tranh-chap-mua-ban-can-ho

Quy trình giải quyết khi xảy ra tranh chấp mua bán căn hộ

Giải quyết khi xảy ra tranh chấp mua bán căn hộ gồm các bước sau:

Đàm phán, thỏa thuận giải quyết tranh chấp.

Khi tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư xảy ra, các bên thường có xu hướng sẽ ngồi lại với nhau để đạt được thỏa thuận giải quyết mâu thuẫn. Trường hợp người mua ký kết hợp đồng mua bán với chủ đầu tư thì người mua thường thông qua Ban quản trị tòa nhà hoặc tổ dân phố để sắp xếp đàm phán với chủ đầu tư.

Tuy nhiên các cuộc đàm phán để giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư thế này thường có chiều hướng diễn biến xấu. Nhẹ thì bên bán có thể thoái thác trách nhiệm; lấp liếm thông tin để không đưa ra phương án giải quyết tranh chấp. Nặng thì cuộc đàm phán sẽ trở nên gay gắt do hai bên không tìm được tiếng nói chung. Từ đó, gây ảnh hưởng lớn tới quá trình thực hiện hợp đồng, ảnh hưởng đến lợi ích của cả hai bên. Phần lớn, khi xảy ra tranh chấp các bên có ngồi lại đàm phán với nhau thì cũng không đạt được kết quả gì.

Có thể bạn quan tâm Mua bán căn hộ thường gặp những rủi ro pháp lý nào?

Hòa giải tranh chấp hợp đồng mua bán tại cơ sở

Phương án hòa giải là ưu tiên hàng đầu khi giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Đối với tranh chấp đất đai thì vấn đề này được quy định khá rõ. Thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải tại cơ sở cũng diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, đối với căn hộ chung cư thì vấn đề này còn chưa được quy định rõ. Việc giải quyết tranh chấp sẽ được áp dụng theo Luật hòa giải cơ sở 2013.

Theo đó, Tổ trưởng tổ hòa giải sẽ phân công hòa giải viên tiến hành hòa giải sau khi nhận được yêu cầu của các bên tranh chấp. Việc có hòa giải viên tham gia sẽ tương ứng như việc có một bên thứ 3 đứng ra làm trung gian, đưa ra ý kiến để các bên dung hòa được quyền lợi của mình. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để các bên tranh chấp đưa ra được phương án giải quyết. Tuy nhiên, cũng như trường hợp các bên tự đàm phán; phương thức hòa giải tại cơ sở cũng kém hiệu quả; ít được thực hiện trên thực tế.

Có thể bạn quan tâm HỢP ĐỒNG MUA BÁN/THUÊ MUA NHÀ, CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Khiếu nại giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư

Hiện nay Phòng bảo vệ người tiêu dùng thuộc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương là cơ quan thực hiện chức năng giám sát; đưa ra cảnh báo; tiếp nhận khiếu nại về các vi phạm; tổ chức hòa giải tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Trường hợp phát hiện ra sai phạm Phòng bảo vệ người tiêu dùng sẽ báo cáo tới các cơ quan chức năng và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Khi phát sinh vấn đề cần khiếu nại người dân có thể gửi đơn khiếu nại trực tiếp; qua dịch vụ bưu chính; hoặc gửi khiếu nại trực tuyến tới Cổng thông tin điện tử.

Tuy nhiên, với tính chất là thực hiện các công việc mang tính tham mưu; đề xuất phương án giải quyết tranh chấp nên Phòng bảo vệ người tiêu dùng không thể giải quyết tranh chấp một cách triệt để. Khi đó, các bên có tranh chấp lại phải tìm tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.

Khởi kiện giải quyết tranh chấp tại Tòa án

Như đã phân tích ở trên, khởi kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư ra Tòa án là phương án giải quyết tranh chấp đạt được kết quả triệt để nhất. Việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án phải thực hiện theo một trình tự thủ tục đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Trình tự khởi kiện giải quyết tranh chấp tại Tòa án bao gồm các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ khởi kiện tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Người khởi kiện có thể nộp hồ sơ tới Tòa án bằng cách

  • Nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa án. Sau khi cán bộ Tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện sẽ ghi thông tin vào sổ nhận đơn. Đồng thời, người tiếp nhận cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện.
  • Nộp đến Tòa án bằng dụng dịch vụ bưu chính của đơn vị vận chuyển. Người khởi kiện cần giữ lại biên lai xác nhận đã gửi đơn của đơn vị chuyển phát. Việc này sẽ giúp ích cho quá trình theo dõi trạng thái vận chuyển đơn. Đồng thời làm căn cứ khiếu nại trong trường hợp Tòa án chậm trễ xử lý đơn khởi kiện.
  • Gửi hồ sơ trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Tuy nhiên phương thức này hiện nay chưa được phổ biến rộng rãi. Điều kiện để người dân tiếp cận với công nghệ thông tin không nhiều. Do đó, nộp đơn khởi kiện tranh chấp đất đai bằng hình thức này vẫn không được thực hiện nhiều trên thực tế.
tranh-chap-mua-ban-can-ho

