tranh-no-xau

Những lưu ý trong hợp đồng để tránh nợ xấu

Những lưu ý trong hợp đồng để tránh nợ xấu

Ngoài các chế tài theo quy định pháp luật để xử lý vi phạm, giải pháp ghi nhận trong hợp đồng các thỏa thuận nhằm hạn chế chậm thanh toán, tránh nợ xấu là vấn đề các doanh nghiệp thật sự cần quan tâm khi thỏa thuận hợp đồng.
 Lưu ý để tránh nợ xấu

1.    Hoàn thiện điều khoản thanh toán

       Điều khoản thanh toán trong hợp đồng là cơ sở để các bên thực hiện quyền cũng như nghĩa vụ của mình liên quan đến vấn đề thanh toán. Do đó, điều khoản thanh toán cần thiết được quy định đầy đủ các nội dung, rõ ràng và chặt chẽ. Đây là một trong những phương thức hạn chế việc chậm thanh toán cũng như các rủi ro kéo theo.
       Một thực tế xảy ra mà doanh nghiệp khá bất ngờ khi vấn đề đã phát sinh, thậm chí cả doanh nghiệp quy mô lớn và giá trị giao dịch lớn, chính là hợp đồng không quy định điều khoản thanh toán. Đây có thể nói là sai lầm nghiêm trọng trong khâu giao kết hợp đồng do cơ chế kiểm soát hợp đồng còn lỏng lẻo, bên bán muốn chốt giao dịch để nhanh chóng bán được hàng, cung cấp được dịch vụ. Dĩ nhiên, bên mua có lý do để trì hoãn thanh toán khi hàng hóa đã nhận, dịch vụ đã được cung cấp mà hợp đồng không quy định thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán. Lúc này, doanh nghiệp vẫn có thể dựa vào quy định pháp luật điều chỉnh loại giao dịch tương ứng để đề nghị thanh toán. Tuy nhiên, việc thu hồi nợ tốn khá nhiều thời gian và chi phí. Điều đó không có nghĩa rằng hợp đồng có điều khoản thanh toán sẽ đảm bảo được thanh toán đúng và đủ nếu không lưu ý các vấn đề sau:
       Thứ nhất, về thời hạn thanh toán: Thời hạn thanh toán là một trong những nội dung cơ bản của điều khoản thanh toán. Như đã nêu trên, nếu hợp đồng không quy định thì doanh nghiệp vẫn có thể đề nghị thanh toán. Tuy nhiên, thời hạn thanh toán được xác lập lại theo yêu cầu thanh toán của bên bán. Rủi ro thu hồi nợ sẽ gia tăng khi hàng, chứng từ đã giao hoặc dịch vụ đã hoàn tất. Do đó, thời điểm tính thời hạn thanh toán cần được xác định rõ. Doanh nghiệp cũng lưu ý rằng với thuật ngữ “trong vòng” và “sau” sẽ làm thay đổi bản chất của thỏa thuận về thời hạn bởi thời điểm phát sinh nghĩa vụ thanh toán sẽ khác nhau.
       Thứ hai, về địa điểm thanh toán: Địa điểm thanh toán là nội dung ít khi được thể hiện trong hợp đồng. Nội dung này không có ý nghĩa đối với hình thức thanh toán chuyển khoản. Trong khi đó, địa điểm thanh toán lại thật sự quan trọng nếu thanh toán bằng tiền mặt. Nếu không thỏa thuận, bên mua được quyền thanh toán tại nơi nhận hàng/chứng từ của mình trong trường hợp có thỏa thuận giao hàng/chứng từ thay vì thanh toán tại bên bán khi hàng đã được bốc xếp, vận chuyển. Để tránh việc trì hoãn thanh toán, cần thiết ghi nhận địa điểm thanh toán trong hợp đồng khi thỏa thuận thanh toán bằng tiền mặt.
       Thứ ba, về hồ sơ thanh toán: Thông thường, doanh nghiệp cho rằng đứng ở góc độ bên có nghĩa vụ thanh toán mới cần quan tâm đến hồ sơ, chứng từ thanh toán. Tuy nhiên, thực tế chứng minh điều ngược lại, hồ sơ thanh toán là một điều kiện để được thanh toán và là cơ sở để tính thời hạn thanh toán. Muốn được thanh toán, điều kiện hồ sơ phải do bên bán/bên cung cấp dịch vụ đáp ứng. Do đó, ngay từ giai đoạn soạn thảo, đàm phán, doanh nghiệp cần lưu ý các vấn đề:
       i.     Hồ sơ thanh toán với mục đích là để chứng minh kết quả giao dịch phù hợp thỏa thuận hợp đồng nên những hồ sơ yêu cầu không phù hợp mục đích này cần bị từ chối, loại bỏ;
       ii.    Phương thức và khả năng đáp ứng điều kiện để có sự chuẩn bị đảm bảo trách nhiệm cung cấp cũng như được nhận thanh toán kịp thời;
       iii.   Biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng được xác nhận bởi hai bên cũng là văn bản thường được yêu cầu trong hồ sơ thanh toán nên để tránh trường hợp cố tình trì hoãn thanh toán bằng việc không xác nhận biên bản, hợp đồng cần thiết quy định trách nhiệm nghiệm thu, thanh lý đối với bên có nghĩa vụ thanh toán.

tranh-no-xau

       Thứ tư, về phương thức thanh toán và thông tin tài khoản thanh toán: 

Phụ thuộc vào tính chất giao dịch, niềm tin vào đối tác để xác định phương thức thanh toán một lần hay nhiều đợt, ứng trước hay thanh toán sau khi hoàn tất công việc theo hợp đồng. Cũng cần lưu ý rằng, quyết định phương thức thanh toán bằng tiền mặt hay chuyển khoản phải phù hợp quy định pháp luật về kế toán. Đồng thời, một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến trì hoãn thanh toán là thông tin tài khoản và phí chuyển khoản trong trường hợp thanh toán chuyển khoản. Thông tin tài khoản không bắt buộc ghi nhận trong hợp đồng nhưng nên quy định hoặc quy định phương thức cung cấp thông tin khi yêu cầu thanh toán. Ngoài ra, bên chịu phí chuyển khoản cần quy định trong hợp đồng bởi nếu giá trị giao dịch lớn, phí chuyển khoản cũng là con số đáng để cân nhắc. Một điều khoản được quy định hoàn thiện với mục đích hạn chế vi phạm, còn khả năng vi phạm hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là lý do cần xây dựng biện pháp bảo đảm và đặt ra chế tài.

Trên đây là Những lưu ý trong hợp đồng để tránh nợ xấu. Trong trường hợp các bạn đang gặp phải các ván đề pháp lý về hợp đồng, tài sản thế chấp, bị thu hổi tài sản thế chấp do nợ xấu vui lòng liên hệ với các luật sư của LTT & Lawyers, chúng tôi sẽ liên hệ lại với Bạn ngay khi tiếp nhận thông tin.