NHÀ Ở XÃ HỘI – “CƠ HỘI” AN CƯ HAY “MÊ CUNG” THỦ TỤC 

ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN SỞ HỮU BẠN CẦN BIẾT 

Bạn có biết, chủ trương phát triển nhà ở xã hội đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nhằm đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, hàng ngàn người hiện nay đủ điều kiện nhưng vẫn trượt suất mua hoặc thuê nhà ở xã hội chỉ vì không nắm rõ việc bản thân có thuộc đối tượng được xét duyệt? Vậy đối tượng và điều kiện để được sở hữu nhà ở xã hội là gì? Có những rào cản nào dễ khiến người có nhu cầu phải bỏ cuộc giữa chừng? 

Tất cả lời giải đáp về đối tượng và điều kiện đối với loại hình nhà ở trên sẽ được tiết lộ ngay trong bài viết này của LTT&Lawyers! 

1. Nhà ở xã hội là gì? 

Theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Luật Nhà ở 2023, “nhà ở xã hội” là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước dành cho đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định của Luật này. Hiểu theo cách đơn giản, Nhà nước sẽ có sự hỗ trợ về giá mua cho những đối tượng đủ điều kiện thông qua việc những căn nhà ở xã hội sẽ có giá thành thấp hơn rất nhiều so với những loại hình nhà ở thương mại thông thường. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có sự hỗ trợ đối với chủ đầu tư thông qua chính sách thuế, đất, lãi suất ngân hàng, chi phí thực hiện hồ sơ, giấy tờ,…khi xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc có sự hỗ trợ về giá đồng nghĩa với người dân sẽ phải đáp ứng đủ điều kiện để thuê/mua. Do đó, người dân nên tìm hiểu về vấn đề này một cách chi tiết để dễ dàng biết được bản thân có thuộc đối tượng và đáp ứng đủ điều kiện để sở hữu loại hình nhà ở này hay không.  

  

2. Đối tượng được xét điều kiện để mua nhà ở xã hội 

Tại khoản 1 Điều 77 Luật Nhà ở 2023 quy định về một số đối tượng được xét điều kiện để mua nhà ở xã hội, bao gồm:  

  • Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.  
  • Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị. 
  • Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.  
  • Công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp. 
  • Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.  
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác nhưng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân. 
  • Đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 4 Điều 125 của Luật này, trừ trường hợp bị thu hồi nhà ở công vụ do vi phạm quy định của Luật này. 
  • Hộ gia đình, cá nhân thuộc trường hợp bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.  

Bên cạnh đó, pháp luật cho phép một số đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội theo Điều 76 Luật Nhà ở 2023 có thể kể đến như:  

  • Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn.  
  • Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.  
  • Học sinh, sinh viên đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập.  
  • Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp. 

3. Điều kiện để được sở hữu nhà ở xã hội 

Thực tế, người có nhu cầu muốn sở hữu nhà ở xã hội phải đáp ứng đồng thời 02 điều kiện sau đây:  

  • Điều kiện về nhà ở: 
  • Các đối tượng được xét điều kiện để mua nhà ở xã hội được trích dẫn trong phần (2), bao gồm cả vợ và chồng phải đều chưa có đất ở và nhà ở tại tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội. 
  • Nhà ở thuộc sở hữu của các đối tượng được xét điều kiện về nhà ở xã hội được trích dẫn trong phần (2) phải có diện tích bình quân đầu người thấp hơn 15 m² sàn/người. Diện tích bình quân này được tính dựa trên tổng số nhân khẩu gồm: người đứng đơn, vợ hoặc chồng (nếu có), cha mẹ (nếu có) và các con của người đó (nếu có) đang đăng ký thường trú tại căn nhà đó. 
  • Điều kiện về thu nhập 
  • Những đối tượng bao gồm: (i) người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, (ii) công nhân hoặc người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp, (iii) cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức thì người đứng đơn trong trường hợp là người độc thân sẽ phải có tổng thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng, trường hợp là người đã kết hôn theo quy định pháp luật thì tổng thu nhập thực nhận của cả vợ và chồng không quá 30 triệu đồng. Tổng thu nhập ở cả hai trường hợp đều được tính theo Bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi đối tượng làm việc xác nhận; 
  • Những đối tượng là người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị không có Hợp đồng lao động, thì người đứng đơn trong trường hợp là người độc thân sẽ phải có tổng thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng, trường hợp là người đã kết hôn theo quy định pháp luật thì tổng thu nhập thực nhận của cả vợ và chồng không quá 30 triệu đồng. Lúc này, Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ có thẩm quyền xác nhận về điều kiện thu nhập của người đứng đơn và vợ (chồng) của người đó; 
  • Những đối tượng bao gồm hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn, khu vực đô thị hoặc khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu thì phải thuộc trường hợp hộ gia đình nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo của Chính phủ; 
  • Những đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác thì áp dụng điều kiện thu nhập theo quy định tại Điều 67 của Nghị định 100/2024/NĐ-CP, cụ thể: 
  • Người đứng đơn là người độc thân thì có thu nhập hàng tháng thực nhận không quá tổng thu nhập của sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá (gồm lương cơ bản và phụ cấp theo quy định) được cơ quan, đơn vị nơi công tác, quản lý xác nhận; 
  • Người đứng đơn là người đã kết hôn: (i) người đứng đơn và vợ (chồng) của người đó nếu thuộc đối tượng nêu trên hoặc không thuộc đối tượng nêu trên thì phải có tổng thu nhập hàng tháng thực nhận lần lượt không quá 2,0 lần và 1,5 lần tổng thu nhập của sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá (gồm lương cơ bản và phụ cấp theo quy định) được cơ quan, đơn vị nơi công tác, quản lý xác nhận; 
  • Trường hợp vợ (chồng) của người đứng đơn không có Hợp đồng lao động thì Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện xác nhận điều kiện về thu nhập. 

Có thể nói trong thời gian gần đây, hàng loạt các chính sách ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp qua Ngân hàng Chính sách xã hội, giảm thuế cho nhà đầu tư đã được Chính phủ ban hành để phục vụ cho việc phát triển nhà ở xã hội. Số lượng những căn hộ với mức giá từ vài trăm triệu đến 01 tỷ đồng lần lượt gia tăng luôn được đông đảo người dân quan tâm, tìm kiếm, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Do đó, việc tìm hiểu kĩ về đối tượng cũng như điều kiện sở hữu được xem là một bước đầu quan trọng trên hành trình thuê/mua một căn nhà ở xã hội hợp pháp. Vậy còn quy trình, thủ tục hay những lưu ý và kinh nghiệm thực tế đối với việc sở hữu loại hình nhà ở này là gì, hãy theo dõi ở bài viết tiếp theo của chúng tôi!