Quy định về Phí bảo trì Căn hộ Chung cư
Phí bảo trì căn hộ chung cư
Theo báo cáo gần đây, Bộ Xây dựng cho biết có 36% tranh chấp tại các chung cư liên quan đến phí bảo trì chung cư (trên 108 dự án có tranh chấp). Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, con số tranh chấp liên quan đến phí bảo trì là 77% (trên 44 dự án có tranh chấp).
Số liệu này cho thấy, tranh chấp liên quan đến phí bảo trì là một trong những tranh chấp xảy ra khá phổ biến tại các dự án nhà chung cư.
Vậy, phí bảo trì căn hộ chung cư là gì? Chủ thể nào có nghĩa vụ đóng và cơ chế quản lý như thế nào theo pháp luật hiện hành?
Phí bảo trì căn hộ chung cư là gì?
Theo Điều 34, Điều 37.1, Thông Tư 02/2016/TT-BXD, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của tòa nhà chung cư là chi phí được được dùng để bảo trì phần sở hữu chung của tòa nhà đó.
Ban quản trị nhà chung cư, kể từ khi được nhận bàn giao, chỉ được sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư vào việc bảo trì các hạng mục thuộc không gian, phần sở hữu chung.
Ai đóng phí này?
Trường hợp ký HĐ mua bán, thuê mua căn hộ chung cơ trước ngày 01/07/2006 mà chưa thu kinh phí bảo trì: cư dân sở hữu đóng với mức được quyết định theo mức được Hội nghị nhà chung cư thống nhất. Bên cạnh đó, có thể lựa chọn đóng cách thức đóng hàng tháng hoặc đóng khi phát sinh công việc cần bảo trì (theo Điều 108.3 Luật Nhà ở năm 2014);
Trường hợp ký HĐ mua bán, thuê mua căn hộ chung cư sau ngày 01/07/2006 mà không có thỏa thuận về kinh phí bảo trì: chủ đầu tư đóng (theo Điều 108.4 Luật Nhà ở năm 2014);
Trường hợp HĐ mua bán, thuê mua nhà mà giá mua, thuê mua chưa tính kinh phí bảo trì: cư dân sở hữu đóng với mức được quyết định theo mức được Hội nghị nhà chung cư thống nhất. Bên cạnh đó, có thể lựa chọn đóng cách thức đóng hàng tháng hoặc đóng khi phát sinh công việc cần bảo trì (Điều 108.4, Điều 108.3 Luật Nhà ở năm 2014)
Mức đóng phí bảo trì chung cư
Kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu là 2% x giá trị căn hộ (hoặc diện tích khác bán, cho thuê mua) theo Điều 108.1 (a) Luật Nhà ở năm 2014.
Cơ chế quản lý phí bảo trì
Trước khi Ban Quản trị được thành lập, chủ thể ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư chính là chủ đầu tư. Chính vì thế, quy định của pháp luật cũng đã ghi nhận trách nhiệm thu kinh phí bảo trì với các hợp đồng được xác lập sau ngày 01/07/2006 (Điều 108.4 Luật Nhà ở năm 2014). Trách nhiệm bàn giao toàn bộ kinh phí bảo trì cho Ban Quản trị trong vòng 07 ngày sau khi Ban Quản trị được thành lập của chủ đầu tư (Điều 109.1 Luật Nhà ở năm 2014).
Bên cạnh các quy định đã nêu về trách nhiệm của chủ đầu tư khi thực hiện thu, bàn giao kinh phí bảo trì, vẫn tồn tại một số quy định nêu ra các chế tài cho chủ đầu tư.
Cụ thể, nếu chủ đầu tư có hành vi sử dụng kinh phí bảo trì không đúng quy định thì có thể bị phạt tiền từ 250 – 300 triệu đồng (Điều 66.8 (d) Nghị định 139/2017/NĐ-CP). Còn nếu chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ bàn giao, bàn giao trễ hạn, bàn giao thiếu kinh phí bảo trì cho Ban Quản trị thì có thể bị phạt tiền từ 100 đến 150 triệu đồng (Điều 66.7 (b) Nghị định 139/2017/NĐ-CP).
——————————
[LTT & LAWYERS:] Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.
Mọi vướng mắt pháp lý liên quan đến vấn đề trên, xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi:
☎️ Công ty Luật TNHH LTT & Các Cộng Sự
– E-mail: info@lttlawyers.com
– Phone: (+84) 862.707.278
– Website: www.lttlawyers.com
– Trụ sở chính: Tầng 19, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.