Quyền tác giả là gì? 5 cách bảo hộ quyền tác giả
Khái Niệm Quyền Tác Giả
Quyền tác giả có thể được hiểu chính là quyền được pháp luật công nhận một cá nhân, một tập thể hay một tổ chức tạo ra một sản phẩm như: một tác phẩm văn học, một phần mềm, một nghiên cứu khoa học,… Các sản phẩm được tạo ra đó chính là kết quả mà tác giả đó tạo ra bằng trí óc của họ chứ không phải sao chép từ các nguồn đã có.
Bảo hộ quyền tác giả là việc mà các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước xác nhận của người đã sáng tác nên tác phẩm, trong đó cơ quan sẽ ghi nhận các văn bằng bảo hộ các quyền như nhân thân, tài sản của các chủ sở hữu. Trong trường hợp, những cá nhân hay tổ chức có các hành vi xâm phạm đến quyền tác giả sẽ được pháp luật xử lý.
Có thể bạn quan tâm: Tác giả cần làm gì khi bị người khác vi phạm bản quyền?
Bảo hộ quyền tác giả là việc các chủ thể sở hữu quyền tác giả sử dụng các phương thức hợp pháp để bảo vệ các đối tượng quyền tác giả của mình nhằm chống lại mọi sự xâm phạm. Bảo vệ quyền tác giả không những ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn giải quyết vấn đề xâm phạm bản quyền cũng như xử lý vấn đề bồi thường thiệt hại.
5 Biện Pháp Bảo Hộ Quyền Tác Giả
Biện pháp chủ sở hữu tự bảo vệ
Biện pháp tự bảo vệ xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của pháp luật Việt Nam, được ghi nhận tại Điều 12 Bộ luật dân sự năm 2015 và được cụ thể hóa tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019.
Biện pháp tự bảo vệ cho phép chủ thể bị xâm phạm quyền tác giả được áp dụng những biện pháp nhất định để bảo vệ quyền của minh.
Các biện pháp mà chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể lựa chọn để áp dụng là:
- Ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm;
- Buộc người có hành vi xâm phạm phải xin lỗi, cải chính công khai;
- Yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó có tòa án và trọng tài bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể sử dụng các biện pháp này bằng cách trực tiếp gặp chủ thể vi phạm hoặc sử dụng các phương thức khác như: gọi điện thoại, gửi thư qua bưu điện, gửi thư điện tử, fax hoặc tiến hành những hành vi cụ thể để bảo vệ quyền sở hữu của mình.
Người bị xâm phạm quyền sở hữu có thể lựa chọn áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khác nhau để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Tuy nhiên, việc chủ thể áp dụng các biện pháp để tự bảo vệ nhưng không được trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội.
Trong thực tế, khi bị xâm phạm, biện pháp bảo vệ đầu tiên được áp dụng là tự bảo vệ. Trước hết, biện pháp này tôn trọng quyền tự định đoạt của chủ thể. Hơn nữa, mặc dù không có sự can thiệp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng trong chừng mực nhất định, biện pháp này cũng giúp nhanh chóng ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm.
Biện pháp hành chính
Xử lý vi phạm hành chính đối với quyền tác giả là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp nhất định xử lý các hành vi xâm phạm của cá nhân, tổ chức mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử lý xâm phạm quyền tác giả bằng biện pháp hành chính được quy định tại Chương XVIII Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính.
Có thể bạn quan tâm: Lý do nên đăng ký quyền tác giả
Đối với biện pháp hành chính, cách thức bảo vệ của chủ thể bị xâm phạm rất phong phú. Cụ thể, bao gồm các hình thức xử phạt hành chính (trong đó có hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung) và các biện pháp khắc phục hậu quả.
Có thể bạn quan tâm: Không đi đăng ký quyền tác giả có được bảo hộ?
Cảnh cáo và phạt tiền là hai hình thức xử phạt chính. Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, người xâm phạm mà cơ quan có thẩm quyền xử phạt cảnh cáo hay phạt tiền và áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục theo quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP.
Để đảm bảo việc xử lý các hành vi xâm phạm bằng các biện pháp hành chính đạt hiệu quả, Luật sở hữu trí tuệ cho phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử phạt hành chính trong những trường hợp nhất định theo quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 215 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019.
