luat-su-tranh-tung

Luật sư tranh tụng là ai? Họ làm những công việc gì?

Luật sư tranh tụng hay còn gọi là Luật sư giải quyết tranh chấp. Họ thường xuất hiện khi khách hàng có nhu cầu có Luật sư hướng dẫn và đại diện để đứng ra giải quyết một tranh chấp nào đó với người khác, với cơ quan Nhà nước.

Khi xảy ra một sự việc tranh chấp, nghĩa là có việc mâu thuẩn, xung đột về quyền và lợi ích. Việc có một Luật sư tranh chấp phân tích các khía cạnh về pháp lý, có kinh nghiệm giao thiệp, đối đáp, tranh luận và thậm chí dày dạn trong việc sử dụng các biện pháp tâm lý, điều tra sẽ giúp ích thân chủ rất nhiều trong việc đòi quyền lợi của mình.

Một số công việc cụ thể của Luật sư tranh tụng:

Hướng dẫn đương sự trong việc quyết định khởi kiện hay không khởi kiện

Việc khởi kiện hay không khởi kiện thuộc quyền tự định đoạt của các đương sự. Trong nhiều trường hợp đương sự cũng không tự quyết định được có nên khởi kiện hay không. Luật sư phải giúp đương sự thực sự hiểu rõ nếu họ khởi kiện thì khả năng họ được lợi sẽ là bao nhiêu phần trăm cũng như nếu họ không khởi kiện thì quyền và lợi ích hợp pháp của họ sẽ được bảo vệ như thế nào. Luật sư là người không những chỉ nắm bắt pháp luật mà còn hiểu được trạng thái tâm lý khách hàng của mình. Ở đây có thể xảy ra những tình huống khác nhau:

+ Có thể khách hàng muốn khởi kiện nhưng Luật sư thấy không cần thiết, có thể giải quyết tranh chấp bằng con đường khác;

+ Có thể Luật sư cho rằng cần phải khởi kiện nhưng khách hàng chưa thực sự thấy cần thiết;

+ Có thể khách hàng muốn khởi kiện nhưng “mặc cả” với Luật sư là phải thắng được đối phương, trong khi Luật sư không bảo đảm là sẽ thắng;

Kể cả trong trường hợp trên Luật sư đều phải phân tích từ các khía cạnh pháp lý để đương sự tự nhận thức được việc khởi kiện hay không khởi kiện là cần thiết. Cần lưu ý đương sự rằng khởi kiện là một quyền của họ nhưng họ có thể không thực hiện quyền đó mà vẫn bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Ngược lại, trong một số trường hợp cần lý giải để đương sự thấy rằng khởi kiện là một quyền của họ và nếu họ không thực hiện quyền đó thì không còn phương cách nào để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, cũng như nếu họ không thực hiện ngay quyền đó thì quyền đó cũng có thể bị mất đi cùng với thời gian (Ví dụ: hết thời hiệu khởi kiện). Trong trường hợp đương sự quyết định không khởi kiện ra trước Tòa án mà lựa chọn một phương thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khác thì Luật sư cũng phải hướng dẫn đương sự thực hiện theo hướng đó. Ví dụ: Khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp đương sự quyết định khởi kiện ra trước Tòa án có thẩm quyền thì Luật sư cần tiếp tục hướng dẫn hoặc giải thích cho các đương sự một số vấn đề sau:

+ Thời hiệu khởi kiện;

+ Thẩm quyền giải quyết vụ án: Khởi kiện ra trước Tòa án nào;

+ Đã có đầy đủ các chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng hay chưa, cần bổ sung thêm những chứng cứ nào nữa;

+ Thời gian tối đa do luật định để xem xét và giải quyết vụ án này là bao nhiêu;

+ Án phí như thế nào;

+ Dự liệu trước những khó khăn và thuận lợi nếu thực hiện việc khởi kiện;

+ Họ cần phải chuẩn bị những điều kiện gì để tham gia tố tụng được tốt.

Có thể bạn quan tâm Quyền và nghĩa vụ của một luật sư tranh tụng trước tòa

Hướng dẫn đương sự viết đơn khởi kiện

Luật sư phải giúp đương sự viết đơn hoặc tự mình viết đơn cho đương sự để ít nhất một đơn kiện phải thể hiện được các nội dung theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS.

