Điều gì “giữ chân” người lao động ở một doanh nghiệp?

Điều gì “giữ chân” người lao động ở một doanh nghiệp?

Một nhân viên khi làm việc trong doanh nghiệp trong xã hội ngày nay, không còn đơn thuần chỉ là người đó được tuyển vì doanh nghiệp thấy phù hợp mà ngay cả người lao động cũng phải thấy công việc và môi trường phù hợp với chính họ. Một người lao động muốn ra đi, người sử dụng lao động có muốn níu giữ không và quan trọng hơn, doanh nghiệp có thể giữ chân nhân viên ở lại không? Vậy điều gì khiến nhân viên ở lại công ty?yeu-to-giu-nhan-vien-o-lai

 

Câu trả lời có thể là có hoặc có thể là không, nhưng cuối cùng quyết định vẫn thuộc về người lao động. Tuy nhiên, nếu người sử dụng lao động tạo điều kiện tốt nhất để “giữ chân” người lao động thì vẫn có thể khiến người lao động toàn tâm, toàn ý làm việc cho một doanh nghiệp.

Có thể bất kỳ ai cũng nghĩ ngay là tiền lương, đúng vậy, thế nhưng tiền lương chỉ là một trong những yếu tố trong số đó, không phải là yếu tố quan trọng và quyết định. Nhưng trong thời đại mà người lao động luôn muốn cân bằng cuộc sống thì mức tiền lương luôn phải phù hợp và có tính cạnh tranh để người lao động không phải bị chi phối về yếu tố này.

Yếu tố để nhân viên quyết định ở lại?

Yếu tố  tiên quyết đó lại chính là đam mê của người lao động, nếu người lao động có đam mê, họ sẽ vượt qua được nhiều rào cản chông gai trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp và cả trong sự nghiệp của chính người lao động đó. Chính doanh nghiệp cũng sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến đam mê của người lao động trong công việc. Khi người lao động đã tìm được đam mê và đang làm việc cho doanh nghiệp, thì không chỉ người lao động đó phải nuôi dưỡng đam mê của chính họ và doanh nghiệp phải cùng họ nuôi dưỡng đam mê đó.

Để có thể nuôi dưỡng được đam mê của người lao động, doanh nghiệp có thể cân nhắc nhiều yếu tố, về môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp, về sự bình đẳng giữa những người lao động, về việc trao cơ hội để người lao động phát triển bản thân và cống hiến cho doanh nghiệp, cả về việc giúp người lao động cân bằng cuộc sống; cũng như doanh nghiệp cũng phải có chiến lược kinh doanh rõ ràng và ổn định, lâu dài và có tương lai. Hơn hết, doanh nghiệp phải luôn coi người lao động, không chỉ đơn giản là người làm việc, giúp việc cho doanh nghiệp mà phải là người đồng hành, cùng tạo dựng sự thành công và phát triển của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp muốn trở thành ngôi nhà thứ hai của người lao động, điều này là khó, rất khó nhưng không phải là không thực hiện được. Nếu thực hiện được, doanh nghiệp có thể sẽ luôn giữ được những người lao động, khi mà nơi đã là nhà, thì luôn là nơi họ cảm thấy an yên và hạnh phúc, là nơi họ có thể là chính mình, thoải mái phát triển và cũng đồng thời là nơi mà họ sẽ chẳng nỡ rời xa.

Do vậy, tùy vào từng nhu cầu và mục tiêu phát triển của doanh nghiệp, doanh nghiệp cần phải cân nhắc các yếu tố phù hợp để người lao động biết rằng, đó là nơi họ thuộc về và để “giữ chân” những người lao động chân chính.

Để có thể phân tích trọn vẹn những yếu tố để “giữ chân” người lao động thì có viết cả vài cuốn sách cũng có thể chưa đủ, bởi vì người lao động là con người, mà mỗi con người đều là những thực thể duy nhất, không ai giống ai hoàn toàn và cũng không ai có thể là bản sao của bất kỳ ai. Do đó, trong phạm vi bài viết này, đều là những chia sẻ khái quát nhất và mang tính chất tham khảo.