Phát Hành Trái Phiếu Riêng Lẻ Của Doanh Nghiệp

Phát Hành Trái Phiếu:

Đối với một doanh nghiệp, bên cạnh nguồn vốn tự có, nguồn vốn vay đóng vai

bond-1trò rất quan trọng, vốn vay giúp các doanh nghiệp thực hiện hoặc mở rộng các dự án đầu tư, cơ cấu lại nguồn vốn, ổn định sản xuất kinh doanh…vv. Cùng với phương thức huy động vốn truyền thống như thông qua tổ chức tín dụng, thông qua đối tác…, hiện nay các doanh nghiệp đang dần chú ý đến một phương thức huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp. vấn đề trên là vay nợ tuy không mới nhưng phát triển rất mạnh và hiệu quả trong thời gian gần đây. Vấn đề trên đang là xu hướng huy động vốn chủ yếu của các doanh nghiệp. Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành dưới hình thức phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Đối với phát hành ra công chúng thường là các doanh nghiệp đã có một thương hiệu lớn có được sự quan tâm của cộng đồng các nhà đầu tư. Trong khi đó, trái phiếu riêng lẻ lại tập trung chủ yếu vào các nhà đầu tư chiến lược. Nhiều đợt phát hành riêng lẻ đã được diễn ra với những đợt có tổng giá trị mệnh giá phát hành lên tới hàng ngàn tỉ đồng cũng như sẽ có nhiều đợt trái phiếu riêng lẻ có tổng giá trị mệnh giá phát hành lớn trong thời gian sắp tới. Vậy trái phiếu doanh nghiệp là gì, các điều kiện và đối tượng được phát hành như thế nào, những ai tham gia vào một đợt phát hành riêng lẻ? Đó cũng chính là những câu hỏi mà bài viết này sẽ phần nào giải đáp.

1. Doanh nghiệp và việc phát hành trái phiếu riêng lẻ

Trước hết, về mặt khái niệm, theo quy định của Luật Chứng khoán 2006[1], trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành. Nói một cách khác, trái phiếu là chứng chỉ chứng nhận nghĩa vụ nợ một khoản tiền nhất định của người phát hành đối với người sở hữu trái phiếu, trong một thời gian xác định (kỳ hạn của trái phiếu) với một lợi tức nhất định và người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu khoản tiền gốc khi đến ngày đáo hạn. Đối tượng phát hành trái phiếu có thể là doanh nghiệp, chính phủ hoặc chính quyền địa phương. Trái phiếu doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Trái phiếu) là một loại chứng khoán nợ do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả cả gốc và lãi của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu[2].

Trái phiếu riêng lẻ là phát hành cho dưới một trăm nhà đầu tư trở xuống, không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc không phải là bán trên các phương tiện thông tin đại chúng và bán cho một số lượng nhà đầu tư không xác định. Có thể nói, trái phiếu riêng lẻ có quy mô, độ phức tạp thấp hơn so với phát hành trái phiếu ra công chúng nên các quy định của phát hành riêng lẻ cũng không phức tạp như các quy định về phát hành trái phiếu ra công chúng.

Trước khi Nghị định 52/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/05/2006 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ban hành, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Chứng khoán 2006. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các quy định chung, phần nhiều mang tính nguyên tắc và đòi hỏi phải có các quy định một cách chi tiết hơn làm cơ sở cho việc áp dụng trên thực tiễn. Do vậy, Nghị định 52/2006/NĐ-CP ra đời đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng đồng thời cũng là quy định chi tiết duy nhất.

2. Đối tượng và điều kiện để được phát hành riêng lẻ

Đối tượng được phép phát hành trái phiếu hay còn gọi là tổ chức phát hành bao gồm: “công ty cổ phần, công ty nhà nước trong thời gian chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam[3]. Với quy định này, công ty TNHH không phải là doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này là mâu thuẫn với quy định theo Luật Doanh nghiệp 2005, theo đó, công ty TNHH được phép phát hành. Cũng theo Nghị định 52/2006/NĐ-CP tại các Điều 19 và Điều 26 lại có đề cập đến loại hình doanh nghiệp này. Do vậy, theo phương pháp suy luận pháp lý thì công ty TNHH cũng được phép phát hành, đây là một điều khoản liệt kê chưa đầy đủ về đối tượng.

Để có thể phát hành riêng lẻ, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện mà pháp luật quy định, đó là: (i)Là doanh nghiệp được phép phát hành như quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 52 , (ii) Có thời gian hoạt động tối thiểu là 01 năm kể từ ngày doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động, (iii) có báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm phát hành được kiểm toán, (iv) Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm liền kề năm phát hành phải có lãi, (v) Có phương án phát hành trái phiếu được tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông qua[4]. Tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ không phải xin phép phát hành từ UBCKNN. Điều kiện này là thoáng hơn so với các điều kiện để có thể được phát hành trái phiếu ra công chúng. Để phát hành ra công chúng, tổ chức phát hành phải đáp ứng rất nhiều điều kiện như là:

  • Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
  • Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm,
  • Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty thông qua,
  • Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác [5].