 Đơn khởi kiện có thể viết tay. Tuy vậy, Luật sư cần hướng dẫn đương sự viết rõ ràng và tốt nhất nên đánh máy. Sau khi đương sự đã viết xong đơn khởi kiện hoặc Luật sư đã viết xong đơn khởi kiện cho đương sự, Luật sư và đương sự cần ngồi với nhau để xem lại lần cuối cùng trước khi gửi đơn cho Tòa án có thẩm quyền.

Hướng dẫn đương sự thu thập chứng cứ

Để chuẩn bị cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình được tốt, đương sự cần chuẩn bị cho mình những chứng cứ cần thiết. Những chứng cứ đó đương sự phải tự mình thu thập. Các chứng cứ mà đương sự có thể tự thu thập được thông thường bao gồm: Các hồ sơ cá nhân mà đương sự thường giữ một bản, ví dụ: các bản hợp đồng, các bản di chúc, giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh …

Có một số giấy tờ, tài liệu hoặc chứng cứ đương sự phải tự mình thu thập thông qua các cơ quan chính quyền ở địa phương, ví dụ: giấy xin xác nhận hộ khẩu thường trú, giấy xin xác nhận hoặc chứng nhận về một sự kiện pháp lý nào đó. Trong một vụ án thông thường có rất nhiều loại chứng cứ khác nhau. Luật sư cần hướng dẫn các đương sự nắm bắt được sơ bộ chứng cứ nào là quan trọng đối với việc xem xét và giải quyết vụ án, trên cơ sở đó giúp đương sự tập hợp các chứng cứ lại theo hướng dẫn của mình. Thông thường chứng cứ có thể được sắp xếp theo thứ tự ngày tháng, nội dung hoặc theo hình thức của chứng cứ đó. Đối với những chứng cứ là bản gốc duy nhất, Luật sư cần hướng dẫn các đương sự photo công chứng lại các bản gốc. Tất cả các chứng cứ mà đương sự đã thu thập được nhất thiết phải được nhân ra làm hai bản trở lên. Một bản để nộp cho Tòa án, bản còn lại do Luật sư hoặc đương sự giữ. Việc cung cấp các chứng cứ đã thu thập được cho Tòa án vào thời điểm nào do Luật sư quyết định.

Có thể bạn quan tâm Luật sư tranh tụng giỏi cần có những yếu tố nào?

Hướng dẫn đương sự cung cấp chứng cứ cho Tòa án

Sau khi đã thu thập được các chứng cứ cần thiết Luật sư cần hướng dẫn các đương sự cung cấp các chứng cứ cho Tòa án. Về nguyên tắc, các chứng cứ sẽ được lần lượt cung cấp cho Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự. Tuy vậy, cung cấp chứng cứ nào vào thời điểm nào là một quyết định có tính chất chiến lược. Có những chứng cứ cần thiết phải được cung cấp ngay để thông qua Tòa án nội dung của chứng cứ đó được chuyển tải cho phía bên kia. Tuy vậy, có những chứng cứ nếu cung cấp ngay cho Tòa án và phía đương sự khác biết được có thể gây bất lợi cho mình. Vì vậy cần cân nhắc kỹ cung cấp chứng cứ nào vào thời điểm nào, Luật sư sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong trường hợp này.

Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Hồ sơ khởi kiện là hồ sơ mà nguyên đơn nộp cho Tòa án khi khởi kiện vụ án ra trước Tòa. Hồ sơ khởi kiện thông thường bao gồm:

Đơn khởi kiện;

– Các tài liệu chứng minh hoặc giải trình trực tiếp cho yêu cầu của nguyên đơn;

– Các tài liệu về tư cách pháp nhân của nguyên đơn;

– Các tài liệu, chứng cứ kèm theo;

– Các văn bản pháp luật liên quan.

