Luật về vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không
Ra đời sau những phương thức vận tải khác, song đến nay vận tải hàng
không giữ vai trò rất quan trọng trong ngành vận tải. Phương tiện vận tải hàng không được dùng trong hàng không chủ yếu là máy bay. Máy bay gồm nhiều loại khác nhau, từ khi ra đời máy bay được biết tới như là một phương tiện dùng cho chiến tranh, không nhiều là dùng vào mục đích vận chuyển con người. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học hàng không, máy bay còn được biết đến như là một phương tiện vận chuyển nhanh, là phương tiện vận tải có thê dễ dàng vượt qua các loại địa hình hiểm trở như các đỉnh núi, các đại dương. Nhờ có sự phát triển của vận tài hàng không, tốc độ lưu chuyển hàng hóa và con người đã tăng lên nhanh chóng. Tuy không chiếm một tỷ trọng vận chuyển nhiều như đường biển nhưng hàng không đã và đang một vai trò to lớn đối với sự vận chuyển của con người với các ưu điểm như: giảm được đoạn đường vận chuyển, tốc độ vận chuyển và khai thác nhanh, thời gian vận chuyển nhanh chóng, đơn giản về thủ tục và độ an toàn cao. Bên cạnh đó, vận tải hàng không cũng có một số hạn chế như: cước vận tải cao, không phù hợp với hàng hóa có khối lượng, lớn giá trị thấp, đòi hỏi đầu tư lớn về trang thiết bị và con người.
Nói đến vận chuyển hàng không chúng ta thấy rằng đối tượng của vận chuyển hàng không bao gồm: hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện, thư bằng đường hàng không. Trong phạm vi nghiên cứu của bài viết này xin đề cập đến vấn đề vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam chưa có một hãng hàng không nào có sử dụng máy bay chuyên dụng vào mục đích vận chuyển hàng hóa, việc vận chuyển hàng hóa chủ yếu là được vận chuyển kết hợp trên các chiếc may bay chở khách. Với tiềm năng thị trường lớn như Việt Nam hiện nay, việc phát triển một hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không là một nhu cầu tất yếu, cần được khai thác. Các hãng hàng không quốc tế, sớm nhìn ra được tiềm năng của thị trường chưa được khai thác, một số công ty vận tải của nước ngoài sớm được thành lập tại Việt Nam như Công ty chuyển phát nhanh quốc tế DHL, hay thương hiệu UPS tham gia vào dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Từ tiềm năng phát triển và nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam về khía cạnh kinh tế xin không bàn tiếp, dưới đây xin đi tìm khung pháp lý cho việc kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không dưới góc độ pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế.
Xét dưới góc độ luật quốc tế, Việt Nam là thành viên của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO- International Civil Aviation Organization) (1), là một bên của Công ước Vac-xa-va 1929 và Nghị định thư Hague 1955, Việt Nam đang xem xét việc gia nhập Hiệp định Montreal (2). Hãng hàng không Việt Nam, Vietnam airline là thành viên của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA- International Aviation Transport Association) (3). Từ tư cách thành viên, cũng như là một bên của các công ước, hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của những quy định của pháp luật quốc tế.
Xét dưới dưới kinh tế thương mại quốc tế, WTO không điều chỉnh về vận tải hàng hóa và vận tải hành khách bằng đường hàng không mà chỉ điều chỉnh về một số dịch vụ hỗ trợ như tiếp thị và bán sản phẩm hàng không, đặt giữ chỗ bằng máy tính và dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa máy bay. Cam kết của Việt Nam về các dịch vụ nói trên rất thông thoáng phù hợp với thực tiễn của ngành Hàng không và nhằm mục tiêu thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa máy bay ở Việt Nam
Như vậy, pháp luât điều chỉnh về hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không trong vấn đề thành lập, hoạt động của chủ thể kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không sẽ là pháp luật về hàng không của Việt Nam. Trong phạm vi bài viết “bước đầu tìm hiểu tìm hiểu pháp luật về vận chuyển hàng hàng hóa bằng đuờng hàng không ” sẽ trình bày vấn đề về quy chế pháp lý cho việc thành lập, kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không theo pháp luật Việt Nam hiện hành trên tinh thần có sự tham khảo các quy định của pháp luật thế giới.
