SIẾT CHẶT CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ TRÊN NỀN TẢNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ: KHI CÁ NHÂN/HỘ KINH DOANH KHÔNG THỂ “ẨN MÌNH”

Trong vài năm trở lại đây, không khó để nhận thấy kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành lựa chọn phổ biến của hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh – từ bán quần áo, mỹ phẩm đến đồ ăn, thức uống, khóa học online… Xuất phát từ sự phát triển của công nghệ cùng với “xúc tác” từ đại dịch Covid-19 đến nay đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, dẫn đến nhu cầu về mặt bằng của người kinh doanh dần suy giảm, thay vào đó, họ lựa chọn những vị trí khuất hơn với giá rẻ, đồng thời kết hợp với kinh doanh online để tồn tại trong thời đại số. Điều này tạo nên một thị trường hàng hóa lưu thông sôi động, doanh thu có thể chạm mốc hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội cho các cá nhân/hộ kinh doanh thì sự phát triển hoạt động thương mại điện tử cũng khiến các cơ quan quản lý phải đối mặt với thách thức không nhỏ trong việc kiểm soát nguồn thu và thu thuế đúng và đủ đối với các chủ thể kinh doanh online – đặc biệt là hộ và cá nhân hoạt động độc lập, không đăng ký doanh nghiệp. 

1. Từ “vô hình” đến “hiển thị”: Khi thuế không còn là vùng xám trong mô hình kinh doanh online  

Theo Báo Công an nhân dân, trong năm 2024 vừa qua, cơ quan thuế đã làm việc với các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiktok,… để yêu cầu và hỗ trợ các sàn cung cấp lại thông tin đảm bảo đúng, đủ theo quy định. Trong đó, ngành thuế đã xử lý vi phạm đối với hơn 30 nghìn trường hợp (bao gồm doanh nghiệp và cá nhân) với số thuế truy thu và xử phạt lên đến gần 1,4 nghìn tỷ.  

Hay trong 6 tháng đầu năm 2025, số thuế truy thu cũng lên đến gần 1 nghìn tỷ khi cơ quan thuế có sự rà soát các cá nhân/hộ kinh doanh có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Có thể nói, thay vì chỉ dựa vào hình thức kê khai truyền thống, ngành thuế hiện nay đang tăng tốc kiểm tra và xử lý các cá nhân/hộ kinh doanh để “lấp đầy khoảng trống” về hành lang pháp lý trong việc trao đổi, mua bán hàng hóa trên các nền tảng, đáng chú ý là TMĐT thông qua việc:  

  • Kết nối dữ liệu từ sàn TMĐT, ngân hàng, đơn vị vận chuyển, ví điện tử; 
  • Truy vết doanh thu ảo thông qua sao kê tài khoản, mã đơn hàng, số lượt thanh toán; 
  • Yêu cầu khai báo doanh thu thực tế, từ đó đối chiếu với dữ liệu hệ thống thuế. 

Đặc biệt, việc Nhà nước quy định những cửa hàng có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm bắt buộc sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế từ ngày 01/6/2025 theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP hay ban hành Nghị định 117/2025/NĐ-CP quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của hộ, cá nhân cũng là những cách thức để Nhà nước tăng cường quản lý thuế, minh bạch hóa và giảm thiểu gian lận thuế, từ đó tạo nên môi trường kinh doanh công bằng, hợp pháp.  

2. Rủi ro khi vi phạm về thuế: Không dừng lại chỉ là phạt tiền 

Các cá nhân/hộ kinh doanh đừng tin rằng các giao dịch trực tuyến của bạn là “vô hình” trước cơ quan thuế bởi những “mẹo” như khuyến khích khách hàng khi chuyển khoản ghi nội dung là “chuyển khoản ăn sinh nhật, mua đồ dùng gia đình,…” hay thậm chí là chuyển khoản vào tài khoản của người thân trong gia đình. Bởi lẽ khi sự phát triển của công nghệ và các quy định ngày càng chặt chẽ, mọi hóa đơn đầu vào, đầu ra, dòng tiền qua tài khoản ngân hàng, các mối quan hệ trực thuộc, tần suất và khoản tiền chuyển đi/nhận về của bạn đều có thể trở thành “chứng cứ” rõ ràng để Nhà nước làm rõ sự chênh lệch giữa doanh thu thực tế và số thuế đã kê khai/thực đóng.  