Ngoài việc đáp ứng các điều kiện trên Tổ chức phải thực hiện việc xin phép UBCKNN[6] trước khi phát hành trái phiếu. Phát hành trái phiếu riêng lẻ phát hành cho số đổi tượng không nhiều, trên phạm vi không rộng rãi nên các điều kiện yêu cầu cũng không quá chặt chẽ như phát hành trái phiếu ra công chúng.

Ngoài các điều kiện nêu trên, phát hành trái phiếu riêng lẻ còn phải đáp ứng các điều kiện về mục đich phát hành. Về mặt lý thuyết, tổ chức phát hành do thiếu vốn để thực hiện hoạt động kinh doanh của mình nên phát hành trái phiếu để tài trợ hoặc bù đắp khoản vốn thiếu hụt trong kinh doanh. Tuy nhiên, theo Nghị định 52/2006/NĐ-CP, tổ chức phát hành chỉ được phát hành trái phiếu với một trong các mục đích sau:

(i) thực hiện dự án đầu tư,

(ii) cơ cấu lại khoản vay trung và dài hạn hoặc

(iii) tăng quy mô vốn hoạt động[7].

Trên thực tế, có những trường hợp doanh nghiệp phát hành nhằm mục đích huy động vốn để chi trả cho một nghĩa vụ khác hay để đầu tư cho một dự án không khả thi và điều này dẫn đến rủi ro cho các nhà đầu tư. Do vậy, pháp luật có quy định về mục đích phát hành riêng lẻ là nhằm tránh các trường hợp các doanh nghiệp phát hành với những mục đích không tốt gây rủi ro cho các nhà đầu tư.

3. Các nội dung liên quan đến trái phiếu

  • Mệnh giá:

Theo quy định của pháp luật trái phiếu được phát hành và thanh toán bằng đồng Việt Nam và mệnh giá tối thiểu là 100.000 đồng. Mệnh giá của trái phiếu có thể lớn hơn nhưng phải là bội số của 100.000 đồng. Các loại mệnh giá của trái phiếu do doanh nghiệp phát hành quyết định cho từng đợt phát hành. Trên thực tế, các tổ chức phát hành thường ấn định mệnh giá trái phiếu là 1 tỷ đồng.

  • Lãi suất:

Lãi suất là một trong các yếu tố thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư tới trái phiếu cũng như để nhà đầu tư quyết định có mua trái phiếu hay không. Do vậy, để có thể phát hành trái phiếu có tính hấp dẫn cao và để đợt phát hành trái phiểu có thể thành công thì các doanh nghiệp phải đưa ra được một mức lãi suất hấp dẫn. Căn cứ mức độ uy tín của doanh nghiệp, hiệu quả của dự án đầu tư và tình hình thị trường tài chính, tiền tệ, doanh nghiệp phát hành trái phiếu quyết định lãi suất trái phiếu cho từng đợt phát hành. Lãi suất trái phiếu có thể xác định cố định cho cả kỳ hạn trái phiếu hoặc thả nổi trên thị trường. Trên thực tế, đa phần các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có lãi suất thả nổi. Lãi suất thả nổi thông thường được xác định bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân của các ngân hàng thương mại lớn cộng với một biên độ nhất định.

  • Mức độ bảo đảm của trái phiếu:

Bên cạnh lãi suất, tính an toàn của trái phiếu là yếu tố mà các nhà đầu tư cũng rất quan tâm. Tùy vào mức độ tín nhiệm của thị trường đối với tổ chức phát hành về khả năng trả nợ và tính khả thi của việc sử dụng nguồn vốn huy động từ việc phát hành mà tổ chức phát hành có thể lựa chọn việc tung ra thị trường loại trái phiếu không có bảo đảm hay trái phiếu có bảo đảm (được bảo đảm bằng tài sản của tổ chức phát hành hoặc bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba hoặc thông qua tổ chức bảo lãnh thanh toán).

  • Kỳ hạn của trái phiếu

Là khoảng thời gian từ ngày phát hành đến ngày người phát hành hoàn trả tiền vốn lần cuối. Ngày mà khoản vốn gốc của trái phiếu được thanh toán lần cuối được gọi là ngày đáo hạn của trái phiếu. Trái phiếu trung hạn là trái phiếu có kỳ hạn từ 1 đến 5 năm, trái phiếu dài hạn có kỳ hạn trên 5 năm.

  • Phương thức tính lãi và kỳ hạn trả lãi:

Trái phiếu được thanh toán lãi theo các phương thức: thanh toán lãi định kỳ; thanh toán lãi ngay khi phát hành và thanh toán một lần cùng với tiền gốc khi đến hạn.