1. Ai được phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không
Theo quy định của Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 và các văn bản hướng dẫn, kinh doanh vận chuyển hàng hóa nói riêng và kinh doanh vận chuyển hàng không nói chung là nghành, nghề kinh doanh có điều kiện và do doanh nghiệp vận chuyển hàng không thực hiện (hay còn gọi là các hãng hàng không). Theo đó, chủ thể được phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không phải là các hãng hàng không, bao gồm hãng hàng không Việt Nam và hãng hàng không nước ngoài. Điều kiện chung để được cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không:
- Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà ngành kinh doanh chính là vận chuyển hàng không;
- Có phương án bảo đảm có tàu bay khai thác;
- Có tổ chức bộ máy, có nhân viên được cấp giấy phép, chứng chỉ phù hợp bảo đảm khai thác tàu bay, kinh doanh vận chuyển hàng không;
- Đáp ứng điều kiện về vốn theo quy định của Chính phủ;
- Có phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không phù hợp với nhu cầu của thị trường và quy hoạch, định hướng phát triển ngành hàng không;
- Có trụ sở chính và địa điểm kinh doanh chính tại Việt Nam
Ngoài các điều kiện chung, pháp luật Việt Nam cũng có những quy định về điều kiện riêng cho mỗi hãng hàng không:
Điều kiện về vốn: vận chuyển hàng không là nghành dịch vụ đòi hỏi có sự đầu tư lớn về máy móc trang thiết bị, không chỉ phương tiện vận chuyển, trang thiết bị mặt đất cũng khá tốn kém. Theo quy định của pháp luật hiện hành để được cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không nhà đầu tư- hãng hàng không khi kinh doanh vận chuyển sử dụng từ 1 đến 10 máy bay và khai thác thị trường vận chuyển hàng không nội địa phải có vốn điều lệ ít nhất 200 tỷ Việt Nam Đồng và 500 tỷ Việt Nam đồng cho việc khai thác thị trường vận chuyển hàng không quốc tế. Nếu sử dụng số lượng máy bay khai thác lớn hơn 10 chiếc, các hãng hàng không phải đáp ứng một lượng vốn pháp định lớn hơn theo quy định của Nghị định 75/2007/NĐ-CP.
(b) Hãng hàng không nước ngoài
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền khai thác vận chuyển hàng không nội địa là được giành cho các hãng hàng không Việt Nam. Hãng hàng không quốc tế chỉ được khai thác vận chuyển hàng không nội địa trong trường hợp vì mục đích phòng chống, khắc phục thiên tai dịch bệnh và viện trợ nhân đạo khẩn cấp, phải được sự chấp thuận của Bộ giao thông vận tải. Đây là quy định khá phổ biến mà các quốc gia thường áp dụng điển hình là Mỹ.
Ngoài điều kiện về vốn pháp định như theo quy định của Nghị định 75/2007/NĐ-CP, hãng hàng không nước ngoài khi thành lập tại Việt Nam còn phải tuân thủ về tỷ lệ góp vốn: bên nước ngoài không chiếm quá 49% vốn điều lệ đối với hãng hàng không, hoặc 49% vốn điều lệ đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung; một cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài không chiếm quá 30% vốn điều lệ. Người đại diện theo pháp luật của hãng phải là công dân Việt Nam và không quá một phần ba tổng số thành viên trong bộ máy điều hành là người nước ngoài.
2. Hàng hóa và vận đơn trong vận chuyển hàng không.
a) Hàng hóa
Những hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không, phải là hàng hóa được phép lưu thông theo quy định của pháp luật. Hàng hóa trong vận chuyển hàng không được phân ra làm hai loại hàng hóa thông thường và hàng hóa nguy hiểm. Đối với hàng hóa thông thường việc vận chuyển phải tuân thủ các quy định về về bao bì, đóng gói, ký hiệu, mã hiệu hàng hoá của người vận chuyển. Đối với hàng hóa nguy hiểm, ngoài việc tuân theo các quy định của người vận chuyên, hàng hóa nguy hiểm chỉ được vận chuyển khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường hàng không theo Quyết định 13/2007/QĐ-BGTVT và theo phụ lục 18, Công ước về hàng không dân dụng quốc tế.
b) Vận đơn
Vận đơn hàng không (Airwaybill-AWB) là chức từ vận chuyển hàng hoá và bằng chức của việc ký kết hợp đồng và vận chuyển hàng hoá bằng máy bay, về điều kiện của hợp đồng và việc đã tiếp nhận hàng hoá để vận chuyển.
Chức năng của vận đơn hàng không: là bằng chức của một hợp đòng vận tải đã được ký kết giữa người chuyên chở và người gửi hàng, bằng chứng của việc người chuyên chở hàng không đã nhận hàng, giấy chứng nhận bảohiểm hàng hoá vận chuyển bằng đường hàng không, chứng từ kê khai hải quan của hàng hoá, hướng dẫn cho nhân viên hàng không trong quá trình phục vụ chuyên chở hàng hóa.
Nếu như vận đơn trong vận tải đường biển đóng vai trò rất quan trọng trong giao dịch, nó vừa là chứng từ sở hữu hang hóa. Trong vận tải hàng không, người ta không sử dụng vận đơn vẫn có thể giao dịch được, và vận đơn không được xem là chứng từ sở hữu hàng hóa như vận đơn đường biển. Nguyên nhân của điều này là do tốc độ vận tải hàng không rất cao, hành trình của máy bay thường kết thúc và hàng hoá được giao ngay ở nơi đến một khoảng thời gian dài trước khi có thể gửi chứng từ hàng không từ người xuất khẩu qua ngân hàng của họ tới ngân hàng của người nhập khẩu để rồi ngân hàng của người nhập khẩu gửi cho người nhập khẩu. Vì những lý do trên mà vận đơn hàng không thường không có chức năng sở hữu hàng hoá. Vận đơn hàng không có thể do hãng hàng không phát hành, cũng có thể do người khác không phải do hãng hàng không ban hành.
