mua-ban-doanh-nghiep

Những điều cần lưu ý trước khi mua/bán doanh nghiệp

Mua bán doanh nghiệp về bản chất cũng giống như hoạt động mua bán hàng hoá, dịch vụ thông thường. Tuy nhiên, đối tượng được bán lại là một một tổ chức có chức năng, nhiệm vụ và tài sản riêng. Việc mua lại doanh nghiệp được hiểu như việc mua lại các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Bên mua lại sẽ tiếp tục kế thừa và tiếp tục thực hiện các công việc của công ty bán.

Trong 5 loại hình doanh nghiệp hiện nay thì chỉ có doanh nghiệp tư nhân được phép bán và chuyển nhượng doanh nghiệp. Còn những doanh nghiệp không được thực hiện việc bán doanh nghiệp, sẽ phải chuyển sang hình thức chuyển nhượng cổ phần hoặc chuyển nhượng góp vốn vào công ty.

2. Những lưu ý khi mua bán doanh nghiệp:

Về khía cạnh pháp lý:

Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động mua bán doanh nghiệp Việt Nam nằm rải rác ở Luật đầu tư, Luật cạnh tranh, Luật doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Do đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ phương diện pháp lý nhằm đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ các quy định pháp luật của Việt Nam trong việc mua lại doanh nghiệp, góp phần giảm thiểu tối đa rủi ro về mặt pháp lý cho nhà đầu tư.

mua-ban-doanh-nghiep

Báo cáo tài chính:

Nhà đầu tư cần xem xét các báo cáo tài chính và các bản khai thuế của công ty trong vòng từ 3-5 năm qua để đánh giá được tình trạng tài chính hiện tại và các xu hướng tài chính trong tương lai của công ty trước khi mua lại.

Đội ngũ nhân viên:

Sự thành công của doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào đội ngũ lãnh đạo mà còn dựa vào  chất lượng của đội ngũ nhân viên. Những nhân viên chủ chốt là tài sản quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp. Nhà đầu tư cần xác định xem đội ngũ nhân viên có tầm quan trọng như thế nào đối với sự thành công của doanh nghiệp. Xác định trình độ chuyên môn cũng như khả năng làm việc và định hướng tương lai của đội ngũ nhân viên.

Khách hàng:

Việc mua lại doanh nghiệp có mục đích chủ yếu là tận dụng những điều kiện có sẵn để tạo bàn đạp cho nhà đầu tư phát triển ở một thị trường mới. Do đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu về lượng khách hàng, mối quan hệ hợp tác và lợi nhuận của doanh nghiệp mục tiêu trong thời điểm hiện tại để có thể tạo nền tảng cho việc ổn định, xây dựng và phát triển lượng khách hàng của doanh nghiệp sau khi mua lại. Khách hàng là tài sản quan trọng nhất của công ty, phải bảo đảm là các khách hàng cũng bền vững như những tài sản hữu hình khác.

  • Thương hiệu:

Thương hiệu được xem là tài sản vô hình của doanh nghiệp. Nhà đầu tư thường lựa chọn doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng mà họ hướng tới. Bởi việc mua lại doanh nghiệp có thương hiệu sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, giá trị thương hiệu cũng tỷ lệ thuận với giá trị giao dịch khi mua lại doanh nghiệp. Vì vậy, nhà đầu tư cần định giá thương hiệu một cách hợp lý, phù hợp với ngân sách.

Một số lưu ý khác:

  • Đối tượng của hợp đồng mua bán là doanh nghiệp tư nhân và hình thức của hợp đồng được thể hiện bằng văn bản;
  • Sau khi bán doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp người mua, người bán và chủ nợ của doanh nghiệp có thỏa thuận khác;
  •  Người bán, người mua doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về lao động;
  • Người mua doanh nghiệp phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
  • Nội dung cơ bản trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp mà pháp luật quy định phải có.