Thông thường Trái phiếu có thể được trả lãi theo các cách thức sau: sáu tháng một lần (bán niên); một năm một lần (niên).

  • Giá chào bán dự kiến hay giá phát hành:

Là giá bán ra của trái phiếu vào thời điểm phát hành. Thông thường tổ chức phát hành quyết định giá chào bán trái phiếu bằng đúng mệnh giá của trái phiếu. Tuy nhiên, các tổ chức phát hành cũng có thể lựa chọn giá phát hành trên mệnh giá (giá gia tăng) hay dưới mệnh giá (giá chiết khấu). Việc tổ chức phát hành quyết định giá phát hành phụ thuộc vào uy tín của tổ chức phát hành, tính hấp dẫn của trái phiếu và tình hình của thị trường.

4. Các bên tham gia và bộ hợp đồng

Trong một giao dịch phát hành trái phiếu, ngoài tổ chức phát hành và nhà đầu tư là người mua trái phiếu còn có sự góp mặt của các tổ chức chuyên nghiệp thực hiện giúp đỡ các bên tiến hành toàn bộ giao dịch.

  • Người mua trái phiếu- Nhà đầu tư

Người mua trái phiếu phát hành riêng lẻ là những nhà đầu tư có số lượng không lớn, thông thường là các tổ chức tài chính. Để có thể sở hữu trái phiếu, người mua trái phiếu ký với tổ chức phát hành hợp đồng đặt mua trái phiếu hoặc hợp đồng đăng ký mua trái phiếu.

  • Tổ chức tư vấn, thu xếp phát hành

Đây là tổ chức tham gia từ lúc bắt đầu cho tới khi hoàn thành đợt phát hành, đứng ra thực hiện dịch vụ tư vấn, bảo lãnh phát hành bao gồm các công việc như: lập kế hoạch và lên phương án, tư vấn về mức lãi suất, thời điểm phát hành, giá phát hành, chuẩn bị các tài liệu liên quan tới đợt phát hành, tiến hành chào bán và phân phối….

Tổ chức tư vấn, thu xếp phát hành có vai trò quan trọng trong một đợt phát hành. Nhiều tổ chức có thể đồng thời tư vấn, thu xếp phát hành cho một đợt phát hành và được gọi là các tổ chức đồng tư vấn, thu xếp phát hành. Dịch vụ tư vấn, thu xếp phát hành được cung cấp qua hình thức hợp đồng dịch vụ tư vấn, thu xếp phát hành hoặc thư chỉ định.

  • Tổ chức bảo lãnh phát hành

Bảo lãnh phát hành có thể được thực hiện theo nhiều phương thức. Tuy nhiên trên thực tế việc bảo lãnh phát hành thường được thực hiện theo 2 phương thức:

–        Mua toàn bộ số lượng trái phiếu được phép phát hành để bán lại.

–        Mua số trái phiếu còn lại của đợt phát hành chưa được phân phối hết.

Việc một đợt phát hành trái phiếu có sự có mặt của tổ chức bảo lãnh phát hành sẽ đảm bảo cho tổ chức phát hành luôn thu được nguồn vốn từ việc bán trái phiếu. Trên thực tế, các tổ chức tư vấn, thu xếp phát hành cũng đồng thời là tổ chức bảo lãnh phát hành cho đợt phát hành

  • Tổ chức bảo lãnh thanh toán

Tổ chức bảo lãnh thanh toán là tổ chức đứng ra cam kết thanh toán tiền lãi và gốc trái phiếu khi đến ngày thanh toán lãi hoặc ngày đáo hạn mà tổ chức phát hành không trả đủ hoặc không có khả năng trả lãi hoặc số tiền gốc trái phiếu cho người sở hữu trái phiếu. Trái phiếu được phát hành có bảo lãnh thanh toán là trái phiếu có bảo đảm và do vậy có tính an toàn cao hơn so với trái phiếu không có bảo đảm.

  • Đại lý đăng ký lưu ký và đại lý thanh toán

Đại lý đăng ký lưu ký cung cấp dịch vụ cho tổ chức phát hành trong việc nhận ký gửi, bảo quản, chuyển giao trái phiếu cho người sở hữu trái phiếu, giúp người sở hữu trái phiếu thực hiện các quyền liên quan đến sở hữu trái phiếu, tổ chức hội nghị người sở hữu trái phiếu và đưa ra các thông báo cho người sở hữu trái phiếu về các vấn đề liên quan đến trái phiếu. Công việc của đại lý đăng ký lưu ký bao gồm: lập, giữ và quản lý sổ đăng ký ghi người sở hữu trái phiếu, số lượng trái phiếu mà mỗi người nắm giữ; giúp người sở hữu trái phiếu chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác, lập danh sách thay đổi các nhà đầu tư trái phiếu để thông báo cho tổ chức phát hành, đại lý thanh toán tiến hành việc thanh toán… . Để thực hiện việc đăng ký lưu ký, tổ chức phát hành ký hợp đồng đại lý đăng ký lưu ký với một tổ chức có chức năng lưu ký, thường là các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán.

