Thủ Tục Xin Visa Diện Lao Động Cho Người Nước Ngoài

Hiện nay, nhu cầu làm việc của người nước ngoài tại Việt Nam ngày càng tăng. Theo quy định pháp luật hiện hành, để làm việc tại Việt Nam thì người nước ngoài cần  phải có Visa theo diện phù hợp (như Visa lao động – LĐ). Vậy có bao nhiêu loại visa và thủ tục xin visa lao động như thế nào? Làm sao để xin visa lao động? Khi nào cần visa? Khi nào visa hết hạn? Trong bài viết sau đây sẽ đề cập đến visa lao động như sau:

Thủ tục xin visa diện lao động cho người nước ngoài

Tổng quan về Visa

Visa (hay tên gọi chính thức là Thị thực) là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Thông thường khi có Visa của một quốc gia, người nước ngoài sẽ có đủ điều kiện cơ bản để nhập cảnh vào quốc gia cấp Visa đó.

xin-visa-lao-dong

Các điều kiện sau để được cấp thị thực:

Theo quy định hiện hành, có các điều kiện để được cấp thị thực cho người nước ngoài như sau:

  1. Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
  2. Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ trường hợp quy định.
  3. Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh theo quy định.

Các trường hợp đề nghị cấp thị thực phải có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh:

  1. Người nước ngoài vào đầu tư phải có giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật đầu tư;
  2. Người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam phải có giấy phép hành nghề theo quy định của Luật luật sư;
  3. Người nước ngoài vào lao động phải có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật lao động;
  4. Người nước ngoài vào học tập phải có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam.

Quy định chung về giá trị sử dụng và hình thức sử dụng của Visa

Thứ nhất, Visa có giá trị một lần hoặc nhiều lần và không được chuyển đổi mục đích. Chẳng hạn Visa theo diện Đầu Tư – ĐT thì chỉ được cấp cho cá nhân khi đầu tư vào Việt Nam theo quy định.

Thứ hai, Thị thực được cấp riêng cho từng người, trừ trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi được cấp chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ

Thứ ba, Thị thực được cấp vào hộ chiếu hoặc cấp rời.

Các loại Visa tại Việt Nam cấp cho người nước ngoài

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, có tổng cộng 20 loại Visa cấp cho người nước ngoài như sau:

  • NG1 – Cấp cho thành viên đoàn khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
  • NG2 – Cấp cho thành viên đoàn khách mời của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; thành viên đoàn khách mời cùng cấp của Bộ trưởng và tương đương, Bí thư tỉnh ủy, Bí thư thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
  • NG3 – Cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ.
  • NG4 – Cấp cho người vào làm việc với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ; người vào thăm thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ.
  • LV1 – Cấp cho người vào làm việc với các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
  • LV2 – Cấp cho người vào làm việc với các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
  • ĐT – Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.
  • DN – Cấp cho người vào làm việc với doanh nghiệp tại Việt Nam.
  • NN1 – Cấp cho người là Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
  • NN2 – Cấp cho người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa, tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam.
  • NN3 – Cấp cho người vào làm việc với tổ chức phi chính phủ nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam.
  • DH – Cấp cho người vào thực tập, học tập.
  • HN – Cấp cho người vào dự hội nghị, hội thảo.
  • PV1 – Cấp cho phóng viên, báo chí thường trú tại Việt Nam.
  • PV2 – Cấp cho phóng viên, báo chí vào hoạt động ngắn hạn tại Việt Nam.
  • LĐ – Cấp cho người vào lao động.
  • DL – Cấp cho người vào du lịch.
  • TT – Cấp cho người nước ngoài là vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của người nước ngoài được cấp thị thực ký hiệu LV1, LV2, ĐT, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ hoặc người nước ngoài là cha, mẹ, vợ, chồng, con của công dân Việt Nam.
  • VR – Cấp cho người vào thăm người thân hoặc với mục đích khác.
  • SQ – Cấp cho các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật này.

Tùy từng trường hợp, người nước ngoài có thể xin cấp Thị thực tương ứng với điều kiện, mục đích vào Việt Nam. Đây cũng là điều kiện cho một số trường hợp xin cấp thẻ thường trú, thẻ tạm trú với ký hiệu tương ứng với Thị thực tại Việt Nam.

Trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ giới thiệu về một loại Visa rất phổ biến cho người nước ngoài đến Việt Nam là Visa Lao động:

Thụ tục xin cấp Visa lao động tại Việt Nam

Để được cấp Visa theo diện Lao động, người nước ngoài cần thực hiện các thủ tục, chuẩn bị các tài liệu sau:

Bước 1: Xin cấp Giấy phép lao động (Work permit)

Trong trường hợp người nước ngoài muốn xin visa diện lao động (Visa cấp cho những người đi làm), người nước ngoài phải có Giấy phép lao động trước. Công việc này không phải do người nước ngoài trực tiếp thực hiện mà do chính công ty tuyển dụng người nước ngoài tại Việt Nam.

Ở bước này, công ty cần chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép lao động theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Bước 2: Nộp hồ sơ xin cấp Thị thực lao động – LĐ

Sau khi được cấp Giấy phép lao động, công ty tuyển dụng người nước ngoài tại Việt Nam phải gửi văn bản thông báo cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh kèm theo hồ sơ.

Kế tiếp, công ty này sẽ trực tiếp gửi văn bản đề nghị cấp thị thực tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại Việt Nam.

Bước 3: Nhận Thị thực lao dộng – LĐ

Sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, công ty mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam cần thông báo cho người nước ngoài để làm thủ tục nhận thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có thể được dán thị thực tại các cửa khẩu/sân bay quốc tế của Việt nam.

——————————

[LTT & LAWYERS:] Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.

Mọi vướng mắt pháp lý liên quan đến thủ tục xin visa xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi:

☎️ Công ty Luật TNHH LTT Và Các Cộng Sự
– E-mail: info@lttlawyers.com
– Phone: (+84) 906 122 830
– Website: www.lttlawyers.com
– Trụ sở chính: Lầu 3 Số 185 Cô Bắc – Phường Cô Giang – Quận 1 – TP. Hồ Chí Minh.