HÀNG GIẢ THU VỀ LỢI NHUẬN “THẬT” LÊN ĐẾN TRĂM TỶ – HỒI CHUÔNG CẢNH BÁO CHO DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI DÙNG

Vừa qua, hơn 600 loại sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai, hơn 100.000 hộp kẹo chứa chất sorbitol – nguyên liệu dùng làm thuốc sổ trở thành thực phẩm chức năng được quảng cáo với công dụng “hỗ trợ sức khỏe” hay 10 tấn hàng gồm các loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả,…đã chính thức bị triệt phá sau thời gian dài sản xuất và tiêu thụ trên thị trường. Hàng giả trôi nổi với số lượng lớn, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và mang lại lợi nhuận lên đến hàng trăm tỷ đồng, đã khiến dư luận hoang mang, lo ngại, đồng thời đặt ra câu hỏi: “Hàng giả thực chất là gì? Thực trạng sản xuất, buôn bán hàng giả và giải pháp để bảo vệ những mặt hàng chân chính như thế nào?”
Tất cả sẽ được “vén màn” ngay trong bài viết của LTT&Lawyers!
1. Hàng giả – sản phẩm “lột xác” tiêu cực trên thị trường Việt Nam
Hàng giả thực chất gồm hai loại là giả về hình thức và giả về nội dung.
Theo đó, “hàng giả về hình thức” là giả mạo về sở hữu trí tuệ hoặc tem, nhãn, bao bì hàng giả theo Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 79 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022). Bởi vì, doanh nghiệp có hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ thì vẫn phải sản xuất, kinh doanh hàng hóa theo tiêu chuẩn chất lượng được đăng ký theo quy định. Tuy nhiên, hàng hóa của doanh nghiệp giả mạo sẽ có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu, tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.
Mặt khác, “hàng giả về nội dung” là giả về chất lượng hàng hóa, như hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên hay một sản phẩm chỉ còn lại dưới 70% công dụng hoặc giá trị sử dụng trở xuống so với mức tối thiểu ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa,…theo khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
Như vậy, việc sử dụng hàng giả không chỉ để lại hệ lụy nghiêm trọng về mặt sức khỏe đối với người tiêu dùng, mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
2. Chiêu bài “tẩy trắng” từ giả thành thật đến từ cơ sở sản xuất hàng giả
Khi những mặt hàng khoác bên ngoài lớp áo “hoàn hảo” về mặt sức khỏe nhưng thực chất lại là hàng giả bị phanh phui cũng là lúc nhiều người tiêu dùng hoang mang khi phát hiện bản thân, gia đình, thậm chí con cái của họ có thể đều đã từng sử dụng qua sản phẩm giả. Có những đứa trẻ được mẹ cho uống sữa từ lúc 18 tháng tuổi đến hiện tại gần 2 năm nhưng giờ mới biết loại sữa này nằm trong danh sách gần 600 sản phẩm sữa giả. Có những người trẻ vì muốn tìm kiếm giải pháp tiện lợi thay vì phải thay đổi thói quen ăn uống đã sử dụng kẹo Kera với quảng cáo “ăn 2-3 viên là đủ chất xơ cho mỗi ngày” nhưng kết quả kiểm nghiệm cho thấy cả hộp 30 viên chỉ chứa 0,51g chất xơ – tương đương chất xơ trong 1/6 quả chuối. Cuối cùng, thiệt hại vẫn rơi vào tay người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Lợi dụng “kẽ hở” trong công tác quản lý, kiểm định, xác minh chất lượng sản phẩm trên các nền tảng kinh doanh, số lượng hàng giả có sự tăng lên ở nhiều phân khúc từ quầy tạp hóa tại các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi vào siêu thị, trung tâm thương mại,…
Mặt khác, sự phát triển của công nghệ và các nền tảng trực tuyến, đặc biệt là mạng xã hội và sàn thương mại điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng giả “lộng hành” ngày càng tinh vi và khó kiểm soát. Chỉ cần vài cú “click” chuột, người dùng đã có thể mua được những sản phẩm giống hệt hàng thật với giá hấp dẫn mà người ta hay gọi là “ngon-bổ-rẻ”. Trong khi hàng giả được quảng bá với hình ảnh đẹp, thông tin hấp dẫn, giá bán thấp, dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng qua các hình thức quảng cáo trực tuyến thì hàng hóa chính hãng – dù được sản xuất theo đúng quy chuẩn, bảo đảm chất lượng và nguồn gốc hợp pháp – lại gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường do bị lấn át về mặt truyền thông và khả năng hiện diện. Thực trạng này không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho người tiêu dùng mà còn xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
3. Doanh nghiệp cần xây dựng bức tường pháp lý để bảo vệ “đứa con tinh thần”
🔥 Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan và ngày càng tinh vi, không chỉ người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức trong quá trình lựa chọn sản phẩm, mà bản thân các doanh nghiệp chân chính – chủ thể sở hữu những giá trị thương hiệu hợp pháp – cũng cần chủ động triển khai các biện pháp pháp lý cụ thể và thiết thực nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ, giữ vững vị thế trên thị trường.
