HỘ KINH DOANH CÓ NÊN CHUYỂN ĐỔI SANG MÔ HÌNH DOANH NGHIỆP HAY KHÔNG?

Tại Việt Nam, hiện đang có hơn 5 triệu hộ kinh doanh hoạt động, góp phần quan trọng vào việc tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và yêu cầu minh bạch hóa ngày càng cao, Nhà nước đang có những động thái mạnh mẽ nhằm khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn cho mỗi chủ hộ: liệu sự chuyển đổi từ mô hình nhỏ lẻ, linh hoạt sang một “tổ chức” bài bản hơn có thật sự mang lại lợi ích và cơ hội phát triển bền vững cho chính mình? Hay đây chỉ là một gánh nặng hành chính mới? 

Bài viết này sẽ phân tích những thay đổi chính sách then chốt, đặc biệt là việc bãi bỏ thuế khoán và áp dụng hóa đơn điện tử, cùng những hạn chế của mô hình hộ kinh doanh cũng như những lợi thế mà mô hình doanh nghiệp mang lại. Từ đó, giúp các hộ kinh doanh đưa ra lựa chọn tốt nhất cho mình. 

1. Những điểm hạn chế cố hữu của mô hình Hộ kinh doanh 

Theo Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, Hộ kinh doanh (HKD) là mô hình kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình thành lập, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản cá nhân đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Về bản chất pháp lý, HKD không có tư cách pháp nhân và thường có quy mô gọn nhẹ, phù hợp với kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy nhiên, HKD phải đối mặt với nhiều hạn chế cố hữu như: 

  • Trách nhiệm vô hạn: Chủ hộ và các thành viên HKD phải chịu trách nhiệm tài chính bằng toàn bộ tài sản của mình, không có sự tách bạch rõ ràng giữa tài sản cá nhân và tài sản được sử dụng cho hoạt động kinh doanh. Chủ hộ và các thành viên trong HKD phải liên đới tài sản cá nhân của mình, kể cả những tài sản không trực tiếp đầu tư vào HKD, để thanh toán các khoản nợ phát sinh từ hoạt động kinh doanh. Điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn khi việc kinh doanh xảy ra biến cố. 
  • Khó khăn trong huy động vốn: Do quy mô nhỏ và thiếu tư cách pháp nhân, hộ kinh doanh gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận các nguồn vốn lớn từ ngân hàng, quỹ đầu tư hoặc các tổ chức tài chính. Nguồn vốn chủ yếu vẫn là vốn tự có hoặc huy động từ người thân, bạn bè. 
  • Không được trực tiếp xuất hóa đơn Giá trị gia tăng (VAT): Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn VAT chỉ áp dụng với tổ chức khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đối với một số hoạt động nhất định. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 11 Luật Thuế GTGT 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2025), phương pháp khấu trừ thuế GTGT không áp dụng với HKD và cá nhân kinh doanh. Chính vì vậy, HKD không được xuất hóa đơn VAT đối với các hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ của mình. Điều này có thể gây khó khăn trong giao dịch với các đối tác lớn, doanh nghiệp, và có thể làm giảm tính chuyên nghiệp, uy tín trong mắt khách hàng. 
  • Hạn chế tiếp cận chính sách hỗ trợ: HKD ít có cơ hội tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước dành cho doanh nghiệp, vốn thường tập trung vào việc thúc đẩy sự phát triển của các thực thể có quy mô lớn hơn. 

2. Thay đổi lớn về chính sách thuế và hóa đơn điện tử 

Một trong những ưu điểm của mô hình HKD là sự đơn giản trong khâu quản lý thuế và kế toán. Tuy nhiên, chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nền kinh tế tư nhân của Nhà nước đã đưa ra 02 thay đổi quan trọng sau: 

