3 trường hợp chuyển nhượng vốn doanh nghiệp đúng luật
Chuyển nhượng vốn doanh nghiệp: Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hay cổ đông công ty cổ phần đều có quyền chuyển nhượng hoặc định đoạt phần vốn góp và cổ phần như các động sản thông thường (vì phần vốn góp và cổ phần là một loại động sản). Tuy nhiên khác với các loại động sản khác, giao dịch đối với chuyển nhượng phần vốn góp và cổ phần phải tuân thủ quyền ưu tiên cũng như hạn chế theo quy định của pháp luật tại Luật doanh nghiệp 2014 và Điều lệ của công ty.
Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn có quyền ưu tiên được chuyển nhượng phần vốn góp từ thành viên khác. Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tuy nhiên phải ưu tiên chuyển nhượng cho các thành viên khác trong công ty trước khi bán cho bên thứ ba. Cụ thể tại khoản 1 Điều 53 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:
“1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 52, khoản 5 và khoản 6 Điều 54 của Luật này, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:
a) Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;
b) Chỉ được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán.”
Theo quy định tại điều luật này thì các thành viên còn lại trong công ty có quyền ưu tiên mua lại phần vốn góp của cổ đông tương ứng với tỷ lệ góp vốn của họ trong công ty, thời hạn là trong vòng 30 ngày kể từ ngày cổ đông chào bán phần vốn chuyển nhượng của mình cho các thành viên còn lại. Tuy nhiên trong Luật doanh nghiệp 2014 không có quy định rõ ràng về thời điểm xác định góp vốn, nên chúng ta có thể hiểu tỷ lệ góp vốn được xác định tại thời điểm thành viên chuyển nhượng chào bán cho các thành viên còn lại và thời hạn 30 ngày bắt đầu.
Cũng theo quy định tại điểm b của điều luật trên, trong trường hợp sau 30 ngày mà các thành viên của công ty không mua hoặc không mua hết số vốn góp cổ đông muốn chuyển nhượng thì cổ đông có quyền chuyển nhượng cho những người không phải là thành viên công ty, tuy nhiên phải với cùng điều kiện đã chào bán đối với các thành viên của công ty.
Quyền ưu tiên được chuyển nhượng phần vốn góp mang ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức, quản lý doanh nghiệp. Việc quy định quyền ưu tiên như vậy nhằm hạn chế việc tiếp nhận thêm thành viên mới vào công ty, một thành viên chỉ có quyền chuyển nhượng cho một người khác không phải là thành viên công ty trong trường hợp các thành viên công ty từ chối quyền ưu tiên mua.
Bên cạnh đó, quyền ưu tiên chuyển nhượng không áp dụng trong các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 53 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:
Thứ nhất, tặng cho phần vốn góp. Theo quy định tại khoản 5 Điều 54 Luật doanh nghiệp 2014 thì: “Thành viên có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác.
Trường hợp người được tặng cho là vợ, chồng, cha, mẹ, con, người có quan hệ họ hàng đến hàng thừa kế thứ ba thì đương nhiên là thành viên của công ty. Trường hợp người được tặng cho là người khác thì chỉ trở thành thành viên của công ty khi được Hội đồng thành viên chấp thuận”. Như vậy khi một thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn tặng cho phần vốn góp, quyền ưu tiên chuyển nhượng của các thành viên khác không được áp dụng. Như quy định tại Điều luật trên, với trường hợp người được tặng cho là vợ, chồng, cha, mẹ, con hay người có quan hệ họ hàng đến hàng thứ ba thì người được tặng cho sẽ đương nhiên là thành viên mới của công ty. Các trường hợp tặng cho khác thì người được tặng cho chỉ trở thành thành viên công ty khi có sự chấp thuận của Hội đồng thành viên
Thứ hai, trả nợ bằng phần vốn góp. Trường hợp này được quy định tại khoản 6 Điều 54 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:
“6. Trường hợp thành viên sử dụng phần vốn góp để trả nợ thì người nhận thanh toán có quyền sử dụng phần vốn góp đó theo một trong hai hình thức sau đây:
a) Trở thành thành viên của công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận;
b) Chào bán và chuyển nhượng phần vốn góp đó theo quy định tại Điều 53 của Luật này.”
Như vậy thành viên có thể trả nợ bằng phần vốn góp của mình, và người nhận trả nợ có thể trở thành thành viên công ty nếu được chấp thuận bởi hội đồng thành viên. Trường hợp người nhận trả nợ không muốn trở thành thành viên công ty hay không được hội đồng thành viên chấp thuận, người được trả nợ có thể chuyển nhượng phần vốn góp của nhưng phải ưu tiên chuyển nhượng cho các thành viên khác trước khi chào bán cho bên thứ ba.
Thứ ba công ty không mua lại phần vốn góp khi có yêu cầu của thành viên. Tại khoản 3 Điều 52 Luật doanh nghiệp 2014 có quy định: “Trường hợp công ty không mua lại phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều này thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người khác không phải là thành viên”. Thành viên có yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán hành đối với quyết định của hội đồng thành viên về những vấn đề ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của thành viên theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 và điều lệ công ty. Công ty có nghĩa vụ phải mua lại phần vốn góp nếu sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Trong trường hợp công ty không mua lại phần vốn góp thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình mà không phụ thuộc vào quyền ưu tiên được chuyển nhượng của thành viên khác.
Bên cạnh các quy định của Luật doanh nghiệp 2014, điều lệ của công ty hoặc thỏa thuận thành viên có thể quy định chi tiết về các điều kiện và hạn chế chuyển nhượng khác ngoài quyền ưu tiên.
Trên đây là vấn đề Chuyển nhượng vốn doanh nghiệp như thế nào cho đúng luật. Trong trường hợp các bạn đang gặp phải các vấn đề pháp lý về doanh nghiệp, mua bán doanh nghiệp, mua bán cổ phần vui lòng liên hệ với các luật sư của LTT & Lawyers, chúng tôi sẽ liên hệ lại với Bạn ngay khi tiếp nhận thông tin.