Quy trình xin giấy phép an toàn thực phẩm
Quy trình xin giấy phép an toàn thực phẩm
Bước 1: Trước khi xin Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho việc kinh doanh trước hết cần phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở (tùy vào loại hình doanh nghiệp đăng ký để thực hiện chuẩn bị hồ sơ thủ tục đăng ký doanh nghiệp).
Hoặc Giấy chứng nhận đăng kí hộ kinh doanh do UBND cấp quận huyện tại địa điểm kinh doanh.
Bước 2: Sau khi đã hoàn thành thủ tục về thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh thì việc tiếp theo là cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo Điều 36 Luật An toàn thực phẩm gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm (bản sao có xác nhận của cơ sở).
– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm (có xác nhận của cơ sở), bao gồm:
+ Bản vẽ sơ đồ thiết kế mặt bằng của cơ sở và khu vực xung quanh;
+ Sơ đồ quy trình sản xuất thực phẩm hoặc quy trình bảo quản, phân phối sản phẩm và bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ của cơ sở.
– Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm:
+ Đối với cơ sở dưới 30 người: Nộp bản sao giấy xác nhận (có xác nhận của cơ sở);
+ Đối với cơ sở từ 30 người trở lên: Nộp danh sách đã được tập huấn (có xác nhận của cơ sở)
– Giấy xác nhận đủ sức khoẻ chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phiếu báo kết quả cấy phân âm tính mầm bệnh gây bệnh đường ruột (tả, lỵ trực khuẩn và thương hàn) của người trực tiếp sản xuất thực phẩm đối với những vùng có dịch bệnh tiêu chảy đang lưu hành theo công bố của Bộ Y tế:
+ Đối với cơ sở dưới 30 người: Nộp bản sao giấy xác nhận (Có xác nhận của cơ sở);
+ Đối với cơ sở từ 30 người trở lên: Nộp danh sách kết quả khám sức khoẻ, xét nghiệm phân của chủ cơ sở và của người tham gia trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (Có xác nhận của cơ sở).
Bước 3: Khi hồ sơ đã hợp lệ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc cục an toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức đoàn kiểm tra thực tế. Kết quả ghi vào biên bản kiểm tra thực tế.
Bước 4: Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, kiểm tra thực tế điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa điểm kinh doanh, sản xuất thực phẩm; nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 5: Trường hợp kết quả thực tế không đạt, trong biên bản phải ghi rõ thời hạn kiểm tra thực tế (tối đa 3 tháng) nếu kết quả vẫn không đạt thì đoàn lập biên bản và đề xuất đình chỉ hoạt động kinh doanh
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm Bộ Y tế cấp hoặc phân cấp, ủy quyền cấp, cụ thể:
– Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận cho các cơ sở sau đây:
+ Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
+ Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Ủy ban nhân dân (hoặc cơ quan có thẩm quyền) quận, huyện,thị xã và thành phố thuộc tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô kinh doanh từ 200 suất ăn/lần phục vụ trở lên.
– Ủy ban nhân dân (hoặc cơ quan có thẩm quyền) quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Ủy ban nhân dân (hoặc cơ quan có thẩm quyền) quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô kinh doanh dưới 200 suất ăn/lần phục vụ.
Thời hạn giải quyết 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 03 năm.