NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI CÓ THỂ LẬP DI CHÚC CHIA TÀI SẢN Ở VIỆT NAM KHÔNG ?

Hiện nay, lượng người Việt Nam lựa chọn sinh sống và làm việc ở nước ngoài ngày càng gia tăng, kéo theo sự nảy sinh về những vấn đề pháp lý, đặc biệt là vấn đề lập di chúc. Khi xảy ra sự kiện ngoài ý muốn như mất đột ngột hoặc nội dung di chúc chưa rõ ràng thì những tranh chấp về thừa kế rất dễ phát sinh giữa người thân trong nước và ngoài nước. Trên thực tế, không ít vụ kiện tụng kéo dài, thậm chí khiến gia đình đổ vỡ chỉ vì một bản di chúc chưa hợp pháp nên không được thực thi.
Trước thực trạng đó, câu hỏi đặt ra là: Người Việt Nam ở nước ngoài có được lập di chúc chia tài sản tại Việt Nam không? Những điều kiện để di chúc được xem là hợp pháp dù có sự khác biệt về pháp lý giữa quốc gia – nơi bạn sinh sống và nơi có tài sản thừa kế là gì? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết của LTT&Lawyers!
1. Người Việt Nam ở nước ngoài có phải là chủ thể có quyền lập di chúc định đoạt tài sản tại Việt Nam không?
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được hiểu là “công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài” (khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008).
Theo đó, Điều 625 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người lập di chúc như sau:
- Người thành niên phải minh mẫn, sáng suốt trong quá trình lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép thì sẽ có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc bằng văn bản nếu được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ về việc lập di chúc.
Như vậy, người Việt Nam ở nước ngoài hoàn toàn có quyền lập di chúc chia tài sản tại Việt Nam nếu thỏa mãn các điều kiện tại 2 điều khoản trên.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 681 Bộ luật Dân sự 2015 quy định năng lực lập di chúc sẽ được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc. Điều này cho thấy khi người Việt Nam đang ở nước ngoài lập di chúc thì năng lực lập di chúc của họ được xác định theo pháp luật Việt Nam.
2. Điều kiện có hiệu lực của một di chúc được lập bởi người Việt Nam ở nước ngoài.
Để một di chúc được lập bởi người Việt Nam ở nước ngoài có hiệu lực cần đáp ứng các điều kiện về nội dung và hình thức của di chúc.
a. Điều kiện về nội dung di chúc
- Nội dung của di chúc không vi phạm vào điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, hình thức di chúc phải tuân thủ theo quy định của luật.
Di chúc gồm các nội dung chủ yếu như: ngày, tháng, năm lập di chúc; họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;…
- Ngoài các nội dung trên, di chúc có thể có các nội dung khác.
- Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
- Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
(Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015)
b. Điều kiện về hình thức di chúc
Hiện nay, di chúc có thể được lập bằng 02 hình thức là di chúc miệng và di chúc bằng văn bản. Mỗi hình thức sẽ có các điều kiện nhất định mà bạn cần tuân thủ.
- Di chúc miệng:
Di chúc miệng được coi là hợp pháp khi đáp ứng đủ 03 điều kiện tại khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015:
- Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng;
- Ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ;
- Di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng.
- Di chúc bằng văn bản
Tại Điều 628 Bộ luật Dân sự năm 2015 phân loại di chúc bằng văn bản gồm 04 loại:
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng
- Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng;
- Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc;
- Phải đáp ứng điều kiện về người làm chứng theo Điều 632 Bộ luật Dân sự 2015.
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng: Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc
- Di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực: Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc, nhưng cần lưu ý đến một số trường ơợp công chứng viên không được công chứng, chứng thực di chúc tại Điều 637 Bộ luật Dân sự 2015.
- Di chúc bằng văn bản không có công chứng hoặc chứng thực
Đồng thời, tất cả các di chúc được thể hiện dưới hình thức văn bản phải đáp ứng các yêu cầu về chủ thể lập và nội dung di chúc. Trong đó, bao gồm cả di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực thì vẫn được xem là hợp pháp nếu đáp ứng đủ 02 điều kiện nêu trên. Đặc biệt, theo quy định tại khoản 5 Điều 638 Bộ luật Dân sự 2015 thì di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài khi có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó thì sẽ có giá trị như một di chúc được công chứng hoặc chứng thực tại Việt Nam.
Tuy nhiên, việc có chứng nhận của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không phải là một điều kiện bắt buộc để công nhận tính hợp pháp của di chúc. Do đó, người Việt Nam ở nước ngoài lập di chúc chia tài sản mà không có chứng nhận của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì vẫn được xem là hợp pháp nếu đáp ứng điều kiện về tính hiệu lực của di chúc là chủ thể và nội dung.
Ngoài ra, đối với di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được lập thành văn bản bởi người làm chứng và có công chứng hoặc chứng thực.
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 681 Bộ luật Dân sự 2015 thì hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập. Điều này có nghĩa là nếu hình thức của di chúc phù hợp với pháp luật của nước nơi di chúc được lập thì di chúc đó hợp pháp về hình thức. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu di chúc không phù hợp với pháp luật nước nơi di chúc được lập thì Nhà nước sẽ xem xét đến các hệ thống pháp luật có liên quan khác, cụ thể là pháp luật của một trong những nước sau:
- Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;
- Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;
- Nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản.
Như vậy, theo quy định trên, hệ thuộc luật của nước nơi lập di chúc sẽ được ưu áp dụng. Nhưng trên thực tế, có những người lập di chúc lập di chúc trong tình trạng khẩn cấp, mà không kịp tìm hiểu quy định về hình thức của di chúc tại nước nơi mình lập di chúc. Do đó, quy định tại khoản 2 Điều 681 Bộ luật Dân sự 2015 có sự linh hoạt hơn để đảm bảo quyền lợi cho người lập di chúc.
Tóm lại, thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp di chúc được lập bởi người Việt ở nước ngoài không được công nhận hợp pháp vì chưa thỏa mãn điều kiện luật định, dẫn đến tài sản – vốn dĩ là một “món quà vật chất” nên được trao tặng một cách công bằng lại trở thành một “vết chạm” làm rạn nứt mối quan hệ giữa những người thân trong gia đình. Do đó, mỗi người Việt ở nước ngoài nên có sự nhìn nhận, tìm hiểu kỹ càng về các điều kiện để di chúc được công nhận hợp pháp hay để chắc chắn hãy tìm đến những người có chuyên môn để được tư vấn và hướng dẫn chi tiết trong việc tạo nên một bản di chúc hơp pháp, hợp tình.
Để nhận tư vấn chi tiết về nội dung này, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:
Hotline: 028.6270.7278 Email: csbd@lttlawyers.com TRỤ SỞ CHÍNH (+84) 28 6270 7278 – Lầu 3, 185 Đường Cô Bắc, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. VĂN PHÒNG HÀ NỘI (+84) 24 7300 1255 – Phòng 637, Tầng 6, Tòa nhà CIC, Số 2 Ngõ 219 Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. VĂN PHÒNG ĐÀ NẴNG (+84) 905 783 785 – 02 Đường Đoàn Nhữ Hài, Phường Hòa Khê, Quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng. |