Những điều cần lưu ý khi tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng?
Những điều cần lưu ý khi tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng?
1. Căn cứ xác định phát sinh trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định cụ thể tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
Thứ nhất, chủ thể thực hiện hành vi có thể là tổ chức, cá nhân với lỗi cố ý hoặc vô ý gây hậu quả.
Thứ hai, hành vi được thực hiện phải là hành vi xâm phạm một cách trái pháp luật dẫn đến hư hỏng, hủy hoại như: đập phá, khai quật, di chuyển…. trái với ý muốn của bên còn lại trong hợp đồng, ….
Thứ ba, có thiệt hại phát sinh do hành vi xâm phạm gây ra thể hiện rõ về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm và hậu quả.
2. Nguyên tắc trong bồi thường thiệt hại
Nguyên tắc chung
Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 quy định nguyên tắc chung trong bồi thường thiệt hại như sau:
- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Nguyên tắc riêng
Bên cạnh nguyên tắc chung trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 thì còn phải xét đến từng trường hợp cụ thể được quy định từ Điều 594 đến Điều 608 Bộ luật dân sự 2015.
Ví dụ trường hợp bồi thường khi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng tại Điều 594 Bộ luật dân sự 2015 có các nguyên tắc riêng như sau:
- Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
- Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
3. Chứng minh yêu cầu bồi thường ngoài hợp đồng
Theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì đương sự đưa ra yêu cầu có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Do đó, người bị thiệt hại khi có yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và phải có chứng từ hoặc giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí hợp lý, về thu nhập của người bị thiệt hại
Việc chứng minh không có lỗi thuộc nghĩa vụ của người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại
4. Xác định thiệt hại
Theo nguyên tắc trong bồi thường thiệt hại thì việc gây thiệt hại đến đâu sẽ có trách nhiệm bồi thường đến đó.
Khi thiệt hại hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại gây ra, trường hợp này người bị thiệt hại sẽ không nhận được bồi thường, tức là người gây ra thiệt hại không có lỗi thì họ không phải bồi thường thiệt hại.
Khi thiệt hại là do lỗi của cả hai bên, người bị thiệt hại vẫn được bồi thường phần thiệt hại do người kia gây ra. Nghĩa là, họ vẫn phải chịu trách nhiệm tương ứng với mức độ lỗi của mình. Vì vậy, Tòa án cần xác định rõ mức độ lỗi của mỗi bên để ấn định trách nhiệm bồi thường cho tương xứng.
5. Khởi kiện yêu cầu bồi thường ngoài hợp đồng
Vì đây là tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về Tòa án dân sự cấp huyện nơi bị đơn cư trú theo điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.