tai-san-the-chap

Tài sản thế chấp bị tịch thu do vi phạm pháp luật thì có phải bồi thường với ngân hàng? chế tài ra sao?

Trường hợp tài sản thế chấp là tài sản do hành vi phạm tội mà có:

Nếu tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật thì hợp đồng thế chấp chấm dứt theo quy định tại Điều 375 Bộ Luật dân sự 2015. Bên thế chấp không phải chịu bồi thường thiệt hại và rủi ro sẽ thuộc về bên ngân hàng. Quyết định tịch thu hồi tài sản được ban hành sau khi ngân hàng và bên thế chấp ký kết hợp đồng thế chấp. Phía ngân hàng đã có lỗi không xác minh, thẩm tra kỹ lưỡng tình trạng pháp lý của tài sản khi các bên thỏa thuận thế chấp tài sản, vì thế ngân hàng sẽ là bên chịu mọi rủi ro. Hợp đồng vay giữa ngân hàng và bên vay sẽ trở thành hợp đồng vay không có bảo đảm, trừ trường hợp các bên thỏa thuận thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác. Bên vay vẫn phải thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ của hợp đồng vay đã ký kết với ngân hàng theo đúng thỏa thuận.

Trường hợp tài sản đang thế chấp được sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội:

Bộ luật TTHS quy định việc xử lý vật chứng được thực hiện như sau:

– Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;

– Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy (Khoản 2 Điều 106 Bộ luật TTHS).

Ngoài ra, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền cũng có thể:

i) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; 

ii) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án; 

iii) Nếu vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật, trường hợp không được bán thì tiêu huỷ; 

iv) Nếu vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 106 Bộ luật TTHS).

Bộ luật TTHS cũng hướng dẫn trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì tranh chấp này được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Như vậy, khi thu được vật chứng là tài sản nói chung, tuỳ vào từng giai đoạn cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ xử lý vật chứng theo nguyên tắc chung là tịch thu nộp ngân sách nhà nước, tịch thu tiêu huỷ, trả lại cho chủ sở hữu/người quản lý hợp pháp, bán hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành xử lý. Tuy nhiên, trong trường hợp vật chứng thu được là tài sản thì hiện nay pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể về phương án xử lý.

tai-san-the-chap

Xử lý vật chứng là tài sản

Theo tinh thần của BLDS hiện hành, các bên trong giao dịch dân sự có thể áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là thế chấp tài sản. Tức là, bên thế chấp dùng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận thế chấp và không phải chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp. Nói cách khác, khi áp dụng biện pháp bảo đảm này, bên thế chấp không cần giao tài sản cho bên nhận thế chấp giữ, nếu không có thoả thuận khác thì bên thế chấp vẫn sử dụng tài sản bảo đảm bình thường, có thể thu các hoa lợi, lợi tức phát sinh từ việc sử dụng tài sản đã dùng để thế chấp.

Điều 318 BLDS quy định, tài sản có thể là bất động sản hoặc động sản. Nếu tài sản có liên quan đến vụ án hình sự thì tài sản này sẽ bị xử lý theo quy định.

Để phù hợp với tinh thần của Bộ luật TTHS, hiện nay chưa có văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết về việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản. Trước đây, khi Bộ luật TTHS năm 1988 còn hiệu lực, liên ngành Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP ngày 24/10/1998 hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Theo đó, đối với vật chứng là kho tàng, nhà xưởng, khách sạn, nhà, đất, cũng như các phương tiện sản xuất, kinh doanh khác mà trước đó bị can, bị cáo đã thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán, thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án xử lý như sau:

            Trường hợp thứ nhất, vật chứng là tài sản được thế chấp hợp pháp cho một hoặc nhiều bên mà hợp đồng thế chấp tài sản vẫn còn thời hạn, thì tuỳ trường hợp cụ thể, cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao cho một hoặc nhiều bên đang giữ tài sản (người có thế chấp tài sản, người nhận thế chấp hoặc người thứ ba giữ thế chấp tài sản) tiếp tục khai thác, sử dụng tài sản đó.

Trong trường hợp, bên đang giữ tài sản là người có thế chấp tài sản hoặc người nhận thế chấp không có điều kiện khai thác, sử dụng, thì họ được tìm đối tác để khai thác, sử dụng. Cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao cho đối tác đó khai thác, sử dụng tài sản sau khi có thoả thuận bằng văn bản giữa người có tài sản hoặc người nhận thế chấp và đối tác nhận khai thác, sử dụng tài sản. Nếu người đang giữ tài sản là người thứ ba và họ không có điều kiện khai thác, sử dụng, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể theo thoả thuận trong hợp đồng thế chấp tài sản, người đó phải trả lại tài sản cho bên có tài sản hoặc bên nhận thế chấp để những người này tìm đối tác khai thác, sử dụng. Trong trường hợp, họ không tìm được đối tác thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao tài sản cho tổ chức hoặc cá nhân có điều kiện khai thác, sử dụng trên cơ sở thoả thuận bằng văn bản giữa cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án và tổ chức, cá nhân nhận khai thác, sử dụng tài sản.

