứng.

2. Về nội dung

Theo Bản di chúc, cụ X để lại di sản thừa kế cho bà Y toàn bộ tài sản gắn liền với đất gồm 01 ngôi nhà xây 02 tầng diện tích sàn khoảng 100 m2 và 01 nhà bếp khoảng 20 m2. Theo Văn bản thỏa thuận phân chia di sản ngày 12/05/2014 và các chứng cứ khác, xác định đây là tài sản chung của cụ H1 và cụ X. Cụ H1 chết, phần di sản của cụ để lại là tài sản trên đất chưa được phân chia mà vẫn do cụ X quản lý. Do vậy, tài sản này không phải là tài sản riêng của cụ X, mà là tài sản chung của cụ H1 và cụ X và các con của hai cụ. Việc cụ X lập di chúc để lại toàn bộ di sản này cho bà Y là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông H và những người được hưởng thừa kế theo pháp luật. Như vậy, phần di chúc này không hợp pháp.

Như vậy, qua phân tích vụ án thực tiễn tại Bản án số 06/2019/DS-PT ngày 25/04/2019 về việc yêu cầu tuyên bố Văn bản công chứng và Bản di chúc vô hiệu của Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai, bài viết đã làm rõ các điều kiện và một số lưu ý khi lập một bản di chúc sao cho hợp pháp và phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Hi vọng rằng bài viết hữu ích với các bạn đọc, giúp nâng cao nhận thức và hiểu biết về vấn đề lập di chúc để hạn chế xung đột, tranh chấp nảy sinh giữa những người ruột thịt trong gia đình sau khi bản di chúc được lập ra.