Điều Lệ Công Ty Là Gì? Có Ý Nghĩa Ra Sao?

ĐIỀU LỆ CÔNG TY “NGẦU” NHƯ THẾ NÀO?

Dẫn nhập

Lướt qua các quy định của Luật Doanh Nghiệp năm 2014 (“Luật Doanh nghiệp”), ta bắt gặp không ít các cụm từ: “trừ trường hợp Điều lệ Công ty có quy định khác”; “trong trường hợp Điều lệ Công ty không có quy định khác thì…”, “do Điều lệ Công ty quy định …”; “tỷ lệ cụ thể do Điều lệ Công ty quy định…”. Vậy, vị trí cũng như tầm quan trọng của “Điều lệ Công ty” đã được công nhận một cách minh thị, trực tiếp bởi các quy định của pháp luật.

Theo đó, “Điều lệ Công ty” chính là một loại văn bản mang tính quyền lực, được ví như “Hiến pháp” giữa các tổ chức, cá nhân trong nội bộ Công ty. Hơn nữa, Điều lệ còn điều chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân bên ngoài liên quan đến Công ty.

Vậy, Điều lệ Công ty có ý nghĩa gì?

Thứ nhất, khi vận hành, Điều lệ giúp các Công ty tự do ý chí trong việc chủ động lựa chọn cách thức quản trị doanh nghiệp phù hợp.

Theo đó, Điều lệ của riêng Công ty sẽ giúp quy định rõ về những vấn đề cốt lõi và nền tảng cho sự vận hành của Công ty như: Cơ cấu tổ chức quản lý; Quy định về bổ nhiệm các chức danh chủ chốt; Thẩm quyền và thể thức thông qua các quyết định của bộ máy điều hành; Nguyên tắc phân chia lợi nhuận; Chế độ tuyển dụng, lương thưởng…

Thứ hai, khi phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp, Điều lệ Công ty sẽ đóng vai trò như “kim chỉ nam”, bên cạnh các quy định pháp luật, giúp cân bằng lợi ích của Các Bên.

Theo đó, Điều lệ Công ty sẽ giúp quy định rõ: Nội dung điều khoản rút lui, tạo lối thoát cho Các Bên; Pháp luật cũng như Cơ quan giải quyết tranh chấp; Quyền và nghĩa vụ tương ứng của Các Bên khi chấm dứt các hoạt động kinh doanh…

Thứ ba, Điều lệ Công ty thể hiện sự nghệ thuật trong quản trị kinh doanh.

Trước hết, trong quan hệ đối nội giữa các thành viên, Điều lệ Công ty đôi khi sẽ đóng vai trò như chiếc “vòng kim cô” tạo thế kiềm kẹp, đối trọng quyền lực giữa các bên sao cho cân bằng tốt nhất lợi ích của các bên. Mặt khác, trong quan hệ đối ngoại, Điều lệ Công ty sẽ giúp thu hút nhiều nhà đầu tư góp vốn hơn nếu trong Điều lệ bao chứa các quy định, điều khoản tiến bộ, khuyến khích hợp tác.

Thực trạng

Như đã phân tích, “Điều lệ Công ty” có vai trò tối quan trọng đối với sự thành, bại của mỗi Công ty khi vận hành cũng như khi nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp.

Ấy vậy mà ngày nay, khi thực hiện các thủ tục thành lập, phần lớn các Công ty không thật sự chú trọng đến việc xây dựng, soạn thảo “Điều lệ Công ty” một cách kỹ lưỡng mà chỉ làm “đại khái, qua loa” để nhanh chóng tiến hành các thủ tục.

Điều này tiềm ẩn rất nhiều những rủi ro pháp lý trong tương lai. Bởi lẽ “Điều lệ…mẫu” chỉ dành cho các “Công ty…mẫu”, còn để áp dụng vào các hoạt động đặc thù, các mối quan hệ quản trị riêng biệt, các gói quyền-nghĩa vụ cụ thể, Công ty nên chú tâm hơn khi “bắt tay” xây dựng Điều lệ Công ty.

Thay lời kết

Để nhận được sự hỗ trợ pháp lý đặc thù, Công ty nên tìm đến các Công ty Luật uy tín nhằm xây dựng riêng cho mình một bộ “Điều lệ Công ty” phát huy được hết vai trò, giá trị vốn có của bộ “Hiến pháp” này./.

——————————

[LTT & LAWYERS:] Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.

Mọi vướng mắt pháp lý liên quan đến Điều lệ xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi:

☎️ Công ty Luật TNHH LTT Và Các Cộng Sự
– E-mail: info@lttlawyers.com
– Phone: (+84) 906 122 830
– Website: www.lttlawyers.com
– Trụ sở chính: Tầng 19, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiều, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.