Giao dịch vay giữa các doanh nghiệp
Giao dịch vay giữa các doanh nghiệp: Vốn là điều kiện không thể thiếu được để thành lập một doanh nghiệp
và tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh.Trong điều kiện kinh tế thị trường, các phương thức huy động vốn cho doanh nghiệp được đa dạng hóa, các nguồn tài chính được sử dụng hiệu quả, góp phần thu hút vốn vào các doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp có thể huy động vốn cho hoạt động kinh doanh của mình thông qua hai kênh chính: các tổ chức tín dụng và thị trường vốn. Trong đó, vốn vay từ các tổ chức tín dụng là kênh huy động chính và có hiệu quả nhất, xuất phát từ năng lực tài chính và nghiệp vụ kinh doanh của tổ chức tín dụng.
Ngoài hai loại hình huy động vốn như trên, trong thực tế tồn tại hình thức huy động vốn trực tiếp từ các tổ chức, các doanh nghiệp và cá nhân cũng là một trong những giải pháp thường được các doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề vay vốn của doanh nghiệp từ một doanh nghiệp khác đã nảy sinh một số vấn đề pháp lý đáng quan tâm sau:
- Việc thực hiện hợp đồng vay giữa các doanh nghiệp không có đăng ký hoạt động cho vay có hợp pháp không?
- Nếu hợp đồng vay giữa các doanh nghiệp này đã được ký kết thì những hậu quả pháp lý nào có thể phát sinh từ hợp đồng vay này?
- Mối quan hệ giữa các quy định chung và quy định riêng của Luật doanh nghiệp 2005 và Luật về các tổ chức tín dụng.
Bài viết này đề cập đến một số vấn đề pháp lý liên quan đến loại hình giao dịch này.
1. Việc thực hiện hợp đồng vay giữa các doanh nghiệp không có đăng ký hoạt động cho vay thì có hợp pháp không?
Xung quanh vấn đề quyền cho vay của doanh nghiệp không có đăng ký hoạt động cho vay xuất hiện hai quan điểm trái ngược nhau.
Quan điểm 1: Doanh nghiệp không đăng ký hoạt động cho vay trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không được phép cho doanh nghiệp khác vay tiền với các căn cứ pháp lý và những lý do sau:
Thứ nhất, xét trên khía cạnh luật pháp hiện hành, cụ thể là theo Điều 9 Luật doanh nghiệp 2005 quy định “Doanh nghiệp có nghĩa vụ hoạt động kinh doanh theo đúng nghành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…”. Quy định này nhằm quản lý sự hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên cơ sở đăng ký nghành, nghề trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi doanh nghiệp được thành lập. Đây là một quy định tương đối rõ ràng khẳng định rằng các doanh nghiệp không được phép có các hoạt động kinh doanh mà không đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước. Một thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam là vẫn hoạt động kinh doanh trong những nghành, nghề không có đăng ký kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính đã hình thành hàng loạt các công ty kinh doanh vốn dưới hình thức vay của doanh nghiệp này để cho doanh nghiệp khác vay lấy lời, hoặc chiếm dụng vốn của bạn hàng để cho vay lấy lời trong một thời gian.
Chúng ta thử hình dung về chuyện doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh đối với hoạt động cho vay nhưng lại ký kết hợp đồng cho vay tiền với một doanh nghiệp khác trên hai khía cạnh sau: Việc cho vay của doanh nghiệp chỉ xảy ra một lần trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp và hợp đồng vay này không phát sinh lợi ích vật chất nào(vay không tính lãi) đối với doanh nghiệp cho vay. Và theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 định nghĩa về hoạt động kinh doanh như sau “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lơi” thì liệu rằng giao dịch vay vừa đề cập trên có phải là một hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay không hay giao dịch vay này chỉ mang tính chất một hợp đồng vay dân sự thông thường (quan hệ dân sự giữa các chủ thể thông thường). Điều này sẽ có một ý nghĩa đối với sự công nhận giao dịch cho hợp đồng vay cũng như căn cứ pháp luật điều chỉnh hoạt động vay này.
Thứ hai, Theo quy định của pháp luật thì hoạt động cho vay (cấp tín dụng) là một lĩnh vực chuyên ngành về nghiệp vụ ngân hàng, quyền thực hiện hoạt động này chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp là các tổ chức tín dụng mà thôi. Các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng sẽ không được thực hiện bất kỳ một giao dịch vay, cho vay nào dù có mục đích sinh lợi hay không.
Một điều dễ nhận thấy rằng quan điểm này xuất phát từ ý chí quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Với mong muốn có được một môi trường tài chính ổn định cho hoạt động của doanh nghiệp, hơn là một cơ chế thông thoáng cho sự lưu chuyển tài chính trong một môi trường kinh doanh năng động nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực về vốn. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng quan điểm quản lý này cũng có cơ sở, vì một nền tư pháp chưa thật sự mạnh như nước ta hiện nay, việc giải quyết các tranh chấp từ hợp đồng vay một cách hiệu quả và nhanh chóng là việc không dễ dàng gì. Đồng thời, về mặt thực tiễn hiện tượng các doanh nghiệp chiếm dụng vốn của nhau không phải là hiếm.
Quan điểm 2 : Giao dịch vay giữa các doanh nghiệp không có đăng ký hoạt động vay là hợp pháp và đây là một quan hệ vay dân sự thông thường, thể hiện quyền định đoạt tài sản của doanh nghiệp.
