khoi-kien-dan-su

Khởi Kiện Dân Sự Như Thế Nào Là Đúng Luật

Hiện nay, không ít trường hợp kiện tranh chấp tại Toà án, do đó, điều mà mọi người quan tâm là khởi kiện như thế nào cho đúng luật. Bài viết này chỉ dẫn một số lưu ý khởi kiện dân sự đúng quy định pháp luật.

Quyền khởi kiện

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Như vậy, bất cứ ai cũng có quyền khởi kiện (tự mình hoặc thông qua người đại diện) tại Tòa án để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Hồ sơ khởi kiện gồm giấy tờ, tài liệu gì?

Hồ sơ khởi kiện vụ án dân sự gồm:

Đơn khởi kiện (Mẫu số 23-DS: Đơn Khởi kiện Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)

Các tài liệu, chứng cứ, giấy tờ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện (Hợp đồng vay tiền, hợp đồng cho thuê, giấy vay nợ, giấy biên nhận, biên lai, lệ phí, đơn xác nhận,…);

Bản sao CMND hoặc hộ chiếu, sổ hộ khẩu gia đình (có sao y bản chính).

Các tài liệu khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án (nếu có).

khoi-kien-dan-su

Nội dung đơn khởi kiện gồm nội dung gì?

Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:

Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;

Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);

Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;

Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);

Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

Cách thức gửi đơn khởi kiện

Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án;
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
  • Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).