Các loại vận đơn: Có nhiều cách phân loại vận đơn hàng không. Nếu căn cứ vào người phát hành có hai loại vận đơn của hãng hàng không (Airline airway bill) và vận đơn trung lập ( Neutral airway bill). Nếu căn cứ và việc gom hàng có vận đơn chủ (Master Airway bill-MAWB) và vận đơn của người gom hàng (House airway bill-HAWB).
Nội dung của vận đơn:vận đơn hàng không được in theo mẫu tiêu chuẩn của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế IATA (IATA standard form). Một bộ vận đơn bao gồm nhiều bản, trong đó bao gồm 3 bản gốc (các bản chính) và các bản phụ
Mỗi bản vận đơn bao gồm 2 mặt, nội dung của mặt trước của các mặt vận đơn giống hệt nhau nếu không kể đến màu sắc và những ghi chú ở phía dưới khác nhau, ví dụ bản gốc số 1 thì ghi chú ở phía dưới là “bản gốc số 1 dành cho người chuyên chở phát hành vận đơn”, còn bản số 4 thì lại ghi là “bản số 4, dùng làm biên lai giao hàng”
Mặt sau của bản vận đơn khác nhau, ở những bản phụ mặt sau để trống, ở các bản gốc là các quy định có liên quan đến vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không.
3. Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không
Hợp đồng vận chuyển hàng hoá là sự thoả thuận giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển, theo đó người vận chuyển có nghĩa vụ vận chuyển hàng hoá đến địa điểm đến và trả hàng hoá cho người có quyền nhận; người thuê vận chuyển có nghĩa vụ thanh toán cước phí vận chuyển.
Như vậy, Hợp đồng vận chuyển hàng hóa phải có ít nhất hai bên chủ thể tham gia vào hợp đồng, bên vận chuyển và bên thuê vận chuyển. Theo quy định của pháp luật bên vận chuyển phải là tổ chức cung cấp dịch vụ vận chuyển thương mại bằng đường hàng không.
Pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng này có thể bao gồm: các công ước mà Việt Nam là một bên như công ước Vác-xa-va, nghị định thư Hague… luật hàng khôn dân dụng Việt Nam, Bộ luật dân sự, và các văn bản hướng dẫn.
Các nội dung chính trong hợp đồng: loại hàng, khối lượng, địa điểm giao hàng, thời gian, cước phí, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, đa phần các quy định của hợp đồng vận chuyển đều được ghi nhận trong vận đơn hàng không
Vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không là một phương thức vận tải còn nhiều tiềm năng phát triển, nhu cầu sử dụng dịch vụ vận chuyển này sẽ sớm trở thành một nghành dịch vụ thu hút được sự đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước. Tuy nhiên, hiện nay về cả phương diện pháp lý và kinh tế, vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không chưa được quan tâm nhiều của các nhà làm luật và giới đầu tư Việt Nam, các kiến thức pháp lý cơ bản chưa được phổ biến rộng rãi, ví dụ như việc áp dụng luật điều chỉnh mối quan hệ hợp đồng vận chuyển, trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không chưa được quy định rõ ràng trong pháp luật về hàng không của Việt Nam, trong khi đó có nhiều công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia nhưng không được công bố hay dịch thuật ra tiếng Việt và phổ biến công khai, càng khó khăn hơn khi các công ước và nghị định thư về hàng không đã được sửa đổi và bổ sung khá nhiều lần, việc áp dụng nó càng trở nên phức tạp hơn. Với mong muốn khơi ngợi một niềm đam mê nào đó cho việc nghiên cứu và tiềm hiểu về lịnh vực hàng không nói chung và vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không nói riêng sẽ biến các kiến thức về hàng không, không còn lạc lõng và xa lạ với giới nghiên cứu pháp lý chúng ta.
Lê Trọng Thêm- Lê Xuân Thảo (*)
Chú thích:
(*) Được anh Lê Xuân Thảo và Lê Trọng Thêm viết và đăng trên tạp chí nội bộ của InvestConsult năm 2008
(1) ICAO (International civil aviation organization) tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, là một tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm trong việc soạn thỏa và đưa ra các quy định về hàng không trên toàn thế giới. Tính đến thời điểm hiện nay, ICAO có 190 thành viên, Việt Nam trở thành viên từ năm 1980.
(2) Công ước quốc tế để thống nhất một số quy tắc về vận tảỉ hàng không quốc tế được ký tại Vác-sa-va ngày 12/10/1929 gọi tắt là Công ước Vác-sa-va 1929. Nghị định thư sửa đổi Công ước Vác-sa-va. Nghị định thư này ký tại Hague 28/91955, nên gọi tắt là Nghị định thư Hague 1955.
(3) Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA- International air transport associations), là tổ chức quốc tế về vận chuyển hàng không, được biết đến như là một hiệp hội nghề nghiệp. Vietnam airline được công nhân là thành viên 28/2/2007.