bao-ho-quyen-so-huu-tri-tue-trong-linh-vuc-cong-nghe-thong-tin

Bảo Hộ Quyền Sở Hữu Trí Tuệ Trong Lĩnh Vực Công Nghệ Thông Tin

Ngành công nghệ thông tin của Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng do các tiềm năng to lớn của ngành công nghệ thông tin mà nhiều cá nhân tổ chức đã có những hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân khác. Để giúp các cá nhân, tổ chức có mong muốn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin có cái nhìn tổng quan về quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này mời quý bạn đọc hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây của LTT & Lawyers.

1. Cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin hiện nay tại Việt Nam

Hiện nay, quyền sở hữu trí tuệ sẽ phát sinh trong lĩnh vực công nghệ thông tin khi xuất hiện các tài sản trí tuệ là những sản phẩm công nghệ thông tin. Đối với những sản phẩm công nghệ thông tin như vậy, có rất nhiều cách để có thể bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Theo quy định khoản 9 Điều 4 của Luật Công nghệ thông tin 2006 thì sản phẩm công nghệ thông tin bao gồm:

(i) Sản phẩm phần cứng;

Đối với loại sản phẩm này, thông thường sẽ được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp dưới dạng là một sáng chế và sẽ được cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích tùy thuộc vào trình độ sáng tạo, tính phức tạp trong kỹ thuật của sản phẩm phần cứng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) thì sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Có tính mới;
  • Có trình độ sáng tạo;
  • Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Còn đối với giải pháp hữu ích thì theo quy định này tại khoản 2 Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) thì sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện trên (ngoại trừ điều kiện phải có trình độ sáng tạo).

(ii) Sản phẩm phần mềm;

Thông thường, sản phẩm phần mềm sẽ được đăng ký bảo hộ dưới dạng một chương trình máy tính hoặc bí mật kinh doanh tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng tổ chức, cá nhân sở hữu loại sản phẩm này.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2022)[1] thì chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể. Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy. Theo đó, tại quy định ở khoản 2 Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) thì sản phẩm phần mềm sẽ được bảo hộ quyền tác giả với loại hình chương trình máy tính khi có tác phẩm đã được định hình bởi một hình thức vật chất nhất định và được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo quy định tại khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) thì bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Theo đó, tại quy định Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) thì bí mật kinh doanh sẽ được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
  • Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
  • Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

(iii) Sản phẩm nội dung thông tin số.

Hiện nay, sản phẩm nội dung thông tin số tương đối đa dạng, do đó, có rất nhiều cách bảo hộ khác nhau, có thể bảo hộ loại sản phẩm này như một tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên miền, … Chính vì vậy, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà loại sản phẩm này sẽ có những cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khác nhau. Bạn đọc nếu có nhu cầu xin vui lòng liên hệ với LTT & Lawyers để trao đổi thêm.

2. Những biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin hiện nay tại Việt Nam

Hiện nay, theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ thì các cá nhân, tổ chức hoàn toàn có thể áp dụng những biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) thì hiện nay chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng một hoặc nhiều biện pháp sau đây một cách lần lượt hoặc đồng thời để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:

(i) Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Đối với biện pháp này, các tổ chức, cá nhân có thể sử dụng các công nghệ tiên tiến hiện nay như blockchain hay các mật mã điện tử dân sự, … để có thể ngăn ngừa các sản phẩm công nghệ thông tin như chương trình máy tính hay bí mật kinh doanh của mình bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Biện pháp này chủ yếu mang tính phòng ngừa để hạn chế tối đa hành vi vi phạm xảy ra trên thực tế.

(ii) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại

Đối với biện pháp này, các tổ chức, cá nhân sẽ tiến hành gửi các thông báo và yêu cầu cần thiết đến chủ thể xâm phạm ngay khi phát hiện có hành vi xâm phạm xảy ra để có thể ngăn chặn kịp thời thiệt hại lớn có thể xảy ra. Biện pháp này chủ yếu mang tính cảnh cáo đối với chủ thể xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

(iii) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

Đối với biện pháp này, các tổ chức, cá nhân có thể gửi Đơn yêu cầu tới các cơ quan có thẩm quyền xử phạt theo quy định như Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Thông tin và Truyền thông, Công An, Quản lý thị trường, … để tiến hành xem xét, xử phạt và áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn và xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin của các chủ thể xâm phạm này. Biện pháp này thường được áp dụng trong trường hợp chủ thể xâm phạm không có sự thiện chí trong việc thực hiện yêu cầu của các tổ chức, cá nhân quyền sở hữu trí tuệ trong việc dừng hành vi xâm phạm của mình.

(iv) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Đối với biện pháp này, các tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện ra Tòa án dân sự hoặc Trọng tài thương mại để tiến hành yêu cầu bên xâm phạm bồi thường thiệt hại, đính chính công khai để có thể đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của chủ quyền sở hữu trí tuệ trong công nghệ thông tin. Biện pháp này thường được áp dụng song song hoặc ngay sau khi đã có quyết định xử phạt, ngăn chặn của các cơ quan có thẩm quyền đối với hành vi xâm phạm của chủ thể xâm phạm.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 69 Luật Công nghệ thông tin 2006 thì đối với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngoài việc phải thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, thì các tổ chức, cá nhân còn phải thực hiện theo các quy định sau đây:

(i) Tổ chức, cá nhân truyền đưa thông tin trên môi trường mạng có quyền tạo ra bản sao tạm thời một tác phẩm được bảo hộ do yêu cầu kỹ thuật của hoạt động truyền đưa thông tin và bản sao tạm thời được lưu trữ trong khoảng thời gian đủ để thực hiện việc truyền đưa thông tin;

(ii) Người sử dụng hợp pháp phần mềm được bảo hộ có quyền sao chép phần mềm đó để lưu trữ dự phòng và thay thế phần mềm bị phá hỏng mà không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền.

Để nhận tư vấn chi tiết về nội dung này, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:

Email: info@lttlawyers.com

Hotline: 0996901888

Website: https://lttlawyers.com/vi/trang-chu/

TRỤ SỞ CHÍNH (+84) 28 6270 7278 Lầu 3, 185 Đường Cô Bắc, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

VĂN PHÒNG HÀ NỘI (+84) 24 7300 1255 Phòng 637, Tầng 6, Tòa nhà CIC, Số 2 Ngõ 219 Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

VĂN PHÒNG ĐÀ NẴNG (+84) 905 783 785 02 Đường Đoàn Nhữ Hài, Phường Hòa Khê, Quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng.


[1] Trong phạm vi bài viết này cụm từ “Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022)” được hiểu là văn bản Luật hợp nhất của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11, được sửa đổi, bổ sung bởi các Luật: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 36/2009/QH12, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ số 42/2019/QH14 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 07/2022/QH15.