4 điều cần lưu ý khi doanh nghiệp nước ngoài thành lập công ty tại Việt Nam
Thành lập công ty tại Việt Nam: Trong những năm gần đây, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam diễn ra ngày càng mạnh mẽ và sôi động. Chính vì thế, nhằm thực hiện chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư, khung pháp lý của Việt Nam về những quy định đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo đó cũng được nới lỏng hơn, tạo điều kiện cho người nước ngoài thực hiện đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, khi tiến hành thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài nên lưu ý những vấn đề sau:
1. Về quy chế của nhà đầu tư nước ngoài
- Hình thức đầu tư:
Pháp luật Việt Nam cho phép nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư theo những hình thức sau:
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
- Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (Hợp đồng PPP, BCC)
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện đầu tư một cách gián tiếp thông qua việc mua chứng khoán hoặc qua các tổ chức trung gian tài chính.
- Điều kiện đầu tư:
Tuy chính sách ưu đãi đầu tư ở Việt Nam đang ngày càng được nâng cao, việc đáp ứng được các điều kiện đầu tư nhất định đối với nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn là bước khởi đầu khá khó khăn. Tùy vào lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài cần phải đáp ứng được các điều kiện đầu tư sau:
- Về tỷ lệ sở hữu vốn trong tổ chức kinh tế,
- Về hình thức đầu tư
- Về phạm vi hoạt động đầu tư
- Điều kiện về đối tác
- Điều kiện khác được quy định liên quan đến lĩnh vực đầu tư
2. Về địa điểm thực hiện dự án đầu tư
Trong một số trường hợp, nhà đầu tư nước ngoài tiến hành thuê đất, mặt bằng không đúng với mục đích sử dụng đất, nhà ở theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở dẫn đến việc phải chuyển quyền sử dụng đất hoặc tìm kiếm một địa điểm khác phù hợp, tuy nhiên vấn đề này lại khá phức tạp và tiêu tốn nhiều thời gian, chi phí.
Một quy định điển hình mà các nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý rằng, pháp luật Việt Nam không cho phép doanh nghiệp đặt trụ sở chính, văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh tại các căn hộ, chung cư được sử dụng với mục đích để ở.
Vì thế, nhà đầu tư nước ngoài cần phải đặc biệt lưu ý khi thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam về việc chọn địa điểm thực hiện dự án đầu tư để tránh những rắc rối và rút ngắn thời gian trong công tác tuân thủ các điều kiện pháp lý.
3. Về ngành nghề kinh doanh
Ngành, nghề kinh doanh mà nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam phải đáp ứng được những điều kiện sau:
- Ngành, nghề kinh doanh không nằm trong danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được quy định ở Điều 6 Luật Đầu tư 2014
- Nhà đầu tư nước ngoài phải tuân theo những điều kiện đầu tư được đặt ra trong Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO (nếu nhà đầu tư nước ngoài thuộc vùng lãnh thổ là thành viên WTO) hoặc các điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam tham gia ký kết với quốc gia mà nhà đầu tư mang quốc tịch.
- Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được liệt kê trong Phụ lục 4 Luật Đầu tư 2014
4. Về thủ tục đăng ký đầu tư
Để tiến hành thực hiện đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài cần phải thực hiện 3 bước sau:
Bước 1: Thực hiện thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế (Trong trường hợp nhà đầu tư đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp)
Bước 2: Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư./
Bước 3: Thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp
Bước 4: Thực hiện thủ tục cấp giấy phép con (đối với danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện)
Nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý rằng, việc thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp trong nước chỉ mất khoảng 04 ngày làm việc nhưng có thể mất đến 30 ngày để nhà đầu tư hoàn thành xong thủ tục đăng ký kinh doanh và bắt đầu tiến hành hoạt động dự án đầu tư.
Cơ sở pháp lý:
- Luật Đầu tư năm 2014
- Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật đầu tư
- Luật Doanh nghiệp năm 2014
- Luật Nhà ở năm 2014