Trong trường hợp, hợp đồng thế chấp hợp pháp đã hết thời hạn mà bên thế chấp tài sản không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, thế chấp tài sản được giao cho bên nhận thế chấp khai thác, sử dụng hoặc xử lý để thu hồi vốn và lãi sau khi đã lập đầy đủ hồ sơ bảo đảm giá trị chứng minh của tài sản là vật chứng. Phương thức xử lý do các bên trong hợp đồng thế chấp thoả thuận; nếu không thoả thuận được, thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bán đấu giá tài sản, cầm cố để thanh toán nợ.

Hoa lợi, lợi tức thu được từ việc khai thác, sử dụng tài sản và số tiền thu được từ việc xử lý tài sản được dùng để thanh toán nợ cho bên nhận thế chấp, sau khi đã trừ các chi phí thực tế hợp lý cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng tài sản và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Người khai thác, sử dụng phải lập sổ hạch toán, theo dõi riêng để phục vụ cho việc thi hành bản án, quyết định của Toà án sau này. Nếu Toà án quyết định bên nhận thế chấp không được quyền thanh toán như trên, thì hoa lợi, lợi tức hoặc số tiền thu được từ việc xử lý tài sản phải trả lại cho người có quyền nhận hoa lợi, lợi tức hoặc số tiền đó, sau khi trừ các chi phí hợp lý cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng và chi phí việc xử lý tài sản và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Trường hợp thứ haihợp đồng thế chấp không hợp pháp, thì trong thời gian chưa có tuyên bố hợp đồng đó bị vô hiệu của Toà án, cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án tạm giao tài sản cho bên đang giữ tài sản tiếp tục khai thác, sử dụng. Trong trường hợp, người đang giữ tài sản là bên có tài sản hoặc bên nhận thế chấp không có điều kiện khai thác, sử dụng, nhưng họ tìm được đối tác để khai thác, sử dụng, thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao cho đối tác đó khai thác, sử dụng tài sản sau khi có thoả thuận bằng văn bản giữa người có tài sản hoặc người nhận  thế chấp và đối tác nhận khai thác, sử dụng tài sản. Nếu người đang giữ tài sản là người thứ ba và họ không có điều kiện khai thác, sử dụng, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể theo thoả thuận trong hợp đồng thế chấp tài sản, người đó phải trả lại tài sản cho bên có tài sản hoặc bên nhận thế chấp để những người này tìm đối tác khai thác, sử dụng. Trong trường hợp, họ không tìm được đối tác khai thác, sử dụng, thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao tài sản cho tổ chức, cá nhân có điều kiện khai thác, sử dụng trên cơ sở thoả thuận bằng văn bản giữa cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án và tổ chức, cá nhân nhận khai thác, sử dụng tài sản.

Người khai thác, sử dụng tài sản có trách nhiệm bảo quản, khai thác, sử dụng và không được làm mất mát, hư hỏng, không được phát mại, chuyển quyền sở hữu cho đến khi có bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Hoa lợi, lợi tức thu được tạm thời giao cho người đang giữ tài sản hoặc người khai thác, sử dụng quản lý cho đến khi có bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, sau khi đã trừ các chi phí thực tế hợp lý cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng tài sản và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Trường hợp thứ ba, tài sản là vật chứng được dùng để thế chấp cho nhiều bên, trong đó có bên hợp pháp và có bên không hợp pháp, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án chỉ cho phép bên có tài sản, bên nhận thế chấp hợp pháp hoặc người thứ ba đang giữ tài sản của họ nhận khai thác, sử dụng. Trong trường hợp này, tài sản được giao để bảo quản, sử dụng, khai thác không được xử lý để thu hồi vốn trước khi kết thúc vụ án.

Hoa lợi, lợi tức thu được được tạm thời dùng để thanh toán nợ cho bên nhận thế chấp hợp pháp cho đến khi có quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Toà án, sau khi đã trừ các chi phí thực tế hợp lý cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng tài sản và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 38 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành các điều, khoản, điểm được giao quy định chi tiết thi hành văn bản đó đồng thời hết hiệu lực”. Đồng thời, Mục 10 Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 09/5/2016 của Chính phủ cũng hướng dẫn: “Đối với các văn bản quy định chi tiết của các luật, pháp lệnh đã hết hiệu lực nhưng chưa ban hành kịp thời văn bản thay thế, Chính phủ thống nhất tiếp tục áp dụng nếu không trái với tinh thần của luật, pháp lệnh mới được ban hành…”. Vì vậy, mặc dù Bộ luật TTHS năm 1988 đã hết hiệu lực nhưng liên ngành Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp chưa ban hành Thông tư liên tịch mới thay thế cho Thông tư liên tịch số 06/1998, đồng thời những nội dung được hướng dẫn trước đây vẫn có những điểm còn phù hợp với tinh thần của Bộ luật TTHS nên có thể sử dụng Thông tư liên tịch số 06/1998, làm cơ sở hướng dẫn xử lý vật chứng là tài sản trong vụ án hình sự.