TỰ CÔNG BỐ SẢN PHẨM – LIỆU DOANH NGHIỆP ĐÃ THỰC HIỆN ĐÚNG LUẬT

Những tháng đầu năm 2025, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái tiếp tục diễn biến phức tạp. Thống kê cho thấy, cả nước đã ghi nhận hơn 8.200 vụ vi phạm liên quan đến hàng cấm, hàng lậu và hơn 1.100 vụ hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trước thực trạng này, Chính phủ đã phát động đợt cao điểm truy quét buôn lậu, hàng giả, hàng nhái trên toàn quốc từ ngày 15/5 đến 15/6/2025. Cùng với đó, dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sửa đổi cũng đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Theo đó, phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa được chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, khuyến khích doanh nghiệp chủ động tự công bố tiêu chuẩn hợp quy và tiêu chuẩn áp dụng dựa trên mức độ rủi ro của sản phẩm.
Trong bối cảnh pháp lý mới này, câu hỏi đặt ra là: Liệu các doanh nghiệp đã thực sự nắm rõ và tuân thủ đúng quy định pháp luật khi tự công bố sản phẩm? Việc tự công bố liệu có đơn giản không? Bài viết dưới đây sẽ giúp Quý doanh nghiệp hiểu rõ khái niệm, đối tượng áp dụng, thực trạng triển khai tự công bố hiện nay, cũng như những giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo tuân thủ đúng luật và bảo vệ uy tín thương hiệu.
1. Tự công bố sản phẩm là gì?
Tự công bố sản phẩm là hình thức doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tự công khai thông tin về chất lượng và an toàn của sản phẩm thực phẩm trước khi đưa ra thị trường, theo đúng quy chuẩn và quy định pháp luật. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin sản phẩm đã công bố.
2. Sản phẩm nào cần Tự công bố hoặc phải Đăng ký bản công bố?
Theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì tự công bố sản phẩm và đăng ký bản công bố sản phẩm là hai thủ tục khác nhau:
a. Tự công bố sản phẩm:
Thủ tục tự công bố sản phẩm áp dụng cho các sản phẩm thông thường không thuộc nhóm có nguy cơ cao, như:
- Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn;
- Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm;
- Dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Miễn thủ tục tự công bố sản phẩm đối với các sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu:
- Chỉ dùng cho việc sản xuất, gia công hàng xuất khẩu;
- Dùng để phục vụ sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân mà không nhằm mục đích tiêu thụ trong nước.
b. Đăng ký bản công bố sản phẩm:
Thủ tục đăng ký công bố sản phẩm áp dụng cho sản phẩm thuộc nhóm có nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như:
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt
- Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi
- Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục được phép sử dụng hoặc sử dụng không đúng đối tượng theo quy định của Bộ Y tế.
3. Thực trạng hiện nay: Doanh nghiệp “lúng túng” dễ mắc sai phạm
Mặc dù cơ chế tự công bố sản phẩm được thiết kế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc xác định sản phẩm của mình thuộc diện tự công bố hay đăng ký công bố. Một số sai phạm thường gặp bao gồm:
- Không thực hiện tự công bố trước khi lưu thông sản phẩm
- Do chuyển sang cơ chế hậu kiểm, nên một số doanh nghiệp cho rằng việc tự công bố chỉ là hình thức, không kiểm tra ngay nên chủ quan, đăng ký đối phó hoặc không thực hiện. Khi bị thanh tra, kiểm tra đột xuất thì mới phát hiện vi phạm và bị xử phạt hành chính, thậm chí thu hồi sản phẩm.
- Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, hoặc các cơ sở sản xuất tại địa phương chưa tiếp cận đầy đủ thông tin pháp lý nên còn chủ quan hoặc bỏ qua thủ tục này.
