NÊN KIỆN YÊU CẦU PHÁ SẢN HAY KIỆN TRANH CHẤP KHOẢN NỢ
NÊN KIỆN YÊU CẦU PHÁ SẢN HAY KIỆN TRANH CHẤP KHOẢN NỢ
Doanh nghiệp kinh doanh, cạnh tranh trên thị trường không thể tránh khỏi những khó khăn đặc biệt là về mặt tài chính. Và khi rơi vào trường hợp thua lỗ, không đảm bảo đủ thanh toán các khoản nợ đến hạn, doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định pháp luật. Không chỉ doanh nghiệp mất khả năng thanh toán mà chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần ngoài việc khởi kiện đòi lại khoản vay tại Tòa án thì cũng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán (khoản 1 Điều 5 Luật Phá sản 2014). Vậy trong hai phương thức yêu cầu phá sản và khởi kiện tranh chấp khoản nợ thì phương thức nào sẽ giúp bên cho vay giải quyết khoản vay nhanh chóng và hiệu quả hơn?
Đối với việc yêu cầu phá sản theo quy định tại Luật phá sản 2014 thì sau khi nộp đơn yêu cầu hợp lệ theo quy định pháp luật. Trường hợp đơn yêu cầu hợp lệ trong thời gian quy định, Thẩm phán sẽ được phân công để giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Bên yêu cầu có nghĩa vụ nộp lệ phí theo quy định pháp luật, Tòa án sẽ thụ lý đơn khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản theo quy định. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn, nếu Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản thì Thẩm phán sẽ chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, tiến hành kiểm kê tài sản và thông báo triệu tập hội nghị chủ nợ khi đủ các điều kiện cần thiết. Doanh nghiệp sẽ bị tuyên bố phá sản khi phương án phục hồi kinh doanh không thực hiện được và hết thời hạn thực hiện những doanh nghiệp vấn mất khả năng thanh toán; nội dung tại Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ là tuyên bố phá sản hoặc hội nghị chủ nợ tổ chức lần 02 không đáp ứng đủ điều kiện thì doanh nghiệp cũng bị tuyên bố phá sản. Chấp hành viên được phân công sẽ thi hành quyết định tuyên bố phá sản, thanh lý tài sản và phân chia thứ tự trả nợ theo quy định. Có thể thấy, thủ tục phá sản giúp kiểm kê tài sản của doanh nghiệp và thực hiện các biện pháp bảo toàn tài sản, nhằm đảm bảo tài sản để phân chia và doanh nghiệp không thể chuyển đổi, tẩu tán và làm thất thoát tài sản. Bên cho vay sẽ có cơ hội lấy lại khoản nợ của mình. Tuy nhiên, thủ tục phá sản mất nhiều thời gian, chi phí và thứ tự phân chia tài sản được ưu tiên chi trả các khoản chi phí như chi phí phá sản, khoản nợ lương, bảo hiểm; cuối cùng mới là khoản chi trả cho các chủ nợ.
Đối với phương thức khởi kiện tại Tòa án nhân dân thì bên cho vay phải nộp đơn khởi kiện, các tài liệu liên quan tại Tòa án có thẩm quyền. Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án sẽ phân công Thẩm phán xem xét đơn này và trong thời hạn quy định kể từ ngày được phân công, Thẩm phán sẽ đưa ra quyết định sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; thụ lý vụ án; chuyển cho đơn vị khác hoặc trả lại đơn khởi kiện. Nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền thì người khởi kiện sẽ phải nộp tiền tạm ứng án phí (nếu có) và Thẩm phán thụ lý vụ án theo quy định. Thẩm phán giải quyết vụ án và chuẩn bị xét xử trong thời gian 04 tháng. Theo đó, Tòa sẽ tiến hành lập hồ sơ vụ án, thu thập chứng cứ, hòa giải. Nếu vụ án phức tạp hoặc có tình tiết bất khả kháng, trở ngại khách quan thì có thể gia hạn nhưng không quá 02 tháng. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa sẽ mở phiên tòa.
Việc giải quyết tại Tòa án phải đảm bảo hồ sơ, tài liệu theo quy định và trải qua trình tự, thủ tục phức tạp cũng như tốn kém chi phí và thời gian. Tuy nhiên, nếu việc khởi kiện đòi lại khoản vay của bên cho vay là hợp lý thì khi vụ án được đưa ra xét xử tại Tòa án bên cho vay sẽ có khả năng thu hồi được khoản vay mà không phải chờ thanh toán các khoản ưu tiên khác như yêu cầu mở thủ tục phá sản. Bên cho vay cũng có thể khởi kiện đòi lại khoản vay bất cứ lúc nào khi bên vay đã đến hạn mà không trả mà không cần phải chờ 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán mới được yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tuy vậy, việc lực chọn phương thức khởi kiện tại Tòa án hay yêu cầu phá sản để đòi lại khoản vay là tùy vào nhu cầu, điều kiện của bên cho vay. Bên cho vay khi thực hiện các phương thức này cần tuân thủ theo quy định pháp luật về trình tự, thủ tục thực hiện để đảm bảo việc giải quyết được nhanh chóng và hiệu quả hơn.