- Chủ động đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước: doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ các tài sản sở hữu trí tuệ như: nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý,…để làm cơ sở pháp lý vững chắc trong các hoạt động bảo vệ thương hiệu;
- Giám sát và kiểm tra thị trường bằng cách thiết lập bộ phận chuyên trách hoặc phối hợp với đơn vị có chuyên môn để theo dõi thị trường, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử nhằm kịp thời phát hiện dấu hiệu hàng giả để có biện pháp xử lý;
- Rà soát và thiết lập hệ thống phân phối chính hãng thông qua các hợp đồng phân phối chặt chẽ, có ràng buộc pháp lý về bảo vệ hình ảnh, nhãn hiệu nhằm hạn chế nguy cơ sản phẩm bị làm giả, làm nhái trên thị trường.
- Phối hợp với cơ quan hải quan và cơ quan thuế trong trường hợp phát hiện dấu hiệu hàng giả, hàng nhái thâm nhập qua biên giới hay chủ động đề nghị giám sát, cung cấp dữ liệu sản phẩm chính hãng để hỗ trợ lực lượng chức năng xác minh và chặn hàng nhập hàng giả.
- Chủ động tìm hiểu hoặc tham khảo ý kiến tư vấn từ các đơn vị có chuyên môn để nắm bắt các quy định pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng, sản xuất hoặc quảng cáo, từ đó giảm thiểu rủi ro vi phạm.
Thay vì thụ động chờ đợi cơ quan chức năng xử lý, việc chủ động triển khai các biện pháp trên không chỉ giúp doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro mà còn thể hiện bản lĩnh trong việc gìn giữ giá trị cốt lõi của thương hiệu và niềm tin của người tiêu dùng.
Có thể nói giữa một thị trường có sự cạnh tranh để thúc đẩy sự phát triển nhất định về mặt thương hiệu nhưng cũng chứa đầy những cạm bẫy “đánh đố niềm tin” khi hàng giả tràn lan trên mọi nền tảng, đặc biệt còn diễn ra công khai ngay cả trong những cửa hàng, thương hiệu uy tín đối với đủ loại hình sản phẩm thì việc các doanh nghiệp hành động để bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình là cần thiết hơn bao giờ hết. Hành động không chỉ là để đem lại cho người tiêu dùng sự an tâm và sức khỏe khi sử dụng sản phẩm, mà còn là một “đòn chí mạng” để phản kháng lại sự tiêu cực của hàng giả, đồng thời khẳng định, duy trì và phát triển giá trị tốt đẹp thật sự mà mỗi doanh nghiệp xây dựng.
Để nhận tư vấn chi tiết về nội dung này, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:
Hotline: 028.6270.7278 Email: csbd@lttlawyers.com TRỤ SỞ CHÍNH (+84) 28 6270 7278 – Lầu 3, 185 Đường Cô Bắc, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. VĂN PHÒNG HÀ NỘI (+84) 24 7300 1255 – Phòng 637, Tầng 6, Tòa nhà CIC, Số 2 Ngõ 219 Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. VĂN PHÒNG ĐÀ NẴNG (+84) 905 783 785 – 02 Đường Đoàn Nhữ Hài, Phường Hòa Khê, Quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng. |