Những Điểm Mới Về Hoạt Động Cho Thuê Lại Lao Động Trong Nghị Định 29/2019/NĐ-CP
Cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động. (Điều 53 Bộ luật Lao động năm 2012)
Những Điểm Mới Về Hoạt Động Cho Thuê Lại Lao Động Trong Nghị Định 29/2019/NĐ-CP
Nhằm mục đích phổ biến pháp luật và cập nhật văn bản pháp luật mới cho cộng đồng, LTT & Lawyers sẽ chỉ ra những điểm mới về hoạt động trên trong Nghị định mới do Chính phủ ban hành và sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 05/05/2019.
Vấn đề trên được điều chỉnh bởi Nghị định 55/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 05 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 54 của Bộ luật Lao động về việc cấp phép hoạt động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động (“Nghị định 55”) và kể từ ngày 05/05/2019 sẽ do Nghị định 29/2019/NĐ-CP ngày 20 tháng 03 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 54 Bộ luật Lao động về cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện(“Nghị định 29”) điều chỉnh.
Chính vì thế, (i) doanh nghiệp nào đang hoặc mong muốn được cấp phép hoạt động trên; (ii) người lao động đang hoặc chuẩn bị ký kết hợp đồng với doanh nghiệp; (iii) các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động từ doanh nghiệp; và (iv) các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động trên thì cần phải quan tâm những vấn đề đã được sửa đổi, bổ sung như sau:
Thứ nhất, thời gian làm việc của người lao động tại bên thuê lại lao động không bị giới hạn.
Theo quy định tại Điều 3.1, 3.2 và 3.3 Nghị định 55, thời gian người lao động làm việc tại bên thuê lại là thời gian tạm thời để bù vào chỗ làm việc thiếu hụt người lao động của bên thuê lại khi bên thuê lại có nhu cầu sử dụng lao động trong một thời gian xác định. Do đó, người lao làm việc theo sự điều hành của bên thuê lại chỉ trong một thời gian xác định.
Tuy nhiên, Nghị định 29 không còn ràng buộc thời gian làm việc của người lao động tại bên thuê lại. Do đó, người lao động có thể làm công việc mang tính chất tạm thời hoặc làm việc lâu dài tại bên thuê lại, tùy thuộc vào nhu cầu của bên thuê lại lao động và hợp đồng lao động ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp cho thuê lại.
Thứ hai, điều kiện cấp giấy phép không bị ràng buộc nhiều quy định.
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 29, điều kiện để được cấp giấy phép đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và của doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động trên phải bảo đảm điều kiện:
a) Là người quản lý doanh nghiệp;
b) Không có án tích;
c) Đã làm việc trong lĩnh vực trên hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.
2. Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng (hai tỷ Việt Nam đồng) tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Thứ ba, thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Theo Nghị định 55, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là chủ thể có thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy phép hoạt động trên. Tuy nhiên, theo Điều 6 Nghị định 29, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính sẽ có thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động kể từ ngày 05/05/2019.
Thứ tư, thời hạn Giấy phép hoạt động cho thuê lại người lao động là tối đa 60 tháng và không giới hạn số lần gia hạn.
Theo quy định tại Điều 7.3 Nghị định 29, thời hạn của giấy phép được cấp là tối đa 60 tháng, tăng 24 tháng so với giấy phép so với thời hạn được quy định tại Điều 12 Nghị định 55. Ngoài ra, số lần gia hạn cũng không bị giới hạn và mỗi lần gia hạn không quá 60 tháng.
Thứ năm, các khoản được thanh toán từ tiền ký quỹ được quy định cụ thể.
Bên cạnh các khoản tiền lương và khoản tiền bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại thì quy định mới tại Điều 14 Nghị định 29 còn đề cập tiền ký quỹ sẽ sử dụng để thanh toán các khoản trợ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Qua đó nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Thứ sáu, bổ sung và sửa đổi những trường hợp rút tiền ký quỹ.
