giay-chung-nhan-dau-tu

Thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư

Quy trình xin cấp giấy chứng nhận đầu tư thuộc chủ trương đầu tư:

1. Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện theo trình tự sau:

– Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2020 (bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021) cho Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi dự định thực hiện dự án đầu tư.

– Bước 2: Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan đến những nội dung quy định tại khoản 3 Điều 30 Nghị định 118/2015/NĐ-CP.

– Bước 3: Cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định những nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình và gửi cơ quan đăng ký đầu tư.

+ Cơ quan quản lý về đất đai chịu trách nhiệm cung cấp trích lục bản đồ; cơ quan quản lý về quy hoạch cung cấp thông tin quy hoạch để làm cơ sở thẩm định trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Cơ quan đăng ký đầu tư.

– Bước 4: Sở Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Nội dung báo cáo thẩm định gồm:

+ Thông tin về dự án: thông tin về nhà đầu tư, mục tiêu, quy mô, địa điểm, tiến độ thực hiện dự án;

+ Đánh giá việc đáp ứng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (đối với dự án có mục tiêu thuộc ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài);

+ Đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch sử dụng đất; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;

+ Đánh giá về ưu đãi đầu tư và điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư (đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư);

+ Đối với dự án đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất: thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

+ Đối với dự án không đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất: đánh giá căn cứ pháp lý về quyền sử dụng địa điểm đầu tư của nhà đầu tư (đánh giá nhà đầu tư có được sử dụng địa điểm đầu tư theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật đất đai hay không).

+ Đánh giá về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 của Luật đầu tư.

– Bước 5: Khi nhận được hồ sơ và báo cáo thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Quyết định chủ trương đầu tư gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư và nhà đầu tư.

* Đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Đầu tư phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện ngoài KCN, KCX, KCNC, KKT thì khi lấy ý kiến thẩm định theo Bước 2, ngoài việc lấy ý kiến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 3 Điều 30 Nghị định 118/2015/NĐ-CP, Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tại Bước 5, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh Quyết định chủ trương đầu tư khi nhận được báo cáo thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Các bước và nội dung khác thực hiện theo thủ tục chung.

– Bước 6: Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư khi nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.

2. Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện theo trình tự sau:

– Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2020 (bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021) cho Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi dự định thực hiện dự án đầu tư.

– Bước 2: Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi 02 bộ hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thời gửi hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến dự án đầu tư để lấy ý kiến về các nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 30 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.

– Bước 3: Các cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về những nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

– Bước 4: Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, có ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các nội dung: (i) Nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (đối với dự án được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất); (ii) Phương án giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư (nếu có) đối với dự án đầu tư đề nghị giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; (iii) Các nội dung khác thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nếu có).

– Bước 5: Khi nhận được ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm định gồm:

+ Thông tin về dự án: thông tin về nhà đầu tư, mục tiêu, quy mô, địa điểm, tiến độ thực hiện dự án;

+ Đánh giá việc đáp ứng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (đối với dự án có mục tiêu thuộc ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài);

+ Đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch sử dụng đất; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;

+ Đánh giá về ưu đãi đầu tư và điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư (đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư);

+ Đối với dự án đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất: thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

+ Đối với dự án không đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất: đánh giá căn cứ pháp lý về quyền sử dụng địa điểm đầu tư của nhà đầu tư (đánh giá nhà đầu tư có được sử dụng địa điểm đầu tư theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật đất đai hay không).

+ Đánh giá về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 của Luật đầu tư.

– Bước 6: Khi nhận được báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư (gồm các nội dung quy định tại Khoản 8 Điều 33 Luật Đầu tư). Văn bản quyết định chủ trương đầu tư được gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và nhà đầu tư.

– Bước 7: Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư khi nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.

giay-chung-nhan-dau-tu

3. Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, thực hiện theo trình tự sau:

– Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án đầu tư cho Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi thực hiện dự án đầu tư.

– Bước 2: Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ dự án đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước.

– Bước 3: Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thẩm định hồ sơ dự án đầu tư và lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung quy định tại khoản 6 Điều 33 của Luật Đầu tư và lập báo cáo thẩm định trình Chính phủ.

– Bước 4: Chính phủ gửi Hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội. Hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư gồm: Tờ trình của Chính phủ; Hồ sơ dự án đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật đầu tư; Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước; Tài liệu khác có liên quan.

– Bước 5: Cơ quan được Quốc hội giao chủ trì thẩm tra thực hiện thẩm tra các nội dung: Việc đáp ứng tiêu chí xác định dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; Sự cần thiết thực hiện dự án; Sự phù hợp của dự án với chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch sử dụng đất, tài nguyên khác; Mục tiêu, quy mô, địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện dự án, nhu cầu sử dụng đất, phương án giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư, phương án lựa chọn công nghệ chính, giải pháp bảo vệ môi trường; Vốn đầu tư, phương án huy động vốn; Tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội; Cơ chế, chính sách đặc thù; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng (nếu có).

– Bước 6: Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư gồm các nội dung: Nhà đầu tư thực hiện dự án; Tên, mục tiêu, quy mô, vốn đầu tư của dự án, tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn, thời hạn thực hiện dự án; Địa điểm thực hiện dự án đầu tư; Tiến độ thực hiện dự án đầu tư: tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động (nếu có); tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động, hạng mục chủ yếu của dự án; trường hợp dự án thực hiện theo từng giai đoạn, phải quy định mục tiêu, thời hạn, nội dung hoạt động của từng giai đoạn; Công nghệ áp dụng; Cơ chế, chính sách đặc thù; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng (nếu có) và thời hạn hiệu lực của Nghị quyết về chủ trương đầu tư.

– Bước 7: Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư khi nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.

4. Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội

– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;

– Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;

– Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;

– Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

– Đề xuất nhu cầu sử dụng đất đối với dự án đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

Trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nhà đầu tư nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

– Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 của Luật Đầu tư gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính;

– Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;

– Phương án giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư (nếu có);

– Đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường;

– Đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;

– Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù (nếu có).

5. Cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư

Bước 1: Nộp hồ sơ

Nhà đầu tư chuẩn bị và nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư có thể là Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành; hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Bước 2: Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ

Cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ cho Nhà đầu tư; nếu thành phần hồ sơ chưa đầy đủ thì chuyên viên tiếp nhận/hướng dẫn giải thích để nhà đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Bước 3: Thẩm định và phê duyệt hồ sơ

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện sau:

  • Mục tiêu của dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;
  • Dự án đầu tư đáp ứng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định (nếu có).

Bước 4: Nhận kết quả giải quyết

Nhà đầu tư căn cứ vào ngày hẹn trên Giấy tiếp nhận hồ sơ đến nhận kết quả giải quyết tại Cơ quan đăng ký đầu tư.