tranh-chap-hop-dong-dan-su

Quy trình giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự

Tranh chấp hợp đồng dân sự là một trong những tranh chấp điển hình hiện nay. Qua bài viết dưới đây LTT & Lawyers cùng bạn đọc đi tìm hiểu về quy trình giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự.

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Việc giao kết hợp đồng dân sự phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội;

Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng.

Tranh chấp hợp đồng dân sự là những mâu thuẫn, xung đột, bất đồng giữa các bên về việc thực hiện hoặc không thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ hợp đồng.

Tranh chấp hợp đồng có những đặc điểm sau:

Có hợp đồng giữa các bên. Hợp đồng được giao kết theo 03 hình thức: lời nói, hành vi hoặc văn bản;

Khi tranh chấp phát sinh, sự thỏa thuận giữa các bên không còn tồn tại và thống nhất;

Chủ thể tranh chấp là chủ thể của hợp đồng được giao kết;

Tranh chấp hợp đồng luôn gắn với lợi ích giữa các bên tranh chấp;

Có sự vi phạm nghĩa vụ hoặc một trong các bên cho rằng bên kia vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.

Quy trình giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự

Thương lượng

Hợp đồng là sự thỏa thuận. Do vậy, thương lượng (thỏa thuận) là phương thức ưu tiên áp dụng để “giải quyết tranh chấp” giữa các bên.

Theo đó, các bên tiến hành trao đổi, thỏa thuận về những bất đồng và đi đến một thỏa thuận thống nhất. Để thương lượng đạt hiệu quả cao nhất, các bên cần hiểu rõ về hợp đồng và các quy định của pháp luật để cùng ngồi thương lượng. Mà bản chất của thương lượng là thỏa thuận giữa các bên tranh chấp, không có sự xuất hiện của bên thứ ba.

Do vậy, các bên có thể nhờ luật sư tham gia với vai trò là người đại diện để quá trình thương lượng đạt hiệu quả hơn.

Có thể bạn quan tâm Hợp đồng dân sự là gì? 6 loại hợp đồng dân sự phổ biến

Hòa giải

Hòa giải cũng là quá trình trao đổi, thỏa thuận và mang lại sự thỏa thuận thống nhất. Nhưng hòa giải khác với thương lượng là có sự can thiệp của bên thứ ba, là người trung gian đứng ra giải quyết xung đột, mâu thuẫn và đưa ra sự thống nhất.

tranh-chap-hop-dong-dan-su

Khởi kiện tại tòa án

* Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện:

– Đơn khởi kiện;

– Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu và sổ hộ khẩu của người khởi kiện là cá nhân; đăng ký kinh doanh/đăng ký thuế/ điều lệ của người khởi kiện là tổ chức (bản sao chứng thực);

– Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu và sổ hộ khẩu của người bị kiện là cá nhân; đăng ký kinh doanh/đăng ký thuế/ điều lệ của người bị kiện là tổ chức (bản sao chứng thực);

– Hợp đồng dân sự, các Phụ lục hợp đồng kèm theo, các hóa đơn, chứng từ mua bán, chứng từ chuyển tiền….(bản sao chứng thực);

– Các tài liệu chứng cứ liên quan đến quan hệ hợp đồng; quá trình thực hiện hợp đồng và việc thực hiện/không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng của các bên;

– Các tài liệu chứng cứ chứng minh thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng;

– Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Như vậy, kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

Có thể bạn quan tâm 8 điều cần lưu ý về khi ký hợp đồng dân sự

Bước 2: Nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án:

 Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:

+ Nộp trực tiếp tại Tòa án;

+ Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;

+ Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Bước 3: Thụ lý vụ án

Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét những tài liệu, chứng cứ cần thiết, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho đương sự biết để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí, đương sự nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án. Tòa án thụ lý việc dân sự hoặc vụ án dân sự kể từ khi nhận được biên lai này.

Bước 4: Chuẩn bị xét xử

Thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án được quy định như sau: 

+ 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần nhưng không quá 02 tháng.

+ Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải tiến hành lấy lời khai của đương sự, tiến hành các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ hoặc định giá, ủy thác thu thập chứng cứ (nếu có).

Có thể bạn quan tâm 5 yếu tố của một luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự giỏi

Bước 5: Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm

Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Trường hợp Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét và giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Theo đó, Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

Ngoài ra, vụ án còn có thể được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Trên đây là Quy trình giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự. Trong trường hợp các bạn đang gặp phải các vấn đề pháp lý về hợp đồng mua bán, tranh chấp hợp đồng mua bán vui lòng liên hệ với các luật sư của LTT & Lawyers, chúng tôi sẽ liên hệ lại với Bạn ngay khi tiếp nhận thông tin.