Xuất phát từ cơ sở pháp lý tại các Điều 8 “Doanh nghiệp có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp”. Và việc thực hiện giao dịch cho vay của doanh nghiệp là một trong những biểu hiện của quyền này. Khía cạnh mà những người theo quan điểm này muốn khai thác là một quyền dân sự thông thường của doanh nghiệp- một chủ thể của luật dân sự.
Ngoài ra, quan điểm này còn được viện dẫn từ các điều luật: Điều 47 và Điều 64 Luật doanh nghiệp: Doanh nghiệp được quyền huy động vốn bằng việc vay từ các tổ chức và cá nhân khác. Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty quyết định vấn đề này tuy nhiên chỉ vì có một quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp tại Điều 9 về nghĩa vụ hoạt động kinh doanh theo nghành, nghề đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà phủ nhận toàn bộ quyền đã nêu ở trên, liệu điều này có tạo ra mâu thuẫn gì không (?!).
2. Nếu hợp đồng vay giữa các doanh nghiệp này đã được ký kết thì những hậu quả pháp lý nào có thể phát sinh từ hợp đồng vay này?
Cũng như phần 1 đã nêu ở trên, xuất phát từ hai quan điểm trái chiều nhau như trên nên cũng tồn tại hai hướng giải quyết khác nhau cho một vấn đề.
Những người theo quan điểm 1 thì cho rằng, đây là một giao dịch vay trái luật vì một trong các bên chủ thể không có quyền thực hiện giao dịch này (Doanh nghiệp cho vay) chính vì thế nếu giao dich vay này phát sinh tranh chấp mà các bên đưa vụ việc đến tòa để giải quyết. Một quyết định mà tòa sẽ đưa ra cho giao dịch này đó là tuyên giao dịch vô hiệu căn cứ các Điều 128, 137 Bộ luật dân sự thì trường hợp này là giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật “điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định ” và “giao dịch dân sự vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên, kê từ thời điểm xác lập…”.
Những người theo quan điểm 2 thì cho rằng giao dịch dân sự được phép và hợp pháp, trên cơ sở thỏa thuận trong hợp đồng các bên sẽ phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình miễn là sự thỏa thuận này không trái các quy định của pháp luật.
3. Quan hệ giữa các quy định chung và quy định riêng của Luật doanh nghiệp 2005 và Luật về các tổ chức tín dụng.
Vì rằng giao dịch vay giữa các doanh nghiệp có thể sẽ chịu sự điều chỉnh của ít nhất hai văn bản luật: Luật doanh nghiệp và Luật các tổ chức tín dụng nên cũng cần nghiên cứu thêm về mối quan hệ giữa các quy định chung và quy định riên của Luật doanh nghiệp 2005 và Luật về các tổ chức tín dụng.
Về lý thuyết mà nói thì phần chung của Luật doanh nghiệp từ Điều 1 đến Điều 37, là phần quy định mang tính chất nguyên tắc làm căn cứ để triển khai các quy định cụ thể ở các chương tiếp theo cho từng loại hình doanh nghiệp. Nhưng chúng ta bắt gặp có sự không rõ ràng giữa phần chung và phần cụ thể của luật như sau:
Tại Điều 9 Luật doanh nghiệp với quy định về nghĩa vụ doanh nghiệp phải hoạt động kinh doanh theo đúng nghành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên ở các Điều 47 và Điều 64 Luật doanh nghiệp quy định cụ thể quyền hạn của Hội đồng thành viên và chủ sở hữu công ty rằng quyền được quyết định thông qua hợp đồng vay, cho vay. Nếu hiểu quy định như vậy là mặc nhiên cho phép doanh nghiệp có quyền tham gia các hợp đồng vay (dù vay dân sự hay vay thương mại) thì doanh nghiệp cũng được phép liệu có chính xác không (?!).
Một vấn đề nữa cũng được nêu ra là mối quan hệ trong việc áp dụng luật doanh nghiệp và luật tổ chức tín dụng như thế nào?
Việc quy định thẩm quyền của Hội đồng thành viên (công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) và Chủ sở hữu của (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên) có phải là thẩm quyền tuyệt đối cho tất cả các công ty dù họ hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào?. Vì quyền thông qua hợp đồng vay và cho vay của Hội đồng thành viên và chủ sở hữu công ty chỉ được hiểu là các tổ chức tín dụng. Nói một cách khác thì các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng thì Hội đồng thành viên và Chủ sở hữu công ty không mặc nhiên có thẩm quyền này.
Từ những căn cứ trên chúng ta cần xem xét lại các điều khoản về quyền hạn của hội đồng thành viên và chủ sở hữu công ty trong khi soạn thảo Điều lệ cho các doanh nghiệp không có đăng ký hoạt động cho vay.
Trên đây là một số suy nghĩ của tôi xung quanh vấn đề vay và cho vay giữa các doanh nghiệp không có đăng ký hoạt động cho vay. Với những quan điểm đưa ra ở trên mong nhận được sự góp ý của các anh chị và các bạn đồng nghiệp góp ý để hoàn thiện hơn nữa nội dung của bài viết này.
Lê Trọng Thêm (*)
(*) Bài này được Lê Trọng Thêm viết và đăng trên tạp chí nội bộ của InvestCounsult năm 2008