Lưu ý pháp lý khi nhập khẩu, lưu hành thức ăn chăn nuôi, thủy sản

 

Một Thương nhân sẽ phải thực hiện những đăng ký, kiểm tra như thế nào khi muốn nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản đưa vào lưu hành tại thị trường Việt Nam?

Một số vấn đề về lưu hành  thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu

Trước đây, sẽ rất dễ tìm câu trả lời cho thắc mắc này khi Thương nhân chỉ cần tra cứu các quy định tại Thông tư 26/2012/TT-BNNPTNT quy định về “Ban hành danh mục tạm thời thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm được phép lưu hành tại Việt Nam”.

Tuy nhiên, hiện nay, mọi chuyện sẽ khó khăn hơn khi thông tư này hết hiệu lực vào ngày 10/02/2019, điều này cũng có nghĩa Danh mục tạm thời thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm được phép lưu hành tại Việt Nam cũng hết hiệu lực.

Đồng thời Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam quy định hướng dẫn về việc tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều đó có nghĩa các Thương nhân muốn nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản thì phải đăng ký lưu hành mới (hoặc đăng ký lưu hành lại).

Quy trình đăng ký lưu hành thức ăn chăn nuôi nhập khẩu

Sau đây sẽ phân tích một số vấn đề liên quan đến đăng ký lưu hành thức ăn chăn nuôi, thủy sản mà Doanh nghiệp cần phải lưu ý:

Điều kiện để thức ăn chăn nuôi, thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam

  • Phải công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn và có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (nếu có).
  • Mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có một tiêu chuẩn chất lượng được công bố chỉ được đặt một (01) tên thương mại tương ứng.
  • Thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới: Sau khi có quyết định công nhận thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi mới có nhu cầu lưu hành tại Việt Nam thì phải tiến hành thực hiện các quy định công bố như trên và được phép sử dụng các kết quả thử nghiệm trong hồ sơ công nhận thức ăn chăn nuôi mới cho hoạt động công bố tiêu chuẩn áp dụng hoặc công bố hợp quy.

Đăng ký lưu hành thức ăn chăn nuôi

Khi Doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu lô hàng Thức ăn chăn nuôi, thủy sản về Việt Nam sẽ có hai (02) trường hợp xảy ra đối với việc đăng ký lưu hành:

Trường hợp 01:

Tên của sản phẩm lô hàng nhập khẩu về đã có tên trong danh mục chính thức (thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm được phép lưu hành tại Việt Nam) do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành:

  • Bước 1: Thương nhân thực hiện nhập khẩu lô hàng thức ăn chăn nuôi, thủy sản về Việt Nam;
  • Bước 2: Thương nhân sẽ phải thực hiện Đăng ký kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Việc kiểm tra sẽ do cơ quan chức năng nhà nước và tổ chức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định là tổ chức chứng nhận sự phù hợp chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây viết tắt là tổ chức được chỉ định – tổ chức thứ ba) thực hiện một số công đoạn trong hoạt động kiểm tra theo phạm vi quy định tại quyết định chỉ định.
  • Bước 3: Kiểm tra chất lượng Thức ăn chăn nuôi, thủy sản “Đạt”
  • Bước 4: Sản phẩm được thông quan và lưu hành.

Trường hợp 02:

Tên của sản phẩm lô hàng nhập khẩu về chưa có tên trong danh mục chính thức (thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm được phép lưu hành tại Việt Nam) do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành

  • Bước 1: Thực hiện Đăng ký lưu hành thức ăn chăn nuôi tại Cục chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn
  • Bước 2: Được Xác nhận lưu hành từ Cục chăn nuôi
  • Bước 3: Thương nhân thực hiện nhập khẩu lô hàng thức ăn chăn nuôi, thủy sản về Việt Nam
  • Bước 4: Thương nhân thực hiện đăng ký kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi.
    Việc kiểm tra sẽ do cơ quan chức năng nhà nước và tổ chức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định là tổ chức chứng nhận sự phù hợp chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây viết tắt là tổ chức được chỉ định – tổ chức thứ ba) thực hiện một số công đoạn trong hoạt động kiểm tra theo phạm vi quy định tại quyết định chỉ định.
  • Bước 5: Kiểm tra chất lượng Thức ăn chăn nuôi, thủy sản “Đạt”
  • Bước 6: Sản phẩm được thông quan và lưu hành.

Vì Thông tư 26/2012/TT-BNNPTNT vừa hết hiệu lực. Bên tất cả các sản phẩm trong Danh mục cũng không còn hiệu lực. Do đó, các Thương nhân khi nhập khẩu cần lưu ý về việc Đăng ký lưu hành thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo quy định của pháp luật. Từ đó có thể hạn chế tối đa những rủi ro pháp lý có thể xảy ra.

——————————

[LTT & LAWYERS:] Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại. Vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.

Mọi vướng mắt pháp lý liên quan đến nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và lưu hành,  xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi:

☎️ Công ty Luật TNHH LTT Và Các Cộng Sự
– E-mail: info@lttlawyers.com
– Phone: (+84) 906 122 830
– Website: www.lttlawyers.com
– Trụ sở chính: Tầng 19, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.