Quy Định Pháp Luật Về Hàng Giả
Quy Định Pháp Luật Về Hàng Giả
Hàng giả từ lâu vẫn là một vấn nạn “nhức nhối” trong lĩnh vực kinh doanh thương mại nói riêng và trong toàn xã hội nói chung. Vậy, “hàng giả” được nhìn nhận như thế nào dưới góc độ pháp luật và các hành vi sản xuất, mua bán “hàng giả” sẽ phải chịu những chế tài nào?
1. Hàng giả là gì?
Theo Điều 3, khoản 8, Nghị định 185/2013/NĐ-CP về “Hàng giả” thì hàng giả bao gồm:
- Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
- Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
- Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
- Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;
- Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
- Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;
- Tem, nhãn, bao bì giả.
2. Chế tài đối với hành vi sản xuất, mua bán hàng giả
2.1 Xử phạt vi phạm hành chính
Đối với đối tượng là “hàng giả” như đã phân tích, tùy thuộc vào hành vi là sản xuất hay buôn bán và phụ thuộc vào giá trị sử dụng của “hàng giả” mà tổ chức, cá nhân có thể bị phạt tiền lên đến 60 triệu đồng (hành vi buôn bán), 80 triệu đồng (hành vi sản xuất) đối với cá nhân và gấp hai lần mức phạt trên đối với hành vi được thực hiện bởi tổ chức, theo quy định tại Điều 13, 14 Nghị định 185/2013/NĐ-CP.
Hơn nữa, nếu cá nhân, tổ chức nào có hành vi sản xuất tem, nhãn, bao bì giả cho “hàng giả” thì có thể bị phạt tiền lên đến 40 triệu đồng đối với cá nhân, 80 triệu đồng đối với tổ chức (Điều 15 Nghị định 185/2013/NĐ-CP).
Thêm vào đó, tổ chức, cá nhân còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là: Tịch thu tang vật; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 03 tháng đến 06 tháng và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả; Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa giả mạo đối với hành vi nhập khẩu hàng giả; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được…
2.2 Trách nhiệm hình sự
Đối với “Tội sản xuất, mua bán hàng giả” (Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì tùy thuộc vào “hàng giả” là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thì sẽ bị áp dụng các điều luật tương ứng tại Bộ luật Hình sự.
Theo đó, cá nhân phạm tội có thể bị phạt tù đến 15 năm theo Điều 192 phụ thuộc vào các yếu tố: giá trị hàng giả, tính chất phạm tội (có tổ chức, tái phạm), thu lợi bất chính, làm chết người, gây tổn hại sức khỏe, tài sản…Thêm vào đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 – 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền lên đến 6 – 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Thêm vào đó, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 – 03 năm.
Mọi vướng mắt pháp lý liên quan đến chủ đề này xin vui lòng liên hệ cho chúng tôi:
☎️ Công ty Luật TNHH LTT & Các Cộng Sự
– E-mail: info@lttlawyers.com
– Phone: (+84) 906 122 830
– Website: www.lttlawyers.com
– Trụ sở chính: Tầng 19, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiều, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
——————————
[LTT & LAWYERS:] Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.