“MỞ KHÓA” NÚT THẮT TRONG QUY TRÌNH, THỦ TỤC MUA NHÀ Ở XÃ HỘI HIỆN NAY

Nhà ở xã hội – giấc mơ an cư với mức giá ưu đãi dành cho người thu nhập thấp nhưng liệu rằng con đường sở hữu loại hình nhà trên có thực sự “chỉ trải hoa hồng” ?
Nhiều người dân vội vàng nộp hồ sơ nhưng rồi phải nhận về thất vọng vì giấy tờ chưa hợp lệ, nộp chưa đúng nơi quy định,… Nguyên nhân dẫn đến những thực trạng trên có phải do quy trình, thủ tục mua nhà ở xã hội quá phức tạp, hay do người dân chưa thực sự tìm hiểu rõ về quy trình, thủ tục này. Trong bài viết hôm nay, LTT&Lawyers sẽ giúp bạn “mở khóa” những nút thắt trong quá trình mua ở nhà ở xã hội nhé!
1. Hồ sơ đề nghị mua nhà ở xã hội
Căn cứ theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 38 Nghị định 100/2024/NĐ-CP, cá nhân có nhu cầu mua nhà ở xã hội cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bao gồm:
- Đơn mua nhà ở xã hội (theo Mẫu số 01 Phụ lục II của NĐ 100/2024/NĐ-CP)
- Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội;
- Giấy tờ chứng minh về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
- Giấy tờ chứng minh về điều kiện thu nhập;
- Giấy tờ chứng minh về điều kiện nhà ở.
Lưu ý:
- Trường hợp là người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, không có hợp đồng lao động: Phải có xác nhận về đối tượng do UBND xã cấp.
- Trường hợp là hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở: Phải có xác nhận về đối tượng do UBND huyện nơi bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở cấp
2. Quy trình, thủ tục mua nhà ở xã hội
Bước 1: Nộp hồ sơ
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định 100/2024/NĐ-CP, người có nhu cầu sẽ nộp hồ sơ cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội.
Người nhận hồ sơ phải ghi Giấy biên nhận. Trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ (chưa đúng theo quy định) thì người nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi rõ lý do chưa giải quyết và trả lại cho người nộp hồ sơ để thực hiện việc bổ sung, hoàn thiện.
Bước 2: Giải quyết yêu cầu
- Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm gửi Danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua nhà ở xã hội theo thứ tự ưu tiên theo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 38 NĐ 100/2024/NĐ-CP về Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để tổ chức kiểm tra nhằm xác định đúng đối tượng được mua nhà ở xã hội và loại trừ việc người đăng ký được mua/thuê/thuê mua đã được hỗ trợ nhiều lần.
- Sau khi tập hợp đầy đủ giấy tờ đăng ký, chủ đầu tư dự án đầu tư có trách nhiệm xem xét từng hồ sơ đăng ký, đối chiếu với các quy định về đối tượng, điều kiện theo hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền. Từ đó lập danh sách những đối tượng được mua nhà ở xã hội thuộc dự án mà mình làm chủ đầu tư.
- Sau 20 ngày làm việc kể từ khi nhận được danh sách từ chủ đầu tư dự án, nếu Sở Xây dựng không có ý kiến phản hồi thì chủ đầu tư thông báo cho các đối tượng được mua, thuê, thuê mua trong dự án của mình đến để thỏa thuận, thống nhất và ký hợp đồng.
- Hình thức thanh toán: Bên mua nhà ở xã hội thanh toán trực tiếp với chủ đầu tư hoặc thực hiện thông qua ngân hàng do chủ đầu tư và người mua thống nhất theo thỏa thuận.
- Thời gian giải quyết: 20 ngày, kể từ ngày nhận được danh sách hợp lệ
Lưu ý:
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ nhưng dự án nhà ở xã hội không còn nhà để bán: Chủ đầu tư dự án sẽ có trách nhiệm ghi rõ lý do và gửi trả lại toàn bộ hồ sơ mà người nộp hồ sơ nộp để họ biết và nộp hồ sơ tại dự án khác.
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ nhưng dự án nhà ở xã hội không còn nhà để bán: Phải có trách nhiệm ghi rõ lý do và gửi trả lại toàn bộ hồ sơ mà người nộp hồ sơ nộp để họ biết và nộp hồ sơ tại dự án khác.
- Trường hợp đối tượng dự kiến được mua, thuê, thuê mua theo danh sách do chủ đầu tư lập mà đã được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở theo quy định hoặc đã được mua, thuê, thuê mua tại dự án khác thì Sở Xây dựng có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho chủ đầu tư biết để xóa tên trong danh sách được mua, thuê, thuê mua.
3. Một số lưu ý về thủ tục mua nhà ở xã hội
- Mỗi hộ gia đình/cá nhân chỉ được đăng ký tại 01 dự án.
- Người dân có thể tới nơi tiếp nhận hồ sơ/trụ sở làm việc của chủ đầu tư/sàn giao dịch của chủ đầu tư để kiểm tra danh sách căn hộ đã bán và các căn hộ chưa bán còn lại mà chủ đầu tư niêm yết tại trụ sở trong thời gian nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội.
- Trường hợp đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, được chủ đầu tư đưa vào danh sách được mua nhà ở xã hội nhưng không còn nhu cầu mua nữa thì chủ đầu tư có trách nhiệm gửi trả lại hồ sơ toàn bộ cho người đã nộp hồ sơ.
- Sau khi ký Hợp đồng mua bán nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm lập đầy đủ Danh sách các đối tượng đã được mua nhà ở xã hội gửi về Sở Xây dựng địa phương – nơi có dự án để công bố công khai trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Danh sách này. Đồng thời lưu trữ để phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra (hậu kiểm).
Nhà ở xã hội hiện nay như một “cơn sốt” tại nhiều địa bàn trên khắp cả nước, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương,…Điều làm nên sức nóng cho loại hình nhà ở này chính là mức giá rẻ, diện tích nhà vừa phải, phù hợp với nhu cầu “an cư lập nghiệp” của nhóm người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, để có thể sở hữu 01 căn nhà ở xã hội, người dân bên cạnh việc tìm hiểu về đối tượng, điều kiện thì cần có sự chuẩn bị thật kỹ về mặt hồ sơ, nắm vững quy trình, thủ tục để không bỏ lỡ cơ hội sở hữu nhà ở xã hội cho riêng mình.