Trao đổi với Tòa án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử

Trao đổi được đề cập ở đây thực chất là các giải trình của khách hàng của mình gửi cho Tòa án trong trường hợp cần trả lời một yêu cầu của Tòa án hoặc cần giải trình một vấn đề nào đó liên quan đến một vấn đề mà đương sự khác nêu ra trái với quan điểm của mình. Các giải trình này còn có thể được thể hiện dưới dạng các sửa đổi, bổ sung các tài liệu mà mình đã cung cấp cho Tòa án trước đó nhưng bị hiểu nhầm, hiểu không đúng hoặc bị xuyên tác. Vì vậy, dù giải trình do khách hàng ký tên thì Luật sư cũng phải giúp khách hàng soạn thảo hoặc ít ra phải giúp khách xem lại lần cuối cùng trước khi gửi Tòa án. Cũng cần lưu ý là các văn thư này trở thành nguồn chứng cứ rất quan trọng mà Tòa án, Viện kiểm sát và các đương sự khác có thể sử dụng trong vụ án. Vì vậy, khi soạn các văn bản này cần hết sức thận trọng cả về hình thức và nội dung, nên ngắn gọn, dễ hiểu, trong sáng. Về nội dung phải chứa đựng và khẳng định lại các quan điểm mà Luật sư hoặc khách hàng đã trình bày trước đó. Tuyệt đối không đưa ra các quan điểm trái ngược với các quan điểm đã đưa ra trước đó trong cùng một vụ án.

Chuẩn bị cá nhân của Luật sư trong giai đoạn chuẩn bị xét xử

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Luật sư phải làm việc rất bận rộn. Một mặt, vừa phải chuẩn bị cho khách hàng của mình, một mặt Luật sư phải tự chuẩn bị cho mình. Những phần việc Luật sư cần chuẩn bị cho mình có thể được thể hiện dưới dạng sau:

Thu thập chứng cứ

Nghiên cứu hồ sơ vụ án

Nghiên cứu và đánh giá chứng cứ

luat-su-tranh-tung

Chuẩn bị đề cương bản luận cứ Luật sư

Đề cương luận cứ Luật sư là văn bản có ý nghĩa tố tụng rất lớn. Một mặt nó phản ánh quan điểm của Luật sư, phản ánh tâm tư nguyện vọng của khách hàng, thể hiện mong muốn của cả Luật sư và thân chủ của mình thông qua các yêu cầu mà Luật sư đề xuất. Mặt khác nó cũng là cơ hội để Luật sư phân tích, nhận định và giải thích pháp luật nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình

Ghi chép

Lần đầu tiên gặp Luật sư, khách hàng thường dành phần lớn thời gian để trình bày về vụ việc của mình. Thông thường đây là các thông tin một chiều, chưa được tham vấn và nhiều khi còn thô. Tuy vậy, có thể những lần tiếp xúc sau, khách hàng sẽ có nhiều gọt rũa, lược bớt các nội dung mà họ cho là không cần thiết cho họ hoặc không có lợi cho họ. Vì vậy, việc ghi chép để giữ lại những “thông tin sạch” này là rất quan trọng. Nó rất có thể sẽ là các thông tin mà từ đó Luật sư có thể khai thác thêm được những thông tin khác quan trọng. Khi nghe và ghi chép các thông tin ban đầu từ phía thân chủ, Luật sư nên cẩn trọng trong việc khẳng định những điểm mà Luật sư cho là thân chủ có thể bị nhầm lẫn hoặc chưa suy nghĩ chín chắn. Những ngụy biện ban đầu của khách hàng cũng phải được Luật sư làm rõ ngay từ đầu để tránh phải mất thời gian vì những thông tin đó sau này.

Ghi chép trong quá trình thu thập chứng cứ

Trong giai đoạn này nhiều khi Tòa án, Luật sư của đối phương, các đương sự đều có thể có những biểu hiện, những ý kiến có liên quan đến việc Tòa án giải quyết vụ án. Vì vậy, Luật sư cần theo dõi, ghi chép những thông tin đó nhằm giúp có một cái nhìn toàn diện về vụ án, về các bên, về những diễn biến bên ngoài mà trong hồ sơ nhiều khi không bao giờ thể hiện hết.

