quy-hoach-su-dung-dat

CHỈ DẪN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT HIỆN NAY

Việc ban hành, thực thi có hiệu quả quy hoạch sử dụng đất có ý nghĩa vô cùng quan trọng đến sự phát triển của kinh tế – xã hội. Vấn đề này, không chỉ quan trọng với Nhà nước mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với người dân. Khi hiểu về quy hoạch, được tiếp cận các nguồn thông tin về quy hoạch, người dân sẽ hiểu rõ hơn về quyền và lợi ích đối với phần đất hiện đang sử dụng và những kế hoạch, dự định đầu tư về đất đai, bất động sản của mình. Bài viết dưới đây sẽ chỉ dẫn đến người đọc một số quy định cơ bản về quy hoạch, cách thức tiếp cận thông tin và một số lưu ý về thực trạng quy hoạch hiện nay.

1. Quy hoạch sử dụng đất và nguyên tắc quy hoạch.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 thì Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định  

Hiện nay, việc lập quy hoạch phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định và những nguyên tắc này được quy định tại Điều 35 Luật Đất đai năm 2013 như sau:

  • Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng; quy hoạch cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã;
  • Bảo vệ nghiêm ngặt đất chuyên trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng;
  • Bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và khả năng, quỹ đất của quốc gia nhằm sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả;
  • Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên; thích ứng với biến đổi khí hậu;
  • Nội dung phân bổ và sử dụng đất trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch.

2. Các loại quy hoạch, thời kỳ quy hoạch, thẩm quyền và nội dung của quy hoạch.

Hiện nay theo quy định tại Điều 36 Luật Đất đai năm 2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 6 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018) thì hệ thống quy hoạch nước ta bao gồm:

  • Quy hoạch cấp quốc gia;
  • Quy hoạch cấp tỉnh;
  • Quy hoạch cấp huyện;
  • Quy hoạch quốc phòng;
  • Quy hoạch an ninh.

Theo đó, mỗi thời kỳ của quy hoạch sử dụng đất sẽ có thời kỳ quy hoạch là 10 năm. Riêng đối với quy hoạch quốc gia thì tầm nhìn của quy hoạch lên tới 30 năm đến 50 năm và với quy hoạch cấp huyện thì tầm nhìn của quy hoạch lên tới 20 năm đến 30 năm.

Cần lưu ý rằng tùy theo từng loại quy hoạch mà nội dung sẽ có sự khác biệt nhất định. Nhìn chung, các nội dung của quy hoạch trước tiên sẽ gắn với việc điều tra xây dựng cơ bản, các điều kiện về tự nhiên, kinh tế – xã hội, tình hình hiện trạng sử dụng đất của từng địa phương và của cả nước để xác định tiềm năng đất đai phục vụ cho quá trình phát triển, từ đó, xác định cả phương hướng, mục tiêu sử dụng đất, xác định dịch tích các loại đất phân bổ cho các nhu cầu khác nhau của mọi lĩnh vực của đời sống.

quy-hoach-su-dung-dat

3. Cách thức tiếp cận thông tin về quy hoạch

Hiện nay người dân có nhiều cách thức khác nhau để tiếp cận đối với các loại quy hoạch sử dụng đất trong toàn bộ quá trình lập và ban hành quy hoạch sử dụng đất.

  • Trong giai đoạn lấy ý kiến để lập quy hoạch: Người dân hoàn toàn có thể truy cập vào trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện hoặc tham gia lấy ý kiến trực tiếp trong hội nghị do Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổ chức.
  • Trong giai đoạn ban hành, công khai quy hoạch:
  • Đối với quy hoạch cấp quốc gia: người dân có thể tiếp cận thông tin bằng việc đến trực tiếp trụ sở của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc truy cập vào trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  • Đối với quy hoạch cấp tỉnh, người dân có thể tiếp cận thông tin bằng việc đến trực tiếp trụ sở của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc truy cập vào trang thông tin điện tử của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
  • Đối với quy hoạch cấp huyện thì người dân hoàn toàn có thể tiếp cận thông tin bằng việc đến trực tiếp trụ sở của Uỷ ban nhân dân cấp huyện hoặc truy cập vào trang thông tin điện tử của Uỷ ban nhân dân cấp huyện (Riêng đối với những phần nội dung quy hoạch cấp huyện mà liên quan đến xã/phường/thị trấn thì người dân có thể trực tiếp đến Uỷ ban nhân dân cấp xã/phường/thị trấn để tiếp cận thông tin về quy hoạch.)

4. Một số lưu ý về quy hoạch trên thực tế hiện nay.

Hiện nay quá trình thực hiện quy hoạch còn một số tồn tại như sau mà người dân cần phải lưu ý khi tìm hiểu về quy hoạch:

  • Vẫn tồn tại việc giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng chưa thống nhất về mục đích sử dụng đất.
  • Còn nhiều dự án phát sinh nằm ngoài quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt do chưa dự báo chính xác, nhất là các dự án về lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ thương mại, các công trình công cộng kêu gọi đầu tư xã hội hóa nên đưa vào xây dựng sớm so với kế hoạch do Doanh nghiệp thu xếp được nguồn vốn.
  • Các hộ dân trong dự án có nhu cầu chuyển quyền sử dụng đất hoặc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất để có vốn kinh doanh, sản xuất nhưng theo quy định khi có Quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh thì đất nằm trong dự án không được thực hiện các thủ tục chuyển quyền và đãng ký thế chấp quyền sử dụng đất, nên tác động ảnh hưởng đến đời sống, sản xuẩt của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng dự án.

Trên đây là những thông tin mà LTT & Các Cộng Sự muốn chia sẻ đến bạn đọc. Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn đọc có được những kiến thức nhất định về quy hoạch giúp ích cho những kế hoạch, dự định đầu tư, sử dụng đất sau này của bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, xin vui lòng liên hệ đến LTT & Các Cộng Sự!