  • Bãi bỏ hoàn toàn thuế khoán:  
  • Thuế khoán hình thức tính thuế theo phương pháp ấn định, trong đó cơ quan thuế căn cứ vào ước tính doanh thu, thu nhập và mức độ kinh doanh thực tế của HKD để xác định số thuế phải nộp định kỳ, thay vì dựa trên sổ sách kế toán hay hóa đơn chứng từ cụ thể. 
  • Từ ngày 01/01/2026, chế độ thuế khoán sẽ bị bãi bỏ hoàn toàn đối với HKD theo khoản 6 Điều 10 Nghị quyết 198/2025/QH15. Thay vào đó, các HKD sẽ phải kê khai thuế, nộp thuế theo doanh thu thực tế. Điều này đòi hỏi HKD phải có hệ thống sổ sách, chứng từ rõ ràng và chuyên nghiệp hơn. 
  • Áp dụng hóa đơn điện tử cho HKD lớn:  
  • Theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP, từ ngày 01/06/2025, các HKD được quy định ở khoản 1 Điều 51 có doanh thu hàng năm trên 01 tỷ, khoản 2 Điều 90 và khoản 3 Điều 91 Luật Quản lý thuế 2019 (bao gồm: (1) nộp thuế theo phương pháp khoán có mức doanh thu hàng năm trên 01 tỷ; (2) có sử dụng máy tính tiền; và (3) có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai), HKD có hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng (bao gồm: trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác); ăn uống; nhà hàng; khách sạn; dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ, dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí, hoạt động chiếu phim, dịch vụ phục vụ cá nhân khác theo quy định về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam) sẽ phải xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. 
  • Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế nêu trên phải đáp ứng các điều kiện sau: 
  1. Nhận biết được hóa đơn in từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế; 
  1. Không bắt buộc có chữ ký số; 
  1. Khoản chi mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn (hoặc sao chụp hóa đơn hoặc tra thông tin từ Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế về hóa đơn) được khởi tạo từ máy tính tiền phải là khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi xác định nghĩa vụ thuế. 

Những thay đổi này làm mất đi lợi thế về sự đơn giản trong quản lý thuế và kế toán của HKD. Việc phải kê khai thuế và sử dụng hóa đơn điện tử sẽ làm tăng đáng kể gánh nặng tuân thủ, đòi hỏi HKD phải có hệ thống sổ sách, chứng từ rõ ràng và chuyên nghiệp hơn, tương tự như mô hình doanh nghiệp thay vì đơn giản là nộp thuế khoán như trước đây. 

3. Lợi thế của mô hình doanh nghiệp trong bối cảnh chính sách mới 

Trong bối cảnh các quy định cho hộ kinh doanh ngày càng chặt chẽ, mô hình doanh nghiệp (đặc biệt là Công ty TNHH và Công ty Cổ phần) càng thể hiện rõ lợi thế chiến lược: 

  • Có tư cách pháp nhân và trách nhiệm hữu hạn: Doanh nghiệp là một thực thể pháp lý độc lập, có tài sản riêng. Chủ sở hữu/thành viên chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ trong phạm vi số vốn đã góp, giúp bảo vệ tài sản cá nhân khỏi rủi ro kinh doanh. 
  • Huy động vốn dễ dàng: Khả năng huy động vốn linh hoạt từ ngân hàng, tổ chức, cá nhân bên ngoài, hoặc thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu.  
  • Quyền xuất hóa đơn GTGT và khấu trừ thuế: Doanh nghiệp được phép xuất hóa đơn GTGT và khấu trừ thuế GTGT đầu vào, giúp tối ưu hóa chi phí thuế.  

Bên cạnh đó, để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tư nhân, Nhà nước cũng đang đẩy mạnh nhiều chính sách hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm khuyến khích chuyển đổi và phát triển: 

  • Miễn thuế TNDN: Nghị quyết 68-NQ/TW và Khoản 4 Điều 10 Nghị quyết 198/2025/QH15 quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 03 năm đầu thành lập đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. 
  • Hỗ trợ tài chính, tín dụng: Nghị quyết 68-NQ/TW và Nghị quyết 198/2025/QH15 đã đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ lãi suất, tiếp cận vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 
  • Cùng với đó, Nghị quyết 198/2025/QH15 cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng kinh doanh; hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công cũng như ưu đãi trong lựa chọn gói thầu. 

Việc chuyển đổi từ HKD sang doanh nghiệp không chỉ là hành động tuân thủ pháp luật trước những thay đổi chính sách, mà còn là một bước đi chiến lược, mở ra cánh cửa rộng lớn hơn cho sự phát triển, bền vững và chuyên nghiệp hóa. Với những chính sách hỗ trợ tích cực từ Nhà nước, đây chính là thời điểm thuận lợi để các chủ hộ kinh doanh mạnh dạn vươn mình, khai thác tối đa tiềm năng và vươn xa hơn trong kỷ nguyên kinh doanh mới. 

Để nhận tư vấn chi tiết về nội dung này, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:

Hotline: 028.6270.7278
Email: csbd@lttlawyers.com

TRỤ SỞ CHÍNH (+84) 28 6270 7278 – Lầu 3, 185 Đường Cô Bắc, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
VĂN PHÒNG HÀ NỘI (+84) 24 7300 1255 – Phòng 637, Tầng 6, Tòa nhà CIC, Số 2 Ngõ 219 Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
VĂN PHÒNG ĐÀ NẴNG (+84) 905 783 785 – 02 Đường Đoàn Nhữ Hài, Phường Hòa Khê, Quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng.
s