Ghi chép trong giai đoạn hòa giải

Nói chung khi tiến hành hòa giải, các bên cũng như tòa án đều mong muốn đạt được những lợi ích nhất định. Tuy vậy, không phải lúc nào các mong muốn của các bên cũng đều đạt được. Vì vậy, ghi chép lại diễn biến của giai đoạn này để có cơ sở cho các giai đoạn tiếp theo, thậm chí những ý kiến, quan điểm của các bên có thể được sử dụng lại trong phần xét hỏi nhằm nhắc lại cho họ rằng đã có lúc họ bày tỏ những mong muốn như thế nhưng họ đã không đạt được và bây giờ họ vẫn còn cơ hội để thực hiện những mong muốn đó. Ngoài ra, khi biết được quan điểm của đối phương trong giai đoạn hòa giải, Luật sư cũng có thể dựa vào đó để giúp đương sự điều chỉnh yêu cầu hoặc phản yêu cầu của mình. Nếu không ghi chép lại những diễn biến đó, rất có thể sẽ bị quên hoặc nhớ không chính xác.

Ghi chép trong giai đoạn xét xử

Trong giai đoạn này Luật sư phải tham gia xét hỏi, phải đặt các câu hỏi, phải tham gia tranh luận, vì vậy, tất cả những gì diễn ra tại phiên tòa phải được Luật sư ghi chép lại cẩn thận. Luật sư phải ghi chép từ các câu hỏi của HĐXX, của đại diện VKS, Luật sư của đối phương, của những người tham gia tố tụng khác. Để tiện theo dõi nên chia ra thành các cột, mỗi cột chứa một nội dung, thông tin của một người tham gia tố tụng hoặc tiến hành tố tụng. Những người này nếu có quan hệ với nhau hoặc các hành vi của họ có thể ảnh hưởng đến nhau thì nên xếp họ gần nhau. Ví dụ, xếp cột nguyên đơn bên cạnh cột bị đơn, cột Tòa án với cột nguyên đơn…. Các ghi chép này luôn được lưu giữ một cách có hệ thống để sử dụng cho cả quá trình tố tụng, cả trong giai đoạn phúc thẩm (xem thêm phần Luật sư trong giai đoạn xét hỏi).

Làm việc với thân chủ

Thân chủ là đối tượng của hoạt động tranh tụng của Luật sư. Vì quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ mà Luật sư làm việc. Vì vậy trước khi đưa ra một ý tưởng gì cũng nên thông báo cho khách hàng của mình được biết. Trong trường hợp có bất đồng quan điểm giữa thân chủ và luật sư, nếu luật sư có đầy đủ cơ sở cho là mình đúng thì nên thuyết phục khách hàng nghe theo ý kiến của mình trên cơ sở phân tích cho họ thấy từ góc độ luật pháp. Cả hai thái cực hoặc: “dĩ hòa vi quý” hoặc “cố đấm ăn xôi” đều không phải là phương án tốt. Nên trình bày rõ ràng, ngắn gọn những quan điểm mà Luật sư có ý định trình bày trước tòa. Nếu đã chuẩn bị xong bản luận cứ thì nên gửi cho khách hàng một bản. Cũng cần nói rõ là bản luận cứ luôn luôn ở trong tình trạng có thể bị thay đổi, cập nhật cho phù hợp nhưng mục đích cuối cùng là bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng. Cũng nên cho khách hàng biết qua diễn biến của phiên tòa có thể xảy ra, dự báo những điều cần thiết có lợi hoặc bất lợi cho khách hàng.Trong bất kỳ trường hợp nào thì dự báo cũng nên trung thực, khách quan nhưng không bi quan hoặc chủ quan thái quá. Cần hướng dẫn cho khách hàng một số công việc cần thiết khi họ phải trả lời các câu hỏi trước tòa. Nếu cần nên tập dượt trước cho thuần thục, nên cho khách hàng biết rằng họ có thể từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào hoặc nhờ Luật sư trả lời hộ trong trường hợp cần thiết.

Làm việc với thân chủ cũng quan trọng như làm việc với Tòa án hoặc Viện kiểm sát. Thân chủ trong phần lớn các trường hợp có thể cung cấp cho Luật sư những thông tin chính xác và rất quan trọng.