Có thể nói từ trước đến nay, mặc dù hóa đơn đầu vào không được xem là mối quan tâm của HKD do HKD không được khấu trừ đầu vào nhưng thực tế thì chính các hóa đơn này cũng được xem là bằng chứng để cơ quan thuế xác định tính minh bạch của doanh thu. Hiện nay, khi có sự thắt chặt của công tác quản lý thuế thông qua việc xuất hóa đơn có nguồn gốc rõ ràng đến hệ thống quản lý, thì đồng nghĩa với việc hóa đơn đầu vào của HKD vô tình cũng nằm trong phạm vi bị kiểm tra. Khi ấy, chúng ta dễ dàng hiểu một lẽ đương nhiên là không một ai kinh danh mà doanh thu lại thấp hơn số vốn bỏ ra trong một thời gian dài, việc doanh thu đầu ra liên tục thấp hơn so với hóa đơn đầu vào cũng sẽ đặt ra một thắc mắc lớn cho cơ quan thuế. Lúc này, việc rà soát, kiểm tra và xử lý vi phạm của bạn từ cơ quan thuế chỉ là việc “sớm muộn”! Việc không tuân thủ nghĩa vụ thuế không chỉ khiến cá nhân/tổ chức kinh doanh online đối mặt với: 

  • Việc có thể bị truy thu thuế cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm (Điều 6) 
  • Phạt chậm nộp, phạt do kê khai sai hay phạt hành vi trốn thuế (Điều 12, Điều 42, Điều 17) 

(Nghị định 125/2020/NĐ-CP) 

Trong trường hợp cá nhân/hộ kinh doanh cố tình trốn thuế và hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tiền cao nhất lên đến hàng tỷ đồng và mức phạt tù cao nhất lên đến 07 năm.  

Quan trọng hơn hết, việc bị xử phạt có thể làm cá nhân/hộ kinh doanh online mất uy tín, ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng và hợp tác với sàn TMĐT, đối tác, ngân hàng. 

3. Cơ hội hợp tác – Trách nhiệm song hành  

Thực tế, cơ quan thuế đặt ra các quy định về kê khai, nộp thuế không phải với mục tiêu “bắt phạt” người kinh doanh bằng mọi giá, mà hướng đến xây dựng thói quen tuân thủ pháp luật về thuế trong cộng đồng kinh doanh, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số phát triển mạnh.  

Nghị định 117/2025/NĐ-CP đã thể hiện sự tiến bộ và cởi mở của ngành thuế trong việc tạo điều kiện để cá nhân và hộ kinh doanh cùng hướng đến sự phát triển bền vững, hợp pháp. Cụ thể theo Điều 11 Nghị định 117/2025/NĐ-CP quy định rõ trách nhiệm của hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, thông qua việc:  

  • Kê khai minh bạch, nộp thuế và các khoản thu khác phải nộp ngân sách nhà nước theo đúng quy định; 
  • Cung cấp đầy đủ thông tin mã số thuế hoặc số định danh cá nhân (đối với công dân Việt Nam); số hộ chiếu hoặc thông tin định danh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp (đối với công dân nước ngoài) và các thông tin bắt buộc đối với người bán theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử cho tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử; 
  • Cung cấp chính xác và kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuộc đối tượng khấu trừ, nộp thuế thay và chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế; 
  • Hộ, cá nhân đã được tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử khấu trừ, kê khai, nộp thay số thuế giá trị gia tăng, số thuế thu nhập cá nhân thì không phải khai, nộp thuế trên đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử đã khấu trừ, nộp thuế thay. 

Bên cạnh đó, các cá nhân, hộ kinh doanh nên chú trọng đến việc tham gia các khóa đào tạo về thuế, chủ động liên hệ với cơ quan thuế để được cập nhật quy định pháp luật mới nhất hay hợp tác với đơn vị có chuyên môn để được hỗ trợ tham vấn, kiểm tra, rà soát và soạn thảo hồ sơ liên quan đến thuế.  

Nếu cá nhân, hộ kinh doanh đang kinh doanh online có suy nghĩ rằng “Bản thân chỉ buôn bán nhỏ lẻ, không ai để ý” hay “Việc rà soát, kiểm tra thuế chắc chỉ áp dụng cho công ty lớn” thì đó là một sai lầm tai hại! Thực tế, làn sóng siết chặt quản lý thuế với cá nhân, hộ kinh doanh online đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh Nhà nước đẩy mạnh chuyển đổi số và minh bạch hóa dữ liệu. Khi pháp luật đang dần có sự soi chiếu đến từng ngóc ngách của nền tảng online, sẽ mang đến một thị trường kinh doanh minh bạch hơn – nhưng cũng là thách thức cho những ai còn mơ hồ về nghĩa vụ tài chính của mình. Do đó, mỗi cá nhân/hộ kinh doanh đang hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, chấp hành việc đăng ký, khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật! Sự minh bạch không chỉ giúp cá nhân, hộ kinh doanh tránh được những rủi ro pháp lý trong tương lai mà còn là nền tảng vững chắc để xây dựng một thương hiệu uy tín, bền vững trong kỷ nguyên số. 

Để nhận tư vấn chi tiết về nội dung này, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:

Hotline: 028.6270.7278
Email: csbd@lttlawyers.com

TRỤ SỞ CHÍNH (+84) 28 6270 7278 – Lầu 3, 185 Đường Cô Bắc, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
VĂN PHÒNG HÀ NỘI (+84) 24 7300 1255 – Phòng 637, Tầng 6, Tòa nhà CIC, Số 2 Ngõ 219 Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
VĂN PHÒNG ĐÀ NẴNG (+84) 905 783 785 – 02 Đường Đoàn Nhữ Hài, Phường Hòa Khê, Quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng.
s