Hiệu lực của Nội quy lao động bắt đầu khi nào?
Hiệu lực của Nội quy lao động bắt đầu khi nào?
Nội quy lao động có hiệu lực khi nào là một vấn đề tưởng trừng đơn giản tuy nhiên khi nghiên cứu và phân tích kỹ các quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn thực hiện, câu trả lời cho câu hỏi này cần được làm rõ để doanh nghiệp dễ dàng nắm được hiệu lực của nội quy lao động. Cụ thể:
1/ Nội quy lao động có hiệu lực khi có văn bản thông báo đã đăng ký hợp lệ
Theo Điều 122 của Bộ luật Lao động, nội quy lao động có hiệu lực sau thời hạn 15 ngày (ngày lịch) kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nhận được hồ sơ đăng ký nội quy lao động, trừ trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có văn bản thông báo nội quy lao động có nội dung trái pháp luật.
Điều 122. Hiệu lực của nội quy lao động
Nội quy lao động có hiệu lực sau thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nhận được hồ sơ đăng ký nội quy lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của Bộ luật này.
Điều 122 của Bộ luật Lao động được hướng dẫn bởi Điều 28 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP và Điều 10 của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước có nghĩa vụ cấp giấy xác nhận đã nhận hồ sơ đăng ký nội quy lao động.
Mặc dù các điều luật này được hiểu rằng dựa trên giấy xác nhận đã nhận đủ hô sơ, doanh nghiệp sẽ đếm đủ 15 ngày sau ngày nộp hồ sơ để xác định ngày có hiệu lực cho nội quy lao động của mình tuy nhiên thực tế thực hiện tại các địa phương thì không như vậy.
Khi cơ quan quản lý nhà nước “cảm thấy” khả năng nội quy lao động không có nội dung nào trái luật, cơ quan quản lý lao động sẽ phát hành một công văn “Thông báo cho doanh nghiệp nội quy lao động đã được đăng ký hợp lệ”.
2/ Nội quy lao động có hiệu lực với một số nội dung bảo lưu quan điểm của cơ quản quản lý nhà nước
Cũng theo các quy định nêu trên, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký nội quy lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động có quyền ra văn bản thông báo nội quy lao động có nội dung trái với quy định pháp luật và yêu cầu doanh nghiệp phải sửa đổi bổ sung và đăng ký lại nội quy lao động.
Thực tế khi đăng ký nội quy lao động, các chuyên viên thực hiện việc xem xét, đánh giá nội quy lao động thường có hơn 1 lần yêu cầu sửa nội quy lao động mà không thông qua thủ tục thông báo nêu trên. Điều này đã gây khó khăn và kéo dài thời hạn đăng ký nội quy lao động của doanh nghiệp hơn so với thời hạn mà luật cho phép.
Trong một số trường hợp, quan điểm pháp lý về một số quy định trong nội quy lao động giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước là khác nhau mà không thể đi đến thống nhất.
Lúc này, cơ quan quản lý nhà nước có thể ra thông báo cho doanh nghiệp về việc nội quy lao động đã được đăng ký hợp lệ nhưng bảo lưu các nội dung mà cơ quan quản lý lao động cho rằng nội dung này không phù hợp với quy định của pháp luật.
Ngoài ra cũng chia sẻ thêm thực tiễn tại một số địa phương vì khối lượng công việc của cơ quản quản lý nhà nước bị quá tải. Do đó không ngoại lệ cơ quan quản lý lao động ra văn bản bỏ lửng hiệu lực của nội quy lao động khi ra thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký nhưng để ngỏ thời gian ra thông báo nội quy lao động đã được đăng ký hợp lệ.
Tóm lại, từ thực tiễn và các quy định pháp luật hiện hành cho thấy rằng nội quy lao động chỉ có hiệu lực khi cơ quản quản lý lao động địa phương ra thông báo về nội quy lao động đã được đăng ký hợp lệ.
Trên đây là ý kiến tư vấn của LTT & LAWYERS, mọi vướng mắt trong về Hiệu lực của Nội quy lao động cũng như các vấn đề khác trong lĩnh vực Lao động, xin vui lòng liên hệ:
☎️ Công ty Luật TNHH LTT Và Các Cộng Sự
– E-mail: info@lttlawyers.com
– Phone: (+84) 906 122 830
– Website: www.lttlawyers.com
– Trụ sở chính: Tầng 19, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower. Số 4 Nguyễn Đình Chiều, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.