Để các buổi làm việc với khách hàng có hiệu quả, Luật sư nên vạch ra cho mình một kế hoạch, theo đó, Luật sư cần gặp khách hàng vào những hôm nào, bàn về những việc gì và mục đích hay kết quả cần đạt được từ những buổi làm giệc đó là gì.

Chuẩn bị tài liệu, chứng cứ cho thân chủ trước khi hòa giải

Nhìn chung các chứng cứ cần sử dụng khi hòa giải không có gì khác so với các chứng cứ của toàn bộ vụ án. Tuy vậy cũng cần phải phân loại chúng theo yêu cầu khác nhau để khi sử dụng những chứng cứ này đối phương thấy được họ đang được lợi hoặc nếu họ tiếp tục theo đuổi vụ kiện thì sẽ gặp bế tắc.

Về nguyên tắc các tài liệu chứng cứ của khách hàng (trong trường hợp họ là nguyên đơn) đều đã được thể hiện trong Hồ sơ khởi kiện. Trước khi tham gia hòa giải Luật sư chỉ cần tập hợp lại và giới thiệu qua cho nguyên đơn biết để trong quá trình hòa giải, nguyên đơn có thể tự mình đưa ra được các chứng cứ để minh họa cho giải trình của mình. Để giúp cho khách hàng nắm bắt một cách hệ thống và dễ hiểu thì Luật sư nên sắp xếp lại Hồ sơ khởi kiện để phục vụ riêng cho giai đoạn hòa giải. Đối với trường hợp khách hàng của mình là bị đơn thì Luật sư cũng căn cứ vào bộ hồ sơ mà khách hàng cùng với Luật sư đã chuẩn bị trước đó và cũng sắp xếp lại tương tự như trong trường hợp làm cho nguyên đơn.

Có thể bạn quan tâm Luật sư tranh tụng doanh nghiệp có những kỹ năng nào?

Thỏa thuận trước với thân chủ

Thỏa thuận trước với thân chủ về các yêu cầu cần đạt được trong hòa giải, những vấn đề cần nhượng bộ

Trước khi hòa giải, luật sư cần thỏa thận trước với khách hàng của mình về một số yêu cầu cần đạt được sau khi nhượng bộ là như thế nào.Thông thường không phải lúc nào đương sự cũng sẵn sàng đồng ý với Luật sư để nhượng bộ đối phương, nhất là trong những trường hợp liên quan đến danh dự hoặc các quyền lợi tinh thần.

+ Thông báo cho khách hàng về tình trạng pháp lý của họ;

+ Những ưu thế và bất lợi cho họ;

+ Những ưu thế và bất lợi của đối phương;

+ Các chứng cứ của cả hai bên;

+ Khả năng đối phương sẽ phản ứng như thế nào khi mình đưa ra các đề xuất;

+Đưa ra các giải pháp nhượng bộ để khách hàng lựa chọn;

+ Thống nhất với khách hàng về một số giải pháp tối ưu.

Thỏa thuận về án phí

Án phí cũng là một nội dung rất quan trọng trong hòa giải. Trong nhiều trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về nội dung giải quyết tranh chấp nhưng lại không thỏa thuận được với nhau về án phí bởi án phí cũng là một khoản đóng góp rất đáng kể, nhất là trong những vụ án có giá ngạch lớn. Tùy từng trường hợp mà Luật sư tư vấn cho khách hàng của mình chấp nhận mức án phí bao nhiêu là phù hợp và cần thiết để tạo thuận lợi cho bên đối phương. Tất nhiên nếu hai bên không thỏa thuận để đi đến thống nhất về ai phải chịu và chịu bao nhiêu thì án phí sẽ được quyết định theo pháp luật.

Trên đây là là câu trả lời cho vấn đề Luật sư tranh tụng là ai? Họ làm những công việc gì. Trong trường hợp các bạn đang gặp phải các ván đề pháp lý về lao động, sa thải sai luật vui lòng liên hệ với các luật sư Lao Động của LTT & Lawyers, chúng tôi sẽ liên hệ lại với Bạn ngay khi tiếp nhận thông tin.