Theo Điểm a Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, biện pháp hành chính áp dụng để xử lý những hành vi xâm phạm đến mức gây thiệt hại cho người tiêu dùng, cho xã hội.
Mặc dù pháp luật hình sự không quy định cụ thể, tuy nhiên chúng ta hiểu rằng khi hành vi xâm phạm của cá nhân, tổ chức là hành vi nguy hiểm cho xã hội cấu thành tội phạm thì cá nhân, tổ chức đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân bị xâm phạm yêu cầu cơ quan nào xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo thủ tục hành chính cũng là một vấn đề lớn cần phải xem xét để hoàn thiện.
Hiện nay, pháp luật quy định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cho rất nhiều cơ quan. Trong thực tế, các cơ quan này đôi khi hoạt động chồng chéo, đôi khi lại không cơ quan nào xử lý hành vi vi phạm.
Chính vì vậy, để việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả cao, đòi hỏi các cơ quan này phải độc lập với nhau nhưng đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình hoạt động.
Biện pháp hình sự
Khi hành vi xâm phạm quyền tác giả của cá nhân, tổ chức là hành vi nguy hiểm cho xã hội cấu thành tội phạm thì cá nhân, tổ chức đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc áp dụng biện pháp hình sự thuộc thẩm quyền của tòa án.
Theo đó, để thực hiện biện pháp hình sự, chủ thể thực hiện biện pháp này theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi và bổ sung năm 2017 và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, chủ thể có thể thực hiện quyền của người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại Điều 56 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 để kiến nghị khởi tố hành vi vi phạm pháp luật của chủ thể xâm phạm nếu xét tính chất, mức độ hành vi của chủ thể xâm phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính hoặc gây ra thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Biện pháp dân sự
Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm thep yêu cầu của chủ thể quyền tác giả hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Các tranh chấp quyền tác giả là một loại tranh chấp dân sự, bởi vậy về nguyên tắc tranh chấp về quyền tác giả được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự do Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định.
Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều đặc thù của vi phạm, tranh chấp quyền tác giả, Luật Sở hữu trí tuệ quy định nhiều nội dung cụ thể hơn so với Bộ luật Tố tụng dân sự với mục đích giải quyết tốt loại vi phạm, tranh chấp này.
Ví dụ: quy định về quyền và nghĩa vụ chứng minh của đương sự (Điều 203), nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền SHTT (Điều 204), căn cứ xác định mức bồi thường do xâm phạm quyền SHTT (Điều 205), nghĩa vụ của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 208).
Khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tác giả, Chủ sở hữu của tác phẩm văn học, nghệ thuật có quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền của mình theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự 2015 (Điều 35, 36), thẩm quyền giải quyết các tranh chấp quyền tác giả thuộc tòa án nhân dân cấp huyện.
Thủ tục tố tụng dân sự cho phép chủ thể quyền tác giả được quyền khởi kiện yêu cầu tòa án công nhận quyền của mình; buộc người có hành vi xâm phạm quyền tác giả phải chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc người có hành vi xâm phạm phải bồi thường thiệt hại, phải thực hiện nghĩa vụ, phải xin lỗi, cải chính công khai.
Theo biện pháp dân sự, tòa án buộc cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền tác giả phải bồi thường thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần cho các chủ thể quyền tác giả. Mức bồi thường thiệt hại được xác định theo quy định tại Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019.
Biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, biện pháp kiểm soát hàng hóa liên quan đến quyền tác giả tại cơ quan hải quan được tiến hành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ áp dụng với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại mà không áp dụng đối với vật phẩm không mang tính thương mại và hàng hóa nhập khẩu song song.
Cơ quan hải quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến quyền tác giả. Cụ thể, cơ quan hải quan áp dụng hai loại biện pháp sau: tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền tác giả; kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền tác giả.
Theo Luật hải quan năm 2014 (Điều 73 và Điều 74), cơ quan hải quan được tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với các hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu, tiến hành kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền tác giả.
Trên đây là khái niệm Quyền tác giả và 5 cách bảo hộ quyền tác giả hiện nay, nếu quý khách hàng đang gặp vấn đề về Sở hữu trí tuệ vui lòng liên hệ LTT & Lawyers, các luật sư Sở Hữu Trí Tuệ của chúng tôi sẽ liên hệ với Bạn ngay khi tiếp nhận yêu cầu.