Bước 2: Nộp tạm ứng án phí, nhận thông báo thụ lý

Khi hồ sơ khởi kiện tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư được nộp đầy đủ. Người khởi kiện sẽ nhận được thông báo nộp tạm ứng án phí. Khoản tiền án phí này được nộp tại cơ quan thi hành án dân sự. Trong thời hạn 07 ngày, người khởi kiện phải nộp lại biên lai cho Tòa án. Sau khi người khởi kiện đã thực hiện nghĩa vụ tài chính ban đầu, Tòa án sẽ ra thông báo thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.

Bước 3: Tham gia giải quyết tranh chấp tại Tòa án

Tòa án sẽ tiến hành các hoạt động tố tụng cần thiết để giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Cụ thể:

  • Lấy lời khai, ý kiến của các bên tranh chấp và những người liên quan.
  • Xác minh, thu thập tài liệu cần thiết trong quá trình giải quyết tranh chấp.
  • Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Những việc làm trên nhằm mục đích làm sáng tỏ nội dung tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng, Tòa án sẽ phân tích, giải thích cho các bên hiểu thêm về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Đồng thời, tiến hành hòa giải, cố gắng để các bên đạt được thỏa thuận; hạn chế việc phải đưa vụ án ra xét xử.

Bước 4: Mở phiên Tòa xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư

Sau khi tiến hành các hoạt động tố tụng cần thiết Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử. Phán quyết cuối cùng của Tòa án được đưa ra dựa trên sự xem xét; nghiên cứu; đánh giá các tài liệu chứng cứ trong cả quá trình tố tụng. Tại đây, các bên vẫn có quyền tranh luận; đưa ra những ý kiến; tài liệu chứng cứ để bảo vệ cho quan điểm của mình.

Có thể bạn quan tâm Quy định về Phí bảo trì Căn hộ Chung cư

Hồ sơ khởi kiện giải quyết tranh chấp gồm

  • Đơn khởi kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.
  • Tài liệu người khởi kiện: Giấy tờ nhân thân (chứng minh nhân dân/căn cước công dân); sổ hộ khẩu gia đình. Nếu khởi kiện theo ủy quyền thì cung cấp tài văn bản thể hiện việc được ủy quyền. Nếu là cơ quan, tổ chức khởi kiện thì cung cấp giấy phép hoạt động của cơ quan, tổ chức đó; giấy tờ thể hiện người khởi kiện được quyền thay măt cơ quan, tổ chức đứng ra khời kiện.
  • Tài liệu người bị kiện: Giấy tờ nhân thân (chứng minh nhân dân/căn cước công dân); sổ hộ khẩu gia đình. Nếu bên bị kiện là cơ quan, tổ chức thì cung cấp giấy phép hoạt động của cơ quan, tổ chức đó.
  • Tài liệu, chứng cứ trong quá trình giao kết hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Những tài liệu này gồm: Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư; Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư; biên bản làm việc; biên lai thu/nộp tiền; hợp đồng/giấy ủy quyền;…
  • Tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết tranh chấp. Những tài liệu này có thể là: biên bản làm việc, hòa giải giữa các bên; nội dung trao đổi được thể hiện dưới dạng thư điện tử, fax; tài liệu thể hiện dưới dạng ảnh chụp;…

Cần lưu ý, trong quá trình cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án người khởi kiện không bắt buộc phải nộp toàn bộ tài liệu, chứng cứ mình đang có. Tùy thuộc vào từng thời điểm cũng như quyền lợi của bản thân mà người khởi kiện có thể cân nhắc, lựa chọn việc cung cấp tài liệu chứng cứ nào? và cung cấp vào thời điểm nào? cho hợp lý.

Có thể bạn quan tâm Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai ra sao?

Trên đây là Quy trình giải quyết khi xảy ra tranh chấp mua bán căn hộ. Trong trường hợp các bạn đang gặp phải các vấn đề pháp lý về mua bán bất động sảnhợp đồng mua bán nhà đất vui lòng liên hệ với các luật sư của LTT & Lawyers, chúng tôi sẽ liên hệ lại với Bạn ngay khi tiếp nhận thông tin.