Khi xảy ra tranh chấp về hợp đồng đặt cọc cần lưu ý những gì?
1. Quy định pháp luật về hợp đồng đặt cọc
Theo quy định tại Điều 328 Bộ luật dân sự 2015, đặt cọc là việc một bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc đá quý, kim khí quý hay vật có giá trị khác trong một thời gian để đảm bảo việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Bản chất của việc đặt cọc là một quy định để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ. Vì vậy khi mua đất, mua nhà hay thuê nhà, … thì hợp đồng sẽ được lập ra. Mức đặt cọc bao nhiêu sẽ do các bên tự thỏa thuận với nhau.
Hợp đồng đặt cọc là một văn bản ghi lại sự thỏa thuận của các bên về khoản đặt cọc trong quá trình giao dịch, có đầy đủ nội dung của một bản hợp đồng theo Điều 398 Bộ luật dân sự 2015 và có thỏa thuận về vấn đề nhận cọc, phạt cọc theo Điều 328 Luật này.
Hợp đồng đặt cọc không bắt buộc phải đem công chứng. Nhưng để đảm bảo cho sự an toàn và tránh được rủi ro thì các bên hoàn toàn có thể yêu cầu công chứng hợp đồng.
2. Các cơ sở để giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc
Cơ sở để giải quyết tranh chấp hợp đồng căn cứ vào thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và căn cứ vào việc thực hiện nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Bên cạnh đó là các quy định liên quan của pháp luật.
3. Các phương án giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc
Để giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc, thông thường có 2 phương thức thực hiện:
- Thứ nhất: Hai bên có thể tự nhau thương lượng, hòa giải trên tinh thần đôi bên cùng có lợi để có thể giải quyết tranh chấp hợp đồng được tốt nhất.
- Thứ hai: Nếu một trong hai bên có quyền và lợi ích bị xâm phạm thì có thể khởi kiện ra toà án có thẩm quyền để giải quyết.
4. Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng tại tòa án
Hồ sơ khởi kiện
- Đơn khởi kiện;
- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp (hợp đồng đặt cọc, các văn bản thỏa thuận gia hạn đặt cọc);
- Chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu gia đình (có chứng thực hoặc công chứng), nếu người khởi kiện là cá nhân;
- Hồ sơ pháp lý khác của người khởi kiện, đương sự khác như: giấy phép kinh doanh, giấy chứng đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập doanh nghiệp, điều lệ hoạt động, quyết định bổ nhiệm hoặc cử người đại diện doanh nghiệp (bản sao có chứng thực), nếu là pháp nhân;
- Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao).
5. Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn khởi kiện
Theo Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng là Tòa án nhân dân cấp huyện vì tranh chấp hợp đồng là tranh chấp dân sự theo khoản 3 Điều 26 của luật này.
Riêng đối với hợp đồng mua bán đất, Tòa án giải quyết là Tòa án cấp huyện nơi có đất theo Điều 203 luật đất đai 2013.
Còn đối với hợp đồng có yếu tố nước ngoài thì theo Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết tranh chấp.