THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KHAI SINH CHO TRẺ 2019

Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ:

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) vào ngày 1 tháng 1 năm 2019, có hơn 4.000 đứa trẻ được sinh ra vào ngày đầu tiên của năm mới. UNICEF kêu gọi các quốc gia trên thế giới thực hiện đầy đủ quyền của mọi trẻ sơ sinh, và quyền được khai sinh và có quốc tịch được quy định tại Điều 13 Luật Trẻ em, là một trong các quyền của trẻ em. Nhằm đảm bảo quyền của trẻ em, hướng đến một xã hội ngày càng văn minh, mọi người đều hiểu biết pháp luật, LTT & Lawyers muốn chia sẻ đến mọi người quy định về việc đăng ký thực hiện Giấy khai sinh cho trẻ sơ sinh như sau:

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ THỰC HIỆN GIẤY KHAI SINH CHO TRẺ SƠ SINH

1. Sơ lược về Giấy khai sinh

Giấy khai sinh là văn bản do Cơ quan đăng ký hộ tịch cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh. Giấy khai sinh gồm các nội dung chính sau đây:

a) Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh. Trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;

b) Quốc tịch của trẻ em;

c) Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh được cấp khi đăng ký khai sinh;

d) Ngày, tháng, năm sinh được xác định theo Dương lịch. Nơi sinh, giới tính của trẻ em được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật. Đối với trẻ em sinh tại cơ sở y tế thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó; trường hợp trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra; và

e) Quê quán của người được đăng ký.

2. Trách nhiệm

Theo quy định tại Điều 15.1 Luật Hộ tịch, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ. Trường hợp cha, mẹ trẻ không thể đăng ký khai sinh cho trẻ thì ông, bà, người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

3. Thẩm quyền đăng ký cho trẻ

Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ là cơ quan cấp Giấy khai sinh cho trẻ sơ sinh.

Nếu thuộc một trong các trường hợp sau, Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương là cơ quan cấp Giấy khai sinh cho cá nhân:

a) Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch; hoặc có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; hoặc có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; hoặc có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch; và

b) Trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam có cha và/hoặc mẹ là công dân Việt Nam.

Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp Giấy khai sinh cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài, nếu việc đăng ký đó không trái pháp luật của nước tiếp nhận và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

4. Hồ sơ đăng ký và trình tự, thủ tục thực hiện việc đăng ký

Theo quy định tại Điều 16 Luật Hộ tịch, khi thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, người nộp hồ sơ cần có các loại tài liệu sau đây:

(i) Tờ khai theo mẫu quy định;

(ii) Giấy chứng sinh/Văn bản của người làm chứng về việc sinh/Giấy cam đoan về việc sinh/Biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi/Văn bản chứng minh việc mang thai hộ;

(iii) Văn ban thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con trong trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài; và

(iv) Các tài liệu khác phù hợp với quy định pháp luật.

Sau khi nhận được hồ sơ với thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo nội dung Giấy khai sinh đã nêu ở trên vào Sổ Hộ tịch, đồng thời cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở quốc gia về dân cư để lấy Số định danh, trong trường hợp trẻ có quốc tịch nước ngoài thì không ghi Số định danh.

Công chức làm công tác hộ tịch, người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh; Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh; Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn về thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch, việc cấp bản sao trích lục hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài tại Cơ quan đại diện.

——————————
[LTT & LAWYERS:] Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.

Mọi vướng mắt pháp lý liên quan đến “Thủ tục đăng ký thực hiện Giấy khai sinh cho trẻ sơ sinh” xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi:

☎ Công ty Luật TNHH LTT & Các Cộng Sự
– E-mail: info@lttlawyers.com
– Phone: (+84) 862.707.278
– Website: www.lttlawyers.com
– Trụ sở chính: Tầng 19, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiều, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.