Nghị định 29 đã mở rộng thêm các trường hợp để doanh nghiệp cho thuê lại người lao động được rút tiền ký quỹ và những trường hợp rút tiền ký quỹ khác vì không được hoạt động trong lĩnh vực trên.
a) Doanh nghiệp cho thuê gặp khó khăn tạm thời, không đủ khả năng thanh toán tiền lương, trợ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động thuê lại theo quy định của pháp luật sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến thời hạn thanh toán;
b) Doanh nghiệp cho thuê gặp khó khăn tạm thời, không đủ khả năng bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày đến thời hạn bồi thường;
c) Doanh nghiệp không được cấp giấy phép;
d) Doanh nghiệp cho thuê bị thu hồi giấy phép hoặc không được gia hạn, cấp lại giấy phép;
đ) Doanh nghiệp cho thuê đã thực hiện ký quỹ tại một ngân hàng thương mại khác.
Ngoài ra, thủ tục rút tiền ký quỹ cũng được quy định cụ thể và rõ ràng hơn so với Nghị định 55, tránh cho doanh nghiệp tùy tiện rút tiền ký quỹ và sử dụng tiền ký quỹ cho những mục đích hợp lý, chính đáng.
Thứ bảy, bổ sung thêm các công việc được thực hiện cho thuê lại.
Theo Phụ lục I Nghị định 29, bên cạnh những công việc đã từng được quy định tại Phụ lục V Nghị định 55 như:
- Phiên dịch/ Biên dịch/ Tốc ký
- Thư ký/Trợ lý hành chính
- Lễ tân
- Hướng dẫn du lịch
- Hỗ trợ bán hàng
- Hỗ trợ dự án
- Lập trình hệ thống máy sản xuất
- Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông
- Vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất
- Dọn dẹp vệ sinh tòa nhà, nhà máy
- Biên tập tài liệu
- Vệ sĩ/Bảo vệ
- Tiếp thị/Chăm sóc khách hàng qua điện thoại
- Xử lý các vấn đề tài chính, thuế
- Sửa chữa/Kiểm tra vận hành ô tô
- Scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp/Trang trí nội thất
- Lái xe
Các công việc được bổ sung theo Phụ lục 1 Nghị định 29 bao gồm:
18. Quản lý, vận hành, bảo dưỡng và phục vụ trên tàu biển
19. Quản lý, giám sát, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và phục vụ trên giàn khoan dầu khí
20. Lái tàu bay, phục vụ trên tàu bay/Bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay/Điều độ, khai thác bay/Giám sát bay
Do đó với những công việc theo số thứ tự từ (18) đến (20), doanh nghiệp cũng có thể đăng ký cho thuê lại và bên thuê lại lao động cũng được thuê người lao động từ các doanh nghiệp hoạt động trên để thực hiện các công việc trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, còn có những điểm bổ sung, sửa đổi khác được quy định cụ thể tại Nghị định 29. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động trên cần nắm rõ các quy định tại Nghị định 29 để tuân thủ pháp luật.
Nghị định 29 có hiệu lực kể từ ngày 05/05/2019, do đó, các văn bản trước đây sẽ hết hiệu lực, bao gồm:
- Nghị định 55;
- Nghị định số 73/2014/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 29 Nghị định số 55/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 của Bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động trên, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động;
- Thông tư số 01/2014/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 55/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 của Bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện;
- Thông tư số 40/2014/TT-NHNN ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc ký quỹ và quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp .
——————————
[LTT & LAWYERS:] Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.
Mọi vướng mắt pháp lý liên quan đến chủ đề này xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi:
☎️ Công ty Luật TNHH LTT & Các Cộng Sự
– E-mail: info@lttlawyers.com
– Phone: (+84) 862.707.278
– Website: www.lttlawyers.com
– Trụ sở chính: Tầng 19, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiều, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.