HƯỚNG DẪN CHI TIẾT THỦ TỤC XIN GIẤY XÁC NHẬN LÀ NGƯỜI GỐC VIỆT NAM

Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam được xem như là một “tấm vé” để những người con xa xứ xác định nguồn cội của mình, đóng vai trò như bằng chứng chính thức xác nhận mối quan hệ của cá nhân đối với nguồn gốc là người Việt Nam. Vậy để được cấp giấy xác nhận là người gốc Việt thì người dân cần những hồ sơ gì? Thủ tục xin giấy xác nhận ra sao? Hãy theo dõi bài viết này để nhận được giải đáp cụ thể nhất.
1. Nộp hồ sơ xin cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam ở đâu?
Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam là loại giấy tờ mà cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp cho người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm xác nhận họ có nguồn gốc Việt Nam dù hiện tại đang sinh sống, định cư ở nước ngoài và không còn quốc tịch Việt Nam. Đây là cơ sở để xác định nguồn gốc Việt Nam của người yêu cầu, chứng minh họ có mối liên hệ với Việt Nam.
Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài ở đây được hiểu là Việt kiều, có yêu cầu cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam sẽ nộp hồ sơ tại một trong các cơ quan sau đây:
– Sở Tư pháp cấp tỉnh trực thuộc trung ương; hoặc
– Cơ quan đại diện, nơi người đó cư trú vào thời điểm nộp hồ sơ hoặc
– Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao.
2. Hồ sơ xin cấy Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam
Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, bao gồm:
- Tờ khai theo mẫu (Mẫu TP/QT-2024-TKXNNGVN.1 được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 04/2024/TT-BTP);
- 2 ảnh 4×6 chụp chưa quá 6 tháng;
- Bản sao các giấy tờ dưới đây:
- Giấy tờ chứng minh nhân thân của người đó như: Chứng minh nhân dân (CMND), Căn cước công dân (CCCD), giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ xác nhận về nhân thân có dán ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp;
- Giấy tờ đã được cấp trước đây để chứng minh người đó đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống hoặc giấy tờ chứng minh người đó khi sinh ra có cha mẹ hoặc ông bà nội, ông bà ngoại đã từng có quốc tịch Việt Nam, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với trường hợp không có bất kỳ loại giấy tờ được nêu trên thì tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể, người yêu cầu có thể nộp bản sao các loại giấy tờ sau:
- Giấy tờ về nhân thân, quốc tịch hoặc hộ tịch do chế độ cũ ở miền Nam cấp trước ngày 30/04/1975;
- Giấy tờ do chính quyền cũ ở Hà Nội cấp từ năm 1911 đến năm 1956;
- Giấy bảo lãnh của Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài đang cư trú (trong đó xác nhận có gốc Việt Nam);
- Giấy bảo lãnh của người có quốc tịch Việt Nam (trong đó xác nhận có gốc Việt Nam);
- Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp trong đó ghi quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch gốc Việt Nam.
3. Thời gian xử lý: 05 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý hồ sơ
Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam có thể giúp mỗi cá nhân thực hiện các giao dịch pháp lý liên quan đến bất động sản cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong việc đầu tư về nước. Đây là một thủ tục phức tạp tốn khá nhiều thời gian, do đó người dân có thể liên hệ với đội ngũ chuyên môn để hỗ trợ thực hiện thủ tục một cách nhanh chóng và hiệu quả.