Chính Sách Của Nhà Nước Về Ứng Dụng và Phát Triển CNTT
Vấn đề xúc tiến, khuyến khích ứng dụng và phát triển về công nghệ thông tin bên cạnh các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội ngày càng được Nhà nước quan tâm, chú trọng, cũng như dành một khoản ngân sách hỗ trợ và góp phần giúp các doanh nghiệp xây dựng được nguồn vốn để tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Công nghệ thông tin, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức và cá nhân hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế trọng điểm trong tương lai. Bên cạnh việc đầu tư vào cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, Nhà nước cũng đã xây dựng và ban hành các quy định pháp luật về việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Bài viết dưới đây sẽ chỉ dẫn bạn đọc về chính sách của nhà nước trong việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 5 Luật Công nghệ thông tin năm 2006, chính sách của Nhà nước về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin bao gồm các nội dung sau đây:
(i) Ưu tiên ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
(ii) Tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh; thúc đẩy công nghiệp công nghệ thông tin phát triển thành ngành kinh tế trọng điểm, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.
(iii) Khuyến khích đầu tư cho lĩnh vực công nghệ thông tin.
(iv) Ưu tiên dành một khoản ngân sách nhà nước để ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực thiết yếu, tạo lập nền công nghiệp công nghệ thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
(v) Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia.
(vi) Có chính sách ưu đãi để tổ chức, cá nhân có hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đối với nông nghiệp; nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người có hoàn cảnh khó khăn.
(vii) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.
(viii) Tăng cường giao lưu và hợp tác quốc tế; khuyến khích hợp tác với tổ chức, cá nhân Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Có thể thấy, những quy định trên đã được cụ thể hóa bằng chính sách/văn bản pháp luật có liên quan để hướng dẫn, tăng cường việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực đời sống của quốc gia. Dưới đây là một số chính sách nổi bật trong việc cụ thể hóa những quy định tại Điều 5 Luật Công nghệ thông tin năm 2006:
1. Miễn thuế, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp
Căn cứ quy định tại Điều 10 Luật thuế thu nhập cá nhân 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013, hiện nay, mức thuế suất đối với doanh nghiệp là 20%, trừ các trường hợp đối tượng đó được ưu đãi thuế suất hoặc nếu doanh nghiệp có hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm tại Việt Nam thì mức thuế được áp dụng là từ 32% – 50% đối với từng dự án, cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, đối với trường hợp đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng, đầu tư, phát triển công nghệ thông tin, các ưu đãi về mức thuế suất mà doanh nghiệp này được hưởng cụ thể như sau:
- Miễn thuế trong 4 năm đầu hoạt động;
- Giảm 50% mức thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại khu công nghệ thông tin tập trung sẽ được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo đối với thu nhập doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghệ thông tin tập trung.
2. Miễn, giảm chi phí thuê cơ sở vật chất, chi phí vận hành doanh nghiệp
Dưới đây là một số chính sách về miễn, giảm chi phí trong việc tổ chức hoạt động, vận hành đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin:
- Miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Miễn lệ phí trước bạ, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp lđịnh của pháp luật về lệ phí trước bạ.
3. Hỗ trợ đa dạng hoạt động
Nghị quyết số 41/NQ-CP năm 2016 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam đã bổ sung thêm các hoạt động công nghệ thông tin khác nhằm khuyến khích phát triển và sản xuất công nghệ thông tin vào danh mục hoạt động ưu tiên, được khuyến khích phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn trong tương lai. Theo đó, các hoạt động cần đặc biệt khuyến khích bao gồm:
- Sản xuất và dịch vụ phần mềm;
- Dịch vụ thiết kế, tư vấn CNTT;
- Dịch vụ tích hợp hệ thống;
- Dịch vụ quản lý, duy trì hệ thống CNTT (ứng dụng, mạng, thiết bị);
- Dịch vụ thuê ngoài hệ thống CNTT;
- Dịch vụ bảo mật hệ thống thông tin không sử dụng mật mã dân sự;
- Dịch vụ xử lý, khai thác dữ liệu cơ sở dữ liệu;
- Dịch vụ tìm kiếm thông tin trên mạng;
- Dịch vụ trung tâm dữ liệu Data center;
- Dịch vụ thuê ngoài BPO, KPO cho xuất khẩu;
- Dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử vào Danh Mục hoạt động thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Danh Mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh Mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
4. Ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp
Các dự án hoặc sản phẩm hình thành từ quá trình nghiên cứu và sản xuất công nghệ thông tin của doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ tối đa về mức lãi suất – vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Các dự án nghiên cứu và sản xuất thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin của doanh nghiệp sẽ được tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, được Nhà nước bảo lãnh để vay vốn thuận lợi nhất.
- Các doanh nghiệp dùng tài sản thế chấp để vay vốn được Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho vay với mức lãi suất ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi suất vay tối đa 50% lãi suất vay vốn tại ngân hàng thương mại;
Những ưu đãi tín dụng nêu trên được ban hành để giúp doanh nghiệp dễ dàng vay vốn, bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
5. Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả công nghệ thông tin
Ngoài những ưu đãi về mức thuế thu nhập doanh nghiệp, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh công nghệ thông tin. Theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định số 154/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại khu công nghệ thông tin tập trung được ưu đãi miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định và phục vụ sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin của doanh nghiệp.
Đồng thời, các sản phẩm, dự án hình thành từ kết quả nghiên cứu và sản xuất công nghệ thông tin của doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hải quan nhằm rút ngắn thời gian trong quy trình xuất nhập khẩu máy móc thiết bị và sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin.
Doanh nghiệp công nghệ thông tin được hưởng những ưu tiên về chi phí sử dụng trang thiết bị, không thu phí dịch vụ khi sử dụng máy móc tại các phòng thí nghiệm quốc gia; cơ sở nghiên cứu của Nhà nước để thực hiện các hoạt động nghiên cứu, cũng như nhận được ưu tiên tham gia các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả công nghệ thông tin, tài sản trí tuệ của Nhà nước.
6. Tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia
Bên cạnh các ưu đãi về thuế suất, tín dụng, Nhà nước cũng có những chính sách hỗ trợ huy động các nguồn vốn để khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các tổ chức nghiên cứu – phát triển công nghệ thông tin nhằm phục vụ công tác nghiên cứu – phát triển công nghệ thông tin. Đồng thời xúc tiến các doanh nghiệp đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế; cũng như ban hành quy chế sử dụng phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ thông tin.
7. Giảm 50% thuế thu nhập cá nhân
Bên cạnh chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp, việc giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân khi làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao cũng là một trong những chính sách thuế nổi bật được ban hành tại Nghị quyết số 41/NQ-CP năm 2016. Đây cũng là một trong những giải pháp, chính sách được quan tâm và chờ các quy định của pháp luật được sửa đổi, bổ sung để có thể thực thi trên thực tế.
Để nhận tư vấn chi tiết về nội dung này, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:
Email: info@lttlawyers.com
Hotline: 0996901888
Website: https://lttlawyers.com/vi/trang-chu/
TRỤ SỞ CHÍNH (+84) 28 6270 7278 Lầu 3, 185 Đường Cô Bắc, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
VĂN PHÒNG HÀ NỘI (+84) 24 7300 1255 Phòng 637, Tầng 6, Tòa nhà CIC, Số 2 Ngõ 219 Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
VĂN PHÒNG ĐÀ NẴNG (+84) 905 783 785 02 Đường Đoàn Nhữ Hài, Phường Hòa Khê, Quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng.