TẠI SAO PHẢI KIỂM TRA NĂNG LỰC THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG CỦA ĐỐI TÁC?
KIỂM TRA NĂNG LỰC THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG CỦA ĐỐI TÁC: Doanh nghiệp trong quá trình hoạt động luôn có nhu cầu hợp tác, kinh doanh với những doanh nghiệp khác. Việc lựa chọn đối tác có vai trò vô cùng quan trọng, đối tác phù hợp với nhu cầu hợp tác, kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện hoạt động một cách hiệu quả, nhanh chóng. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường luôn có những điều kiện thuận lợi để phát triển thì đối tác tiềm năng trên thị trường cũng ngày càng gia tăng. Điều này dẫn đến việc lựa chọn đối tác của các doanh nghiệp trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thường có nhu cầu hợp tác lâu dài với các đối tác để việc kinh doanh sản xuất được nhanh chóng, thuận lợi và giảm thiểu những hạn chế xảy ra khi không nắm bắt cụ thể các thông tin của đối tác mới. Vậy làm thế nào để đánh giá hay kiểm tra năng lực thực hiện hợp đồng của một đối tác?
Thứ nhất, doanh nghiệp cần thu hẹp phạm vi tìm kiếm đối tác trên thị trường. Có rất nhiều doanh nghiệp phát triển mạnh trên thị trường và mỗi doanh nghiệp sẽ hoạt động theo một lĩnh vực cụ thể. Việc lựa chọn đối tác cần có sự chọn lọc dựa trên những tiêu chí mà doanh nghiệp đưa ra nhằm phù hợp với nhu cầu thực hiện hợp đồng và lĩnh vực hoạt động doanh nghiệp. Việc lựa chọn đối tác mà không có những tiêu chí cụ thể có thể dẫn đến sự quá tải khi số lượng đối tác có thể tham gia giao kết hợp đồng quá nhiều mà doanh nghiệp lại không thể tìm hiểu, nắm bắt hết thông tin của từng doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần đặt ra những tiêu chí cụ thể về nhu cầu tìm kiếm đối tác của mình và lựa chọn một cách chọn lọc để tiết kiệm thời gian và gia tăng tính hiệu quả.
Thứ hai, doanh nghiệp cần nắm rõ các thông tin cơ bản về đối tác thông qua việc xác minh, tìm hiểu đối tác đó. Theo đó, với những đối tác là doanh nghiệp thì cần phải xác minh về địa vị pháp lý, năng lực tài chính, thông tin về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, trụ sở, chi nhánh, các đặc điểm về khoa học công nghệ, uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động của đối tác cũng như trong phạm vi thực hiện hợp đồng và nắm được các ưu điểm, nhược điểm khác của đối tác. Đối với đối tác là cá nhân thì doanh nghiệp cũng cần nắm rõ những thông tin cơ bản về cá nhân đó như tên, địa chỉ, kinh nghiệm và các bằng cấp chứng chỉ có liên quan. Đây là yêu cầu thiết yếu khi doanh nghiệp tìm kiếm đối tác đặc biệt là khi giao kết các hợp đồng có giá trị lớn nhằm nhằm tránh lãng phí thời gian, lừa đảo, kém hiệu quả,… Đồng thời, đây cũng là biện pháp nhằm củng cố lòng tin giữa các đối tác thật sự mong muốn hợp tác lâu dài, cùng có lợi và kịp thời có biện pháp xử lý khi đối tác có hành vi vi phạm hợp đồng, gây ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp.
Thứ ba, bên cạnh việc tự xác minh đối tác thì doanh nghiệp có thể yêu cầu hỗ trợ từ các cơ quan như Phòng Thương mại và Công nghiệp, Ngân hàng và một số cơ quan chức năng nhà nước. Khi yêu cầu sự hỗ trợ từ các cơ quan khác thì doanh nghiệp cần cung cấp các nội các nội dung cơ bản như tên, địa chỉ doanh nghiệp, một số thông tin đã biết về doanh nghiệp và các yêu cầu thẩm định cụ thể khác. Các thông tin về đối tác cần đảm bảo tính khách quan, có căn cứ cụ thể, tránh suy luận chủ quan. Thông tin về đối tác cần được so sánh và kiểm chứng ít nhất từ hai nguồn tin khác nhau. Và nhất là đối với các hợp đồng lớn, thông tin về đối tác cần được kiểm chứng bằng phương thức thực địa.
Như vậy, việc kiểm tra năng lực thực hiện hợp đồng của đối tác là nhu cầu cần thiết nhằm đảm bảo đối tác phù hợp với các tiêu chi khi giao kết hợp đồng của doanh nghiệp, đảm bảo việc giao kết và thực hiện hợp đồng hiệu quả, thuận lợi, gắn liền với lợi ích các bên.