Đại lý thanh toán cung cấp dịch vụ cho tổ chức phát hành trong việc thanh toán cho nhà đầu tư tiền lãi trái phiếu cũng như tiền gốc trái phiếu khi đến ngày đáo hạn. Để thực hiện việc thanh toán, tổ chức phát hành ký hợp đồng đại lý thanh toán với một tổ chức có chức năng thanh toán, thường là một ngân hàng thương mại.

  • Đại lý giữ, quản lý tài khoản trái phiếu và tài khoản dự phòng trả nợ

Tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu không giống như tiền nhận được từ việc giải ngân khoản vay tín dụng, tổ chức phát hành phải mở một tài khoản trái phiếu để giữ số tiền nhà đầu tư thanh toán và tài khoản này bị phong tòa. Tổ chức phát hành chỉ được rút tiền từ tài khoản này khi đáp ứng được điều kiện cho việc rút vốn là sử dụng số tiền rút  đúng mục đích như được nêu trong phương án phát hành. Và để đảm bảo sự an toàn và ổn định cho việc thanh toán tiền gốc và lãi trái phiếu, tổ chức phát hành phải mở một tài khoản dự phòng trả nợ trái phiếu. Tài khoản dự phòng trả nợ trái phiếu là tài khoản mà tổ chức phát hành sẽ chuyển số tiền thu được từ các dự án đầu tư từ trái phiếu hoặc từ các nguồn thu khác của tổ chức phát hành mà tổ chức phát hành đã cam kết với các nhà đầu tư sẽ sử dụng các nguồn thu này để thanh toán tiền lãi và gốc trái phiếu.

Để thực hiện việc giữ, quản lý tài khoản trái phiếu và tài khoản dự phòng trả nợ thì tổ chức phát hành thường chỉ định một ngân hàng thương mại làm đồng thời đại lý giữ, quản lý tài khoản trái phiếu và tài khoản dự phòng trả nợ thông qua việc ký kết hợp đồng đại lý giữ, quản lý tài khoản và đại lý dự phòng trả nợ trái phiếu.

  • Tổ chức tư vấn luật

Trong một đợt phát hành, tổ chức tư vấn có chức năng tư vấn cho tổ chức phát hành về các vấn đề pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu cũng như đảm bảo quyền và lợi ích cho tổ chức phát hành. Công việc của tổ chức tư vấn luật bao gồm công việc chính:

– Soạn thảo, xem xét các bộ hợp đồng trong một giao dịch, đảm bảo tính hợp pháp của nội dung cũng như tính thống nhất giữa các hợp đồng. Bởi lẽ, công việc của một tổ chức tham gia vào giao dịch có mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức khác và để cho một đợt phát hành có thể suôn sẻ thì sự thống nhất trong việc phối hợp thực hiện công việc của các tổ chức là rất quan trọng.

– Xem xét tính hợp pháp của đợt phát hành trái phiếu, xem xét các tài liệu về tổ chức phát hành, dự án đầu tư (nếu có). Đưa ra ý kiến pháp lý về tính hợp pháp.

Cần chú ý là trong một giao dịch phát hành, tổ chức tư vấn luật chỉ đưa ra ý kiến về các vấn đề pháp lý của phát hành mà không đưa ra ý kiến về các vấn đề thương mại của giao dịch như mức phí, giá phát hành….

Trên đây là khái quát cơ bản nhất về các nội dung liên quan. Để tư vấn và đưa ra ý kiến pháp lý liên quan đến vấn đề trên đòi hỏi các chuyên gia tư vấn và luật sư cần có những kiến thức về nghiệp vụ tài chính và ngân hàng sâu rộng. Bên cạnh đó, cũng hy vọng trong tương lai cơ quan ban hành văn bản pháp luật sớm hoàn thiện và quy định rõ hơn về việc trên để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sớm và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường vốn.

Đỗ Quang Phong- Lê Trọng Thêm (*)

(*) Bài này được Đỗ Quang Phong- Lê Trọng Thêm viết và tạp chí nội bộ InvestConsult năm 2009

[1] Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 của Quốc hội ban hành ngày 29/06/2006.

[2] Khoản 1 Điều 2 Nghị định 52

[3] Khoản 1 Điều 1 Nghị định 52

[4] Điều 17 Nghị định 52

[5] Khoản 2 Điều 12 Luật Chứng khoán

[6] UBCKNN: Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước

[7] Điều 4 Nghị định 52