- Nhiều doanh nghiệp thực hiện tự công bố nhưng sử dụng sai mẫu hoặc kê khai nội dung không đúng quy định do chưa nắm rõ các yêu cầu pháp lý. Một số trường hợp phổ biến là bản tự công bố thiếu thông tin, không đầy đủ hoặc không đúng biểu mẫu theo quy định hiện hành. Ngoài ra, doanh nghiệp còn sử dụng phiếu kết quả kiểm nghiệm không hợp lệ – ví dụ như phiếu đã hết hiệu lực (quá 12 tháng), không kiểm đủ các chỉ tiêu bắt buộc hoặc được cấp bởi phòng kiểm nghiệm không đủ năng lực.
- Không lưu trữ hồ sơ đầy đủ: Theo quy định, hồ sơ tự công bố phải được lưu giữ trong suốt quá trình sản phẩm lưu hành và ít nhất 10 năm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn vi phạm như: không lập hồ sơ đúng mẫu, không lưu bản gốc hoặc bản sao kết quả kiểm nghiệm, nhãn sản phẩm… Khi bị hậu kiểm, không chứng minh được tính hợp pháp của bản tự công bố.
- Không gửi hoặc gửi sai nơi tiếp nhận: Nhiều doanh nghiệp không gửi bản tự công bố đến đúng cơ quan quản lý tại nơi đặt trụ sở chính, khiến hồ sơ không được ghi nhận hợp pháp.
- Một sai phạm khác là doanh nghiệp tự công bố đối với các sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố với cơ quan nhà nước, ví dụ như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm có công dụng mới.
- Không cập nhật hoặc bổ sung hồ sơ khi có thay đổi về sản phẩm như thành phần, bao bì hoặc thông tin liên quan đến doanh nghiệp.
Việc không tuân thủ quy định về tự công bố sản phẩm thực phẩm có thể khiến doanh nghiệp đối mặt với các hình thức xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu và quyền lợi của người tiêu dùng.
4. Giải pháp nào cho doanh nghiệp?
Để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và tránh các vi phạm đáng tiếc, doanh nghiệp cần:
- Nắm rõ quy định pháp luật: Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các quy định tại Luật an toàn thực phẩm, Nghị định 15/2018/NĐ-CP và các văn bản liên quan để xác định đúng loại sản phẩm và thủ tục công bố tương ứng. Đồng thời theo dõi diễn biến dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sắp ban hành trong thời gian tới.
- Thực hiện đúng thủ tục tự công bố: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ tự công bố, bao gồm bản tự công bố sản phẩm, nhãn sản phẩm, kết quả kiểm nghiệm sản phẩm trong vòng 12 tháng.
- Lưu giữ hồ sơ và gửi đến cơ quan quản lý: Lưu giữ hồ sơ tự công bố tại trụ sở chính và gửi bản tự công bố đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
- Thường xuyên cập nhật thông tin: Theo dõi các thay đổi trong quy định pháp luật để kịp thời điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh cho phù hợp.
- Tư vấn pháp lý chuyên nghiệp: Hợp tác với đơn vị tư vấn pháp lý uy tín, giúp doanh nghiệp đảm bảo thực hiện đúng và đủ các thủ tục tự công bố sản phẩm theo quy định, mà còn tiết kiệm thời gian, chi phí và hạn chế tối đa rủi ro pháp lý. Đây là giải pháp an toàn, hiệu quả để doanh nghiệp yên tâm tập trung phát triển sản phẩm và mở rộng kinh doanh.
Như vậy, việc thực hiện đầy đủ và đúng quy định về tự công bố sản phẩm không chỉ giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro pháp lý và xử phạt, mà còn là cách khẳng định trách nhiệm với người tiêu dùng, nâng cao uy tín thương hiệu và tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững trên thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Để nhận tư vấn chi tiết về nội dung này, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:
Hotline: 028.6270.7278 Email: csbd@lttlawyers.com TRỤ SỞ CHÍNH (+84) 28 6270 7278 – Lầu 3, 185 Đường Cô Bắc, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. VĂN PHÒNG HÀ NỘI (+84) 24 7300 1255 – Phòng 637, Tầng 6, Tòa nhà CIC, Số 2 Ngõ 219 Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. VĂN PHÒNG ĐÀ NẴNG (+84) 905 783 785 – 02 Đường Đoàn Nhữ Hài, Phường